Mãi là tấm gương sáng của cháu con

Đã bước sang mùa xuân thứ 108 của cuộc đời nhưng với ông Bùi Thưởng - cán bộ lão thành cách mạng (khối phố 6, phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh), cuộc sống vẫn luôn đầy ý nghĩa với việc bào chế thuốc chữa bệnh ngoài da, giúp đỡ bà con khối phố từ những việc làm nhỏ và quan trọng hơn cả, răn dạy cháu con không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình, trở thành người có ích cho xã hội.

Trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười có 4 thế hệ cùng chung sống, ông Bùi Thưởng đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của cuộc đời mình. “Cũng như bao người dân ở vùng quê Đức Thịnh (Đức Thọ) lúc bấy giờ, cuộc sống của tôi là những tháng ngày đen tối đi làm thuê, ở đợ cho địa chủ. Thế rồi, cách mạng đã về với nhân dân, tôi đã trở thành một trong những người đầu tiên nơi miền quê ấy xung phong gia nhập vào đội quân cách mạng. Ngoài nhiệm vụ cất giấu lương thực chờ ngày tổng khởi nghĩa (phong trào Xô-viết 1930-1931), chúng tôi còn cùng với du kích địa phương giấu truyền đơn vào những cây gậy không có ruột để rồi đêm đêm lén thổi vào hàng rào của bọn chức sắc, sai dịch trong vùng”. Thế rồi, từ sự chỉ điểm của một tên phản bội, tháng 5/1930, ông bị bắt giải đến đồn Thái Yên. Những ngón đòn dã man của bọn thực dân, phong kiến không thể làm lung lạc ý chí của người cách mạng. Không tìm ra chứng cứ, bọn chúng quyết định di lý ông đến một nhà giam khác và đến năm 1933, ông mới được tha.

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chúc tết cụ Bùi Thưởng

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chúc tết cụ Bùi Thưởng

Trước nỗi đau nước mất, nhà tan, ông đã ngậm ngùi ly hương sang nước bạn Lào để tìm kế mưu sinh và cũng để tránh tai mắt của bọn mật thám. Hơn 10 năm bôn ba xứ người, cuộc sống đã đổi thay khi ông đã xây dựng được cho mình một tổ ấm. Thế nhưng, nỗi nhớ quê hương cùng với nỗi buồn khi không bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng luôn canh cánh trong từng bữa ăn, giấc ngủ của ông. Đưa vợ con trở về mảnh đất TX Hà Tĩnh cũng là lúc nước nhà đang sục sôi với cuộc kháng chiến chống Pháp. Xếp lại bộ đồ nghề thợ mộc, ông lại tham gia dân công hỏa tuyến và vinh dự được góp sức mình kéo pháo lên Điện Biên. Bước vào thời kỳ đánh Mỹ, để lại đàn con thơ cho người vợ đảm xoay xở tảo tần, ông tình nguyện xung phong lên đường tham gia chở gạo, chở súng đạn vào chiến trường Ba Rền, Quảng Bình, Quảng Trị...

Nhớ lại những ngày tháng gian nan mà hào hùng ấy, trong đôi mắt ông lại rưng rưng một nỗi buồn khi nghĩ về người bạn đời chung thủy của mình: “Tôi thật sự biết ơn số phận khi đã cho tôi được người vợ hiền đảm đang. Suốt những ngày tháng cơ cực ấy, một mình bà đã thay tôi vun vén gia đình, chăm sóc, nuôi dạy đàn con nên người. Bận rộn với công việc của cách mạng, với các hoạt động xã hội, tôi tự thấy mình chẳng đỡ đần được nhiều cho vợ con, thế nhưng, bà ấy chẳng hề kêu ca mà ngược lại, luôn siêng năng, đảm đang lao động, trang trải cho cuộc sống, động viên tôi an tâm công tác”. Từ tấm gương của người cha, sự bảo ban của người mẹ, 3 người con trai của ông cũng lần lượt xung phong lên đường.

Hòa bình lập lại, đất nước bước sang trang mới, cuộc sống của người dân cũng ngày càng khởi sắc hơn, sống trong cảnh cháu con đầm ấm, sum vầy, nhưng trong ông, ký ức của những tháng ngày lầm than, đói khổ vẫn luôn hiện hữu. Bởi thế, ông luôn răn dạy cháu con phải sống tiết kiệm, không ngừng học tập, rèn luyện để làm tốt hơn nữa công việc của mình, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông đã từng hy sinh xương máu. Nói về người bố của mình, ông Tý không giấu nổi niềm tự hào: “Sự mẫu mực trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế của bố mẹ đã thực sự là tấm gương để anh em chúng tôi học tập. Ngày mẹ mất, bố tôi tưởng chừng suy sụp, nhưng giấu nỗi đau vào trong, ông vẫn luôn tỏ ra bình tĩnh, cứng rắn để làm chỗ dựa tinh thần cho cháu con. Và đến bây giờ, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn duy trì thường xuyên việc nghe thời sự, tập thể dục vào mỗi buổi sáng và vẫn chống gậy đến thăm bà con trong xóm để chia sẻ những chuyện vui buồn”.

Một năm mới lại về, với đại gia đình ông Bùi Thưởng, niềm vui không chỉ là những thành quả trong công việc, trong cuộc sống mà lớp con cháu đã nỗ lực phấn đấu trong suốt một năm mà còn là không khí đầm ấm, sum vầy khi thấy ông vẫn mạnh khỏe, minh mẫn để răn dạy cháu con, để được ông mừng tuổi - món tiền mà ông đã tiết kiệm từ khoản lương Nhà nước dành cho cán bộ lão thành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast