MBH “dởm”: Xử phạt nghiêm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - “Đội mũ bảo hiểm (MBH) chính là bảo vệ cuộc sống của bạn và gia đình bạn” là lời nhắc nhở đối với tất cả mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi khi tham gia giao thông. Bởi tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Cùng với nhiều biện pháp quyết liệt, xử phạt người vi phạm luật giao thông như phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, hay lái xe uống nhiều bia, rượu thì việc ra đời Nghị định (NĐ) 171 về xử phạt người đội mũ không đạt chuẩn (hay nói theo ngôn ngữ thông dụng là MBH “dởm”) sẽ bị phạt 100-200 ngàn đồng trong giai đoạn hiện nay và cả về lâu dài là rất cần thiết.

Bà Lotte Brondum, đại diện Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và đại diện Ban ATGT tỉnh trao mũ bảo hiểm cho các em HS trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh)
Bà Lotte Brondum, đại diện Quỹ phòng chống thương vong Châu Á và đại diện Ban ATGT tỉnh trao mũ bảo hiểm cho các em HS trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh)

Nghị định 171 được ban hành thực sự hợp lòng dân. Một số ý kiến cho rằng, lẽ ra, NĐ phải ra đời sớm hơn và rằng, mức phạt này vẫn còn “nương nhẹ”. Những quan điểm này đều đúng, bởi bình quân mỗi ngày, tai nạn giao thông đã cướp đi khoảng 60 sinh mạng và trong số đó có không ít nạn nhân đội phải MBH “dởm”.

Khi người đi đường đội MBH “dởm” thì cảnh sát giao thông “bắt quả tang” và cứ chiếu theo NĐ mà thi hành. Hiện trên thị trường đang bày bán tràn lan các loại mũ không đạt chuẩn, mũ “dởm”, mũ “nhái” nhưng vẫn có đầy đủ tem nhãn. Loại mũ này rất dễ nhận diện vì chỉ có một lớp nhựa mỏng dính, có trang trí màu sắc hoặc không. Giá các loại mũ này rất rẻ, chỉ ở mức 20-50 ngàn đồng/chiếc, thành thử, rất nhiều người mua. Đặc biệt là giới trẻ, mua để “ngụy trang” khi ra đường là chính, ít ai nghĩ đến tác hại của nó nếu như gặp tai nạn.

Để MBH không đạt chuẩn, mũ “nhái” xuất hiện tràn lan trên thị trường, lỗi trước hết thuộc về các cơ quan chức năng. Một lực lượng hùng hậu được giao nhiệm vụ kiểm soát tình trạng này như cơ quan kiểm định, giám sát chất lượng tiêu dùng, quản lý thị trường, ban ATGT…, nhưng tiếc thay, vẫn để các cơ sở sản xuất và thương mại, dịch vụ “bắt tay” với mũ “dởm”, gieo rắc sự bất an cho người dân khi tham gia giao thông. Chính sự thờ ơ của các cơ quan chức năng đã khiến tình trạng “loạn” MBH trở nên khó kiểm soát. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi xử phạt người dân đội MBH kém chất lượng, cơ quan chức năng phải làm tốt trách nhiệm của mình, vào cuộc quyết liệt, kiểm soát hiệu quả các cơ sở SXKD loại hàng đặc thù này trên thị trường. Đừng vì yếu kém của mình mà đẩy khó khăn cho người dân, bắt họ phải tự phân biệt đâu là mũ thật, mũ “dởm” nếu không sẽ bị phạt.

Nghị định 171 tuy còn rất mới, có địa phương đã thực thi, có địa phương chưa nhưng chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống. Chính vì thế, cần phải thay đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ được giao trọng trách đảm bảo ATGT, quản lý thị trường, kiểm định sản phẩm chất lượng. Ngoài kiên trì tuyên truyền và giải thích giúp người dân hiểu được tác hại khôn lường của việc đội MBH kém chất lượng khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn và mức phạt cụ thể hơn với những đối tượng vì động cơ trục lợi để SXKD, buôn bán loại mũ này, thậm chí, không chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính mà đưa ra xử phạt theo Luật Tố tụng hình sự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast