Mẹ với quê...

(Baohatinh.vn) - Từ quê, con đi ra với thị thành, phường phố. Từ mái nhà gianh, cây đa, bến nước, con đến với những tòa cao ốc, những đại dương rộng lớn, giọng nói trăm miền.

Từ mẹ, con ra đi chẳng mang theo gì ngoài hình hài mẹ cho, ngoài ý chí tự lập mẹ dạy. Mẹ dạy con từ thuở trong nôi, từ những câu ru mang cả hồn quê. Con mang theo cả giọng quê kẻ đồng, kẻ bể: “Mẹ dặn con kiêng pha giọng/ Máu con từ mạch giếng làng/ Ao đục thì con đừng tắm/ Sống đời lấy chữ làm sang”. Mẹ dạy con từ thuở: “Mẹ mang thai con chín tháng, mười ngày/ Mười ngày dài hơn chín tháng”. Những ngày cuối để trông ngóng con ra đời là chặng thời gian dài nhất. Mẹ đếm từng giờ, từng phút. Thời gian sinh lý của mẹ dài hơn, thấp thỏm hơn thời gian vật lý. Bởi mẹ biết con chính là một phần máu thịt của đời mẹ và mẹ chính là một phần máu thịt của đời quê…

Góc quê. Tranh sơn mài: Huy Tùng

Góc quê. Tranh sơn mài: Huy Tùng

Đời mẹ gắn với đời chợ. Có chợ hôm, chợ mai, chợ tỉnh, chợ huyện, chợ phiên, chợ đón, chợ đình, chợ quán, rồi chợ nổi trên sông cũng như kiếp người trôi nổi. Đời chợ thì dài, đời người có hạn: “Mẹ ngồi rổ rá dọc ngang/ Nửa nuôi con lớn, nửa san kẻ nghèo”. Mẹ bòn nhặt từng mớ rau, con tép mà nuôi bao đứa con lớn lên, trưởng thành, tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Mẹ chữa bệnh cho con khi cảm cúm, nhức đầu, khi trở trời, trái gió cũng bằng cây cỏ trong vườn. Này bó ngải cứu, này nhúm lá bạc hà, này củ gừng, củ sả, nhưng có một điều lạ kì là bao giờ nồi nước xông cũng có thêm nắm lá tre. Cái lá tre như ngọn bút con viết ngày nào. Cái lá tre ram ráp tươi thì xanh, xanh bền bỉ; khô thì giòn, giòn đượm ngọn lửa cho khói cơm thơm.

Tre mọc lên không từ phù sa đồng ruộng mà tốt tươi, mà ken chặt như tường lũy thành từ sỏi đá, đất cằn. Dẻo dai - ấy là phẩm chất sống của tre. Đời mẹ cũng gắn với đời tre. Này chiếc đòn gánh: “Chiếc đòn gánh xoắn theo hình thớ gió/ Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa” của người miền biển. Chiếc đòn gánh mà: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vị gió” (Hữu Thỉnh) của người mẹ đồng quê. Đời mẹ gắn với đời tre trong thúng mủng, dần sàng. Mẹ dần sàng để chắt lọc, để đãi đằng, để giữ lại những gì tinh túy. Nhưng mẹ có bỏ gì đâu từ vỏ trấu xù xì vẫn nuôi giữ ngọn lửa ấm. Từ cái nón mê đã sờn cũng đội lên vại cà, vại mắm. Đời tre gắn với đời mẹ từ chiếc chõng tre, những khớp xương tre đau nhức với khớp xương người…

Trong bao làn điệu dân ca luyến láy, bao âm vực thăng giáng thì mẹ chính là cung trầm sâu thẳm nhất. Sâu thẳm như nước giếng làng. Cung trầm của mẹ như bờ eo sông mỏi mòn bên lở để đắp bồi bờ đê. Tấm áo mẹ thích nhất trong năm lại chỉ một màu nâu sồng đi lễ chùa. Người mang vào cửa chùa, cửa phật cả cái màu nguyên chất bình dị phù sa đồng ruộng. Đời mẹ gắn với quê trong cái mờ ảo tâm linh - cõi Thiện. Ca dao đã từng ví von rất hay: “Mẹ già như chuối chín cây”. Cứ nhìn buồng chuối sum suê như đàn con, mẹ đã ấm lòng.

Mẹ mong cho mọi thứ bình an. Đất nước bình an, xóm làng bình an, con cháu bình an. Một chữ bình an mà đời mẹ đã phải trải qua bao mất mát, nước mắt nuốt vào trong qua bao giặc giã. Cả đời mẹ chưa một lần đi xa nhưng tên các địa danh thì mẹ thường nhẩm thuộc: nào Quảng Trị, Khe Sanh, nào Trường Sơn dằng dặc, nào đất thép Củ Chi… bởi ở đó, có con của mẹ. Có đứa đã mãi mãi nằm xuống, có đứa trở về nhưng cơ thể không còn vẹn nguyên. Và ước ao lớn nhất của mẹ khi nước nhà thống nhất là được ra Hà Nội thăm lăng Bác Hồ, gặp Bác như được gặp mọi miền quê đất nước. Vâng, với mẹ, sum suê và bình an là niềm hạnh phúc nhất của tuổi già, bởi trong mẹ luôn có hình ảnh của quê. Và trong hồn quê luôn có dáng hình của mẹ.

Hà Tĩnh, ngày 6/3/2016

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast