Lý Tự Trọng - Sống mãi tuổi 17

80 năm kể từ ngày bị thực dân Pháp hành quyết, tên tuổi Lý Tự Trọng cùng lời tuyên ngôn dõng dạc: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể con đường nào khác" vẫn khắc sâu trong trái tim bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Ngày đưa hài cốt anh từ Công viên Lê Thị Riêng (Sài Gòn) về quê cha đất tổ Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), mọi người càng ngậm ngùi nhớ tiếc và cảm phục tấm gương chói sáng người cộng sản.

Đời cách mạng từ khi anh đã hiểu

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh năm 1914, tại bản Mạy tỉnh Na Khon (Thái Lan) dù quê ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cụ thân sinh anh là Lê Văn Đại và thân mẫu Nguyễn Thị Sờm đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Ngọn lửa ấy đã thắp vào trái tim người con đầu lòng của họ lúc ấy là Trọng khi anh mới 14 tuổi đã được Bác Hồ đưa sang Trung Quốc đào tạo bồi dưỡng và trở thành đường dây liên lạc của tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội".

Lý Tự Trọng là con người có tố chất thông minh, nhanh nhẹn thông thạo 3 ngoại ngữ: Thái, Pháp và Hán. Trọng có đức tính chịu khó, chịu khổ với nghị lực phi thường. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ bí mật được giao thành lập tổ chức "Thanh niên Cộng sản" ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh trở thành một đường dây liên lạc cho tổ chức cộng sản từ nước ngoài qua các chuyến tàu đến cảng Sài Gòn.

Lễ an táng hài cốt Lý Tự Trọng tại xã Việt Xuyên , huyện Thạch Hà sáng 4/5/2011
Lễ an táng hài cốt Lý Tự Trọng tại xã Việt Xuyên , huyện Thạch Hà sáng 4/5/2011

Nhớ lại thưở cắp sắch tới trường, tôi và bạn bè đã từng chép bài thơ "Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh" và ánh lên niềm tin lý tưởng trong câu thơ: "Lý Tự Trọng đầu không hề chịu cúi/ Sắp ra pháp trường còn đọc Nguyễn Du". Về sau, qua những trang sử vàng truyền thống của Đoàn, tôi mới hiểu thêm rằng: Ngày 9/2/1931, nhân kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, chớp lấy thời cơ nhân dân Sài Gòn đi xem bóng đá tại Taraynhi và đường Logăngđơlaliray, các chiến sĩ cách mạng đã nhanh chóng tung truyền đơn và dương cao cờ đỏ búa liềm để vạch trần sự áp bức tàn bạo của bọn thực dân và kêu gọi toàn dân vùng lên cứu nước.

Dòng người đổ xuống đường đông nghịt biến thành buổi mít tinh lớn. Chính thời khắc ấy tên thanh tra mật thám Lơ Grăng cùng đội cảnh sát đã ập tới bắt một cán bộ tuyên truyền của ta đang say sưa diễn thuyết. Trước tình huống này, Lý Tự Trọng đã dùng súng lục bắn 2 phát liền khiến tên thanh tra mật thám ngã gục. Lập tức anh bị bắt và đưa về giam tại bốt Catina (Sài Gòn).

Những ngày ở nhà tù đế quốc, Lý Tự Trọng bị bọn thực dân dùng đủ ngón bài tra tấn hết sức dã man rồi lại dùng những lời ngon ngọt dụ dỗ mua chuộc hòng moi những nguồn tin của các tổ chức hoạt động cộng sản. Nhưng, tất cả mọi mưu đồ của chúng đều thất bại trước "trái tim thép" người thanh niên 17 tuổi.

Lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS HCM, tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân, ĐVTN đến dâng hương, tiễn đưa đồng chí Lý Tự Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng
Lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS HCM, tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân, ĐVTN đến dâng hương, tiễn đưa đồng chí Lý Tự Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng

Lý Tự Trọng bị kết án tử hình, ngay tại phiên toà xét xử một luật sư bào chữa đã "xin thực dân Pháp khoan hồng.." vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, "hành động chưa suy nghĩ" nhưng anh đã gạt phắt lời bào chữa ấy và dõng dạc nói: "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật nhưng tôi hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể con đường nào khác.."

Khoảng 3 giờ sáng 21/11/1931, kẻ thù đưa anh lên máy chém. Bà An-đơ-rê Vi-o-lít, một nhà báo Pháp thuật lại sự thật oanh liệt cái chết người cộng sản nhỏ tuổi này: Khi Ông Nhỏ (anh Trọng) lên máy chém hết sức thản nhiên và hô to: "Việt Nam muôn năm. Việt Nam muôn năm.." rồi cao giọng hát bài Quốc tế ca "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian..". Bà An-đơ-rê cũng không quên nhắc lại những ngày ở trong nhà lao "ông Nhỏ" vẫn thường xuyên tập thể dục, tay không rời cuốn Truyện Kiều..

Tìm lại nơi anh nằm sau 80 năm

Khi hài cốt anh Lý Tự Trọng được đưa về an táng tại quê nhà, tôi tìm đến xã Việt Xuyên để nắm thông tin từ phía gia đình và địa phương sau "chuyến đi dài ngày" ở Sài Gòn về. Trên khu đất đỏ quạch vừa xới lên, nhìn ra xa là cánh đồng lúa xanh ngút mắt, đáy mộ bằng xi măng kiên cố đã được xây sẵn. Những nghi thức chôn cất theo truyền thống làng được bà con và chính quyền xã Việt Xuyên chuẩn bị khá chu đáo.

Ông Phan Quang Hợi - Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên cho biết: "Cách đây 2 năm, tỉnh Hà Tĩnh đã dành hơn 4 ha đất làm khu di tích Lý Tự Trọng. Khu di tích này sẽ là nơi cả nước đến thắp hương tưởng niệm người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và là điểm giáo dục truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho tuổi trẻ".

Trong cái rạp vải căng dài ngun ngút khói hương và dày kín những vòng hoa đến viếng anh linh Lý Tự Trọng, cụ Lê Thị Bảy, người em gái út của anh Lý Tự Trọng năm nay đã ngoài tuổi 80 cảm thấy mình như khoẻ thêm khi đón anh về. Suốt mấy ngày liền, cụ Bảy túc trực bên di hài anh Trọng cùng con cháu. Cụ Bảy tâm sự: "Khi anh Trọng bị thằng Pháp chém, tôi mới 1 tuổi, đã biết mặt anh mô. Thế mà nhiều đêm nằm mơ thấy anh về. Bữa ni, anh Trọng về với em với xóm với làng rồi. Từ ni nhắm mắt xuôi tay tôi đã toại nguyện..".

Chiếc cùm được tìm thấy tại ngôi mộ Lý Tự Trọng trong Công viên Lê Thị Riêng
Chiếc cùm được tìm thấy tại ngôi mộ Lý Tự Trọng trong Công viên Lê Thị Riêng

Dường như bức chân dung của người thanh niên 17 tuổi, đầu đội mũ ca lô, mặt bầu bĩnh, má lông tơ đang nở nụ cười khi được nhìn thấy ánh mắt đồng bào, đồng chí và được an nghỉ ngàn thu sum vầy bên tình thương bờ tre, gốc lúa quê nhà. Bao nhiêu lượt khách vào, ai cũng dừng lại khá lâu để quan sát kỹ hiện thực được tìm thấy trong di hài Lý Tự Trọng hôm nay.

Đặt trong hòm kính đó là chiếc còng tay và chiếc còng chân. Dường như tội ác của kẻ thù giam cầm người cộng sản trẻ tuổi này trời chưa dung thứ nên đã 80 năm rồi trong lòng đất anh nằm vẫn còn ôm khối hận... Cả tấm biển số tù làm bằng thứ kim loại màu trắng hiện rõ: 3 AE. Một phiến gỗ dài khoảng 0,8 mét màu đen... Riêng miếng gỗ màu đen này được người đàn ông đứng tuổi ở trong thôn Việt Xuyên giải thích đó không phải là gỗ quan tài vì kẻ thù đối với cộng sản chết không có "áo quan" nhưng tình thương người cộng sản thì không ai cản nổi lòng dân. Một người dân ở Sài Gòn lúc đó khi phát hiện được nơi chúng chôn anh Trọng ở Công viên Lê Thị Riêng đã lẳng lặng về vác cánh cửa nhà mình và đưa vào ngôi mộ. Người đàn ông này đã suy nghĩ sâu xa dấu tích ấy hy vọng lớp con cháu mai sau sẽ tìm được chỗ Lý Tự Trọng nằm..

Khi tới nhà thờ Lý Tự Trọng, tôi gặp anh Lê Hữu Tiến (con ông Lê Hữu Anh gọi anh Lý Tự Trọng bằng bác ruột). Lê Hữu Tiến bận bộ quần áo màu đen, đầu chít khăn trắng, mắt đã trũng sâu vì suốt mấy tuần lễ mất ngủ nhưng anh vẫn hoạt bát và lịch sự trong giao tiếp với cánh nhà báo. Tiến tâm sự: "Nguyện vọng tìm kiếm di hài bác Trọng cả nội tộc cô bác nhà cháu đã mong muốn từ lâu. Năm 1995, họ hàng nhà cháu đã cử 3 người lặn lội vào Sài Gòn và cũng đến tận Công viên Lê Thị Riêng nhưng không có kết quả. Cuộc cất công tìm kiếm lần này phải nhờ sự nhiệt tình và dày công của các cấp và nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (Hải Dương)".

Những dòng lưu bút đầy tri ân

Tại nhà tang lễ, Ban tổ chức chính quyền xã Việt Xuyên cho tôi xem những dòng lưu bút cảm động và khâm phục người thanh niên cộng sản hy sinh lúc 17 tuổi. Có những dòng lưu bút của người chiến sĩ biên cương, có dòng lưu bút của bác nông dân, người thợ máy, có dòng lưu bút bậc cán bộ lão thành và các cháu thiếu nhi. Dòng nào trang nào cũng xúc động và khích lệ niềm tự hào về người con trung hiếu của Đảng của nhân dân.

Tấm gương dũng cảm của người Thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng mãi là tấm gương sáng ngời cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau
Tấm gương dũng cảm của người Thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng mãi là tấm gương sáng ngời cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau

Đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương viết: "Tổ quốc - Dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam đời đời ghi nhớ công lao người thanh niên Lý Tự Trọng". Bác Phạm Chánh Trực, một cán bộ ở Sài Gòn tâm tình như một bức thư: "Chúng tôi tuổi trẻ thành phố Sài Gòn - Gia Định đã noi gương anh xông pha trên chiến trường trong lòng địch, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Câu nói nổi tiếng và tâm huyết của anh: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng." đã thôi thúc bao thế hệ trẻ thành phố xả thân vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, tuổi trẻ rất tự hào luôn luôn là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Thành tâm nhớ anh, người anh hùng của tuổi trẻ Việt nam".

Còn chị Lê Thị Bích Đào thì gửi gắm lời tri ân mình bằng nội tâm sâu lắng: "Anh Lý Tự Trọng ơi! trong giờ phút thiêng liêng này em cầu mong linh hồn anh siêu thoát an lành trong thế giới linh thiêng. Em xúc động biết bao khi tìm thấy hài cốt của anh. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cùng gia đình đã cất công tìm kiếm hài cốt anh suốt 2 năm nay rồi. Chúng em luôn khắc ghi công ơn của anh đối với tuổi trẻ, đối với quê hương đất nước. Anh Lý Tự Trọng là tấm gương để chúng em noi theo..".

Chắc hẳn anh đang nghe rõ lời tri ấy và nghe rõ nhịp bước quê hương đang từng ngày đổi mới. Lý Tự Trọng người con quê hương sống mãi tuổi 17.

Tháng 5/2011

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast