Mát rượi rừng dừa

(Baohatinh.vn) - Nhắc tới Bình Định là nhắc tới người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhắc tới miền đất thượng võ với những con người đầy can trường, dũng khí. Nhưng có thể nào quên “nắng thu xanh rười rượi rừng dừa”. Bình Định, khúc ruột miền Trung, quê hương kết nghĩa Bình - Hà đã đi vào nhạc, vào thơ, đi vào trang sách tuổi thơ tôi ngày ấy.

Tôi còn nhớ như in những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, người dân Hà Tĩnh thức cùng với Bình Định. Những hạt gạo “một nắng, hai sương” cấy trên đồng hợp tác, ngay trên đầu hố bom được người dân Hà Tĩnh chắt chiu, dành dụm, gửi tới Bình Định trong những tháng ngày cam go, quyết liệt nhất.

Bình Định đau thương và anh dũng - cuốn sách của Ty Văn hóa thông tin Hà Tĩnh ấn hành, bây giờ không còn để lưu trữ nữa, nhưng chắc chắn, ai đã từng đọc, từng xem sẽ không quên những năm tháng bi hùng ở Bình Định: những trận càn dã man của bầy sói lang Mỹ - ngụy hồi ấy. Vượt lên đau thương và nước mắt, từ trong rừng dừa rười rượi, người dân Bình Định lại vững vàng tay súng săn máy bay, xả đạn vào đồn bốt giặc, bắt chúng phải đền nợ máu. Tin vui “Từ những trận chiến thắng dưới rừng dừa” của bao cô gái, của các chàng trai, của cả những ông bố, bà mẹ ở vùng đất thượng võ gieo thêm “hạt mầm anh dũng” cho đất Hà Tĩnh cách mạng.

Mát rượi rừng dừa ảnh 1

Rợp bóng dừa Tam Quan. Ảnh: Văn Lưu (Báo Bình Định)

Trải ba thập kỷ chiến tranh, nhưng chừng ấy thời gian, rừng dừa Bình Định vẫn đẹp, vẫn hiên ngang. Ba thập kỷ ấy, những thiếu sinh quân miền Nam tập kết ra Bắc, không ít cô cậu khắc khoải: Em nhớ trái dừa tròn/ Của quê em Bình Định/ Lấy ngón tay em tính/ Ngày trở lại vườn dừa.

Còn tôi và bạn bè cũng chung niềm khao khát ấy, khi thầy giảng bài Rừng dừa Bình Định (sách Tập đọc lớp 3): “Bình Định là một tỉnh miền Trung, nổi tiếng về tinh thần anh dũng, nổi tiếng về tơ tằm và nổi tiếng về dừa. Ở đây, dừa mọc ven sông, dừa men bờ ruộng, dừa leo sườn đồi... Mai đây, khi nước nhà thống nhất, ngồi trên con tàu từ Bắc vào Nam, chúng ta sẽ thấy những rừng dừa trùng điệp này. Chúng ta sẽ thấy những hàng dừa xiêm thấp le te, quả tròn, nhỏ nhắn nhưng nước ngọt vô cùng…”.

Ao ước được đến thăm mảnh đất này đã trở thành hiện thực, khi tôi được đi dự Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Bình Định. Trái tim tôi tràn ngập hứng khởi và mong sao xe bon nhanh tới thành phố Quy Nhơn để cùng bạn bè, đồng nghiệp thăm nhà thờ Tây Sơn, xem biểu diễn võ thuật, ngắm mũi Ghềnh Ráng, lên viếng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử và điều thú vị nhất là được nếm vị ngọt mát nước dừa Tam Quan.

Đúng vào chiều thu trung tuần tháng 8/1988, anh Quang Khanh - Thư ký Tòa soạn Báo Bình Định dẫn tôi về Tam Quan. Chúng tôi bách bộ khắp đường ngang, ngõ dọc của xứ sở. Trong biển nắng sóng sánh, trong phóng khoáng của trời thu, rừng dừa Tam Quan càng ngun ngút xanh, vượt lên tất cả màu sắc cây cỏ, hoa lá. Dọc đường, anh bạn kể cho tôi nghe câu chuyện thần thoại về cây dừa:

“Ngày xưa, có một con Chằn Tinh và một con Đại Bàng từ xa đến, chúng thường phun nọc độc hủy hoại cây cối, ruộng đồng, khiến dân chúng khắp mọi vùng đều hoang mang, lo sợ. Một hôm, con Đại Bàng sà cánh xuống làng và cắp mất nàng Nếp - một cô gái xinh đẹp, nết na. Chàng Lửa - người yêu nàng Nếp, vội vã vượt suối, trèo lên đỉnh núi cao, dùng nỏ giết chết Đại Bàng, cứu được nàng. Khi chàng Lửa đưa người yêu về nhà thì cha mẹ nàng vì quá thương tiếc con nên đã quy tiên. Nàng phiền muộn nên chẳng bao lâu cũng qua đời. Lúc hấp hối, nàng cầm tay chàng Lửa căn dặn: “Em ra đi nhưng hồn em vẫn ở trong anh, trong xóm làng”.

Chẳng thể ngờ, ít lâu sau, trên nấm mồ cô gái mọc lên một chồi non và chiếc lá đầu tiên có hình chiếc lược của nàng Nếp hiện ra. Cây lớn nhanh, buồng quả dài với những quả tròn xanh treo trên ngọn. Người dân hái xuống, dùng dao gọt thử, bổ ra uống vừa thơm, vừa ngọt; ăn lớp cùi màu trắng béo ngậy và gọi quả này là quả Nàng Nếp. Nhưng lúc này, từ ngoài khơi, con Chằn Tinh lại bơi vào. Chàng Lửa cùng dân làng vây đánh. Chằn Tinh bị chém mất đầu, lại mọc tiếp đầu khác. Đến chiều tối, nó thua, chạy ra biển, dân làng dùng thuyền đuổi theo. Ra đến đảo xa, chàng Lửa giết chết con Chằn Tinh, nhưng chàng cũng bị thương nặng, thuyền về đất liền thì chàng tắt thở. Thi hài của chàng được chôn cạnh mộ nàng Nếp. Kỳ lạ thay, ngày hôm sau, một thân cây đã hiện ra cao vút, từng chùm quả giống hệt quả Nàng Nếp, đung đưa trong gió chiều, duy chỉ có sắc da thì đỏ như ráng chiều tựa nước da khuôn mặt của chàng Lửa...”. Câu chuyện kết thúc, chúng tôi đã bách bộ được hơn 4 cây số.

Quang Khanh mời tôi vào một quán nhỏ, bày la liệt những quả dừa mới hái, có hẳn cả buồng, nhiều quả đã gọt vỏ nhẵn thín được xếp trên bàn. Nếu muốn uống nguyên quả, chỉ cần cắm một chiếc ống hút nhựa vào là có thể uống cạn quả dừa trong chốc lát.

Mát rượi rừng dừa ảnh 2

Mộ Hàn Mặc tử nằm trên gò đất cao lưng dựa vào núi mặt hướng ra biển. (Ảnh internet)

“Người Tam Quan vừa lọt lòng mẹ đã biết uống nước dừa. Còn chú bây giờ mới được thưởng thức trái dừa của đất này. Cứ uống cho thỏa sức, không say đâu, có say thì say người con gái nơi đây vì da trắng, tóc dài, người đẹp” - câu bông đùa của bà chủ quán khiến tôi càng thiện cảm hơn. Bà chủ không quên đọc câu ca dao: Tam Quan ít mít nhiều dừa/ Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng... Rồi bà cụ giải thích vì sao người Bình Định thường trầm trồ: “Trai An Thái, gái Cửu Lợi” “đắt giá” hơn mọi vùng. Cửu Lợi chính là đất Tam Quan này. Cây dừa có sức sống mãnh liệt, thân cây mọc thẳng, rễ ăn sâu vào lòng đất, “lá dừa như lược chải vào mây xanh”. Điều kỳ lạ, khi mầm dừa được sinh nở trong trái dừa, đem vào đất trồng, cây dừa cứ thế vươn lên khỏe khoắn. Mùa đông, thân hình không ủ rũ; mùa hạ, không mệt mỏi, phờ phạc. Mỗi cây dừa xứ Tam Quan chẳng khác gì “một chiếc ô xanh” trong hàng ngàn, hàng vạn chiếc ô dựng san sát hai bên đường, để người con gái Tam Quan quanh năm, suốt tháng tận hưởng bóng râm của dừa, tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ cho da thêm trắng, tóc mượt dài, cho đôi mắt huyền toát lên vẻ đẹp kiêu sa. Mùi thơm của hương dầu dừa trên mái tóc tuổi trăng lên làm thổn thức bao trái tim trai trẻ.

Ngược dòng thời gian, thuở ấy, xứ Tam Quan và đất Bình Định chưa có điện, người dân sử dụng đèn dầu dừa để đọc sách báo, dạy chữ cho con em. Trong căn hầm bí mật, trong lòng sâu địa đạo, ánh sáng của ngọn đèn dầu dừa giúp cán bộ thảo công văn, chỉ thị, lập kế hoạch cho mỗi trận đánh. Trong bom gầm, đạn réo của cuộc chiến tranh tàn khốc, ánh sáng kỳ diệu từ ngọn đèn dầu dừa vẫn soi rõ từng con chữ cho người dân tham gia lớp bình dân học vụ, rồi ngọn đèn dầu dừa trang trí trên sân khấu. Đêm liên hoan văn nghệ từ làng trên, xóm dưới rộn ràng, tiếng hát bay cao, bay xa lẫn trong sóng nhạc xanh rừng dừa bất tận.

Chiến tranh đã khép lại 40 năm. Bản hợp tấu của rừng dừa Tam Quan hôm nay lại ngân lên âm hưởng mới. Đất Tam Quan đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế từ cây dừa. Từ chiếc bánh đa dừa bày trên thúng, trên mẹt, quạt trên than lửa của các bà mẹ xứ dừa chắt chiu, cần mẫn ngày xưa, nay, nhiều loại sản phẩm được chế biến từ dừa đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, mặt hàng cước và thảm xơ dừa đã tạo nên nguồn thu khá khi được bạn hàng Trung Quốc ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài.

Tôi mang theo kỷ niệm và hình bóng Tam Quan về xứ sở mình - 2 cây dừa giống Tam Quan trồng trước ngõ: một cây dừa Lửa, một cây dừa Nếp đã bao mùa cho quả đẹp, ngọt ngon. Hai "Cây dừa cao tỏa nhiều tàu/ Giang tay đón gió gật đầu gọi trăng” đang thì thầm với tôi một điều: khi uống ngụm nước dừa trong, phải nhớ lòng nhân nghĩa.

Tháng 5/2015

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast