Lỏng lẻo trong quản lý các điểm thu mua phế liệu!

(Baohatinh.vn) - Không phải ngẫu nhiên, các cơ sở thu mua phế liệu xuất hiện trên địa bàn nhiều như “nấm sau mưa”. Chính sự lỏng lẻo, dễ dãi trong công tác quản lý của các cơ quan, lực lượng chức năng vô hình trung tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ ra đời.

>> Nguy cơ mất an toàn tại các điểm thu mua phế liệu

Cảnh quan đô thị mới Kỳ Anh đang chịu tác động xấu bởi các cơ sở thu mua phế liệu như thế này.

Cảnh quan đô thị mới Kỳ Anh đang chịu tác động xấu bởi các cơ sở thu mua phế liệu như thế này.

Thị xã Kỳ Anh được coi là “thủ phủ” phế liệu của Hà Tĩnh, dọc QL 1A đoạn qua các xã, phường trong KKT Vũng Áng, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những điểm thu mua phế liệu “tá túc” ngay trong các khu dân cư đông đúc. Cá biệt, theo kết quả thống kê của Công an TX Kỳ Anh, trong tổng số 59 cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn KKT Vũng Áng, có đến 57 cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Vì hoạt động tự phát, không tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước đối với hoạt động SXKD nên các chủ cơ sở thu mua phế liệu và người lao động đa phần không hiểu khái niệm an toàn vệ sinh lao động.

Theo anh N.M.H - chủ một cơ sở kinh doanh hàng phế liệu ở phường Kỳ Long: Ban đầu, gia đình anh chỉ đi thu gom phế liệu được thải ra từ các công trình, nhà máy trên địa bàn. Thấy có lãi, lại tìm được mối nhập hàng nên gia đình đã dùng cả diện tích sân vườn để làm điểm thu mua, phân loại, xử lý trước khi vận chuyển đi nơi khác. Theo quan sát, chủ của các cơ sở kinh doanh thản nhiên đặt bếp nấu ăn ngay tại điểm tập kết phế liệu và vô tư dùng bình ôxy, bình gas để khoan, cắt, xử lý. Đây chính là lý do tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi không loại trừ trường hợp người dân do thiếu hiểu biết, tự ý xử lý các sản phẩm phế thải và gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Cơ sở thu mua phế liệu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Cơ sở thu mua phế liệu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Long (TX Kỳ Anh) Lê Công Trung cho rằng, vẫn biết sự tồn tại của các cơ sở thu mua phế liệu tại khu dân cư là mất an toàn nhưng rất khó quản lý, bởi hầu hết các cơ sở ở đây đều không có giấy phép kinh doanh và chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường.

“Mặc dù chưa có đơn vị nào đăng ký thủ tục kinh doanh có điều kiện nhưng việc xử lý vẫn khó triển khai. Chúng tôi cũng chỉ nắm sơ qua công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở kinh doanh phế liệu. Muốn xử lý thì phải đi kiểm tra, tuy nhiên, muốn kiểm tra thì phải có con người, nghiệp vụ... Hiện nay, một người ở Phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh phải kiêm 4-5 mảng nên khó có chuyện tự giác đi kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở thu mua phế liệu?!” - Chuyên viên phụ trách môi trường Phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh - Nguyễn Thị Ngọc Hường giải thích.

Khác với TX Kỳ Anh, mặc dù quy chế quản lý đô thị và các văn bản hướng dẫn của TP Hà Tĩnh quy định: cấm thu mua và tập kết các loại phế liệu (sắt, thép, bao bì, nhựa…) tại các trục đường chính của các phường nội thành và dọc QL 1A, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, các điểm thu mua phế liệu vẫn hiển nhiên tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc của phường nội thị.

Tình trạng tập kết phế liệu lấn chiếm lòng đường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được cơ quan chức năng năng nhắc nhở, xử lý. (ảnh chụp trên đường Mai Thúc Loan, đoạn qua xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh). Ảnh: Mạnh Hà

Tình trạng tập kết phế liệu lấn chiếm lòng đường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được cơ quan chức năng năng nhắc nhở, xử lý. (ảnh chụp trên đường Mai Thúc Loan, đoạn qua xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh). Ảnh: Mạnh Hà

Khi được hỏi về sự tồn tại của các cơ sở thu mua phế liệu tại địa bàn mình, lãnh đạo các phường Hà Huy Tập, Tân Giang, Trần Phú… đều cho rằng, công tác phối hợp, kiểm tra giám sát các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn giữa UBND các phường và các phòng, ban chuyên môn còn hạn chế, chưa được coi trọng, thiếu sự giám sát thường xuyên. Thậm chí, ngay cả lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh đến nay vẫn không có được số liệu cụ thể về các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh - Phạm Xuân Đức cho biết: “Về thủ tục đất đai, hầu hết các cơ sở đều thuê đất của các gia đình nên Sở TN&MT không quản lý. Theo phân cấp quản lý, công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường cũng được phân cấp cho các huyện, thị, thành. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các địa phương vẫn chưa có báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh phế liệu.

Như đã đề cập, hoạt động thu gom, buôn bán phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, do không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ nên các cơ sở kinh doanh này đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Đã đến lúc các cơ quan, lực lượng chức năng cần có cách nhìn thấu đáo về loại hình kinh doanh đặc biệt này, từ đó, quy hoạch các điểm, cơ sở thu mua tập trung hợp lý và có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời, nâng cao ý thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho các lao động tham gia thu gom, xử lý phế liệu, từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, phòng tránh những sự cố thương tâm như vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú – Hà Đông (Hà Nội) vừa qua.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast