Mạng lưới đo mưa cộng đồng: Giúp cảnh báo sớm thiên tai!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh, thành của cả nước triển khai thí điểm Dự án Thiết lập mạng lưới đo mưa cộng đồng trên khu vực sông Ngàn Sâu – Ngàn Phố. Điểm nổi bật là dự án đã thu hút sự tham gia của người dân địa phương, giúp cảnh báo sớm thiên tai, giảm thiểu rủi ro trong cộng đồng dân cư.

Mạng lưới đo mưa cộng đồng: Giúp cảnh báo sớm thiên tai! ảnh 1
Các trạm đo mưa cộng đồng được lắp đặt theo chương trình dự án sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện, cảnh báo sớm thiên tai.

Hà Tĩnh hiện có 12 trạm đo khí tượng - thủy văn, 14 trạm đo mưa tự động và 213 cột mốc báo lũ. Hệ thống cơ sở hạ tầng cảnh báo thiên tai còn hạn chế, trong khi diện tích rộng lớn chưa thể phản ánh được đầy đủ tình hình thiên tai của từng vùng miền, dẫn đến việc cập nhật số liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các trạm đo mưa cộng đồng được lắp đặt theo chương trình dự án sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện, cảnh báo sớm thiên tai để sẵn sàng phương án đối phó, xử lý kịp thời và hiệu quả.

“Dự án đo mưa cộng đồng do Ban Quản lý Trung ương, các dự án thủy lợi (CPO) thực hiện nhằm góp phần dự báo chính xác lượng mưa trên địa bàn Hà Tĩnh, giúp người dân chủ động phòng tránh lũ lụt. Hưởng lợi từ dự án, Hà Tĩnh được lắp đặt 40 trạm đo mưa cộng đồng với 80 thùng đo mưa tại các xã và khu vực hồ chứa, đập dâng thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ”, anh Bùi Trường Giang - chuyên viên Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết.

“Việc lắp đặt các trạm đo mưa cộng đồng hoàn thành vào năm 2014 và đến tháng 9/2015, khi hoàn thiện quy trình đo mưa thì các trạm được đưa vào sử dụng. Thời gian đo chủ yếu vào mùa mưa lũ chính vụ (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm). Mỗi trạm được trang bị 2 thùng đo mưa giống nhau. Việc đo mưa phải đảm bảo tính trung thực và thực hiện đúng giờ tròn đo đạc. Theo đó, đến thời điểm đo mưa theo quy định, quan trắc viên tiến hành đổi thùng đo, đưa thùng đã hứng mưa vào nhà để đọc lượng mưa. Tiếp đó, đặt thùng trên mặt nằm ngang, đọc lượng mưa được đo trên thước đo, chính xác đến từng milimét. Với thiết bị này, người dân vùng lũ có thể biết tương đối chính xác cường độ mưa xảy ra trên địa bàn, từ đó nhắn tin về Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để giúp cán bộ cập nhật thông tin về lượng mưa đo được vào chương trình quản lý và truyền dữ liệu của địa phương” - anh Giang cho biết thêm.

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Hà Tĩnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả dự án này, quan trắc viên đo mưa cộng đồng đã được tập huấn kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, trang bị các thiết bị và dụng cụ bảo hộ lao động khi làm nhiệm vụ”.

Hương Trạch là một trong 12 xã của huyện miền núi Hương Khê được hưởng lợi từ dự án với 1 trạm đo mưa cộng đồng. Dù mới đưa vào sử dụng nhưng dự án đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Thành - cán bộ giao thông - xây dựng xã cho biết: “Tôi là người trực tiếp đo mưa tại trạm. Trận mưa lớn vừa qua nhờ thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật và vị trí đặt phù hợp nên đã cho kết quả chính xác. Thiết bị đo mưa cộng đồng là biện pháp hữu hiệu để chúng tôi phát hiện sớm và chủ động phòng tránh thiên tai, bão lũ, hạn chế rủi ro”.

Ông Trịnh Xuân Cần - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Đập dâng Khe Táy (Lộc Yên), hồ chứa Họ Võ (Hương Giang), hồ chứa Đá Bạc (Hương Bình) và hồ chứa Đá Hàn (Hòa Hải) là 4 công trình thủy lợi tại Hương Khê do công ty quản lý được lắp đặt các trạm đo mưa cộng đồng. Chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lí và khai thác các công trình thủy lợi. Đây là những hồ có lưu vực lớn, trạm đo mưa sẽ đo được lượng mưa và biết được lượng nước đến hồ để chủ động trong điều tiết lũ và hạn. Ngoài ra, nhờ hệ thống này, sẽ tạo nên tính đồng bộ trong quản lí mạng lưới thủy văn, tăng độ chính xác, tin cậy trong quy trình đo mưa, từ đó, tăng khả năng dự báo tình hình lũ tốt hơn”.

“Thiết lập mạng lưới đo mưa cộng đồng” trên khu vực sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố là dự án thiết thực đối với Hà Tĩnh. Dự án góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực xử lý tình huống, năng lực chỉ huy - điều hành tại chỗ của các cơ quan chức năng để ứng phó thiên tai hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast