Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Mở rộng quyền lợi cho người dân

(Baohatinh.vn) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2015 đang được dư luận xã hội quan tâm bởi quyền lợi BHYT của người dân sẽ được mở rộng...

Hộ ông Trần Bình (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) có 5 khẩu, sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Là hàng xóm láng giềng, gặp tôi, ông nói ngay: “Gia đình tôi quanh năm cắm cúi làm ăn, không hiểu biết nhiều ngoài xã hội. Vừa rồi, nghe bà con trong xóm bàn đến việc tham gia BHYT để còn lo khi ốm đau, bệnh tật mới biết Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có chính sách hấp dẫn lắm… Chú coi có phải rứa không để tôi bàn với bà nó tham gia… Trước tới nay vì nhiều lý do nên nhà tôi chưa ai có thẻ BHYT…”. Thật không ngờ, những người nông dân “một nắng hai sương” trong xóm tôi lại quan tâm đến vấn đề mang tầm… “Quốc hội”!

Các đối tượng tham gia bảo hiểm làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các đối tượng tham gia bảo hiểm làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nghe ông hỏi, tôi giải thích thêm, Luật BHYT sửa đổi lần này có nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá mạnh mẽ, trong đó có cơ chế khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Chẳng hạn, các thành viên trong hộ khi tham gia sẽ được giảm dần mức đóng từ người thứ 2 trở đi. Cụ thể, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 chỉ đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Nghe thế, ông Bình mừng lắm!

Đánh giá về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Tuấn Bình - Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh vui mừng cho biết: Luật BHYT sửa đổi có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nhất là quyền lợi và mức hưởng của người tham gia BHYT. Theo đó, người dân đang sinh sống tại những vùng khó khăn, các xã đảo sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Luật cũng bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Quan trọng nữa là luật đã bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ. Luật còn giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ cận nghèo.

Đáng chú ý nhất, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Bình, tới đây, quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến được quy định cụ thể mức hưởng BHYT và quyền lợi trẻ em dưới 6 tuổi cũng được bổ sung. Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng 9 của năm đó. Theo luật sửa đổi, bổ sung này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.

Cùng với đó, theo nhiều cán bộ làm công tác BHXH, luật quy định mở thông tuyến KCB BHYT là rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến T.Ư khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Từ ngày 1/1/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Khi quyền lợi được mở rộng, chắc chắn người dân sẽ tham gia BHYT nhiều hơn. Và, đó là mục tiêu, định hướng tiến tới BHYT toàn dân.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast