Mênh mang sông nước nhuộm màu lam

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy từ Tây sang Đông mang phù sa về cho đồng bằng châu thổ, cùng với núi Hồng, từ bao đời nay, sông Lam là biểu tượng cho mảnh đất xứ Nghệ anh hùng. Chiều thu, sương bay bảng lảng màu trắng đục, mênh mang sông nước nhuộm màu lam gợi cho ta có cảm giác như lạc vào động Thiên Thai.

Sông Lam chảy bên núi Hồng, thiên nhiên ban cho mảnh đất này một mối tình duyên sông núi bao đời nay quấn quýt. Dòng chảy giữa hai ngọn núi, bờ Bắc là núi Dũng Quyết, còn gọi là núi Con Mèo, bờ nam là núi Ngũ Mã, núi Cô Độc, núi Lão Quân nối liền dãy Hồng Lĩnh chạy ngang ra biển. Cầu Bến Thủy vắt ngang dòng Lam, nối đôi bờ Nam - Bắc với biết bao niềm vui nơi thị thành. Đứng trên cầu ngắm dòng sông xanh uốn lượn như một dải lụa màu thanh thiên vắt qua.

Núi Hồng - sông Lam - Ảnh: Quang Vinh.
Núi Hồng - sông Lam - Ảnh: Quang Vinh.

Chiều thu, trời xanh điểm những gợn mây trắng in bóng xuống dòng sông. Bóng mây trời lồng bóng núi vẽ một bức tranh thủy mặc có cảnh sắc tuyệt đẹp. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời gác rặng núi Trường Sơn xa thăm thẳm. Những tia nắng cuối ngày hắt xuống mặt nước sông Lam, phản chiếu ánh hào quang sáng rực màu hồng ngọc. Ráng hồng buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cây cối, nhà cửa, làng mạc ven sông.

Người qua cầu Bến Thủy, áo đỏ tựa ráng pha. Khi màn đêm buông xuống, đèn điện sáng lung linh. Đứng trên cầu ngắm xuống sông, ta ngỡ mình đang ở trong cung điện của vua Thủy Tề long lanh đáy nước. Chiều sông Lam đưa ta vào huyền thoại buổi tổ tiên “khai thiên phá thạch”.

Sông Lam, xưa gọi tên là sông Thanh Long, trong bản đồ Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông. Tên gọi sông Thanh Long xuất xứ từ một huyền thoại được chép trong sách “Quảng Dư Ký”. Chuyện kể, ngày xưa có người họ Trần đi đến bờ bắc thì trời tối, không có đò đưa qua sông. Bỗng thấy có cái cầu hiện ra trước mặt, ông Trần đi sang sông. Khi lên đến bờ Nam thì không thấy cầu đâu nữa, nhân đó đặt tên sông này là Long Khê, nghĩa là Khe Con Rồng. Vua Lê Thánh Tông, vị chúa Tao Đàn cưỡi thuyền rồng trên đường chinh phạt Chiêm Thành qua sông Lam để lại khá nhiều vần thơ: “Thanh Long triều ngập nước băng trời” ca ngợi non xanh nước biếc núi Hồng sông Lam.

Sông có lưu vực rộng, nhiều dòng sông, suối nhỏ ở miền tây xứ Nghệ chảy vào 2 dòng chính rồi nhập vào sông Cả. Dòng thứ nhất bắt nguồn từ núi Mang Thìn phía Nam huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chảy về xuôi theo hướng đông, qua các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên... cùng sông La nhập thành sông La rồi ra Cửa Hội.

Dòng thứ 2, bắt nguồn từ ngã ba Tam Soa. Ngã ba này được tạo thành từ 2 sông nhỏ. Sông bắt nguồn từ vùng rừng núi Hương Khê gọi là sông Ngàn Sâu chảy theo hướng Tây sang Đông. Một dòng sông nhỏ khác chảy qua các huyện Hương Sơn gọi là sông Ngàn Sâu, qua Đức Thọ tạo thành sông La chảy xuống, hợp lưu với sông Cả tại ngã ba Phủ xã Xuân Lam, thuộc địa phận huyện Nghi Xuân. Dòng chảy đi qua phía Đông xã Hưng Châu, phía Tây xã Hưng Nhân rồi rẽ sang hướng Đông chảy xuống bên núi Dũng Quyết, ngày xưa gọi là sông Rum.

Kể từ đoạn sông chảy dưới chân núi Tháp Sơn, cạnh đền chợ Củi thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, bờ phía tây là mạch đất các làng cư trú nối liền nhau, được phân cách bằng một con suối nhỏ. Dòng chảy trước đây đã bị thiên nhiên bồi lấp, chỉ còn một dòng suối nhỏ phía Tây xã Hưng Nhân ngày nay. Theo sách “Nghi Xuân địa chí”, lòng sông Cả từ chân núi Tháp Sơn đến chân núi Gia Lách, đều nằm ở phía đông các làng Do Nha, Phúc Châu (Hưng Nhân) và Mỹ Dụ (Hưng Châu) chảy xuống, đi vòng quanh phía Tây Bắc huyện Nghi Xuân.

Hai bên bờ sông có nhiều ngọn tiểu khê từ núi Hồng Lĩnh đổ ra sông cái. Từ núi Gia Lách, núi Dũng Quyết cạnh cầu Bến Thủy, sông Lam chảy theo hướng Đông Bắc, thông dòng ra cửa biển Hội Thống.

Dòng Lam chở nặng phù sa, bồi đắp cho đồng bằng ven bờ đất cửa sông thêm màu mỡ, tạo nên vựa lúa đồng bằng xứ Nghệ. Vào mùa hè, mưa nguồn Tây Trường Sơn chảy vào các khe suối ở Đông Trường Sơn nhập vào lưu vực sông Lam đổ về xuôi. Nước sông Lam đục màu đất đỏ ba -zan, người dân ven sông gọi là nước sa. Về mùa lũ, dòng Lam hung dữ, gầm gừ như những đàn giao long nổi lên mặt nước. Dòng sông chứa nhiều huyền thoại người xưa trị thủy, diệt thuồng luồng, chế ngự thiên nhiên đem lại sự bình yên cho nhân dân.

Tương truyền ở bến đò Gia Lách có một con thuồng luồng rất hung dữ. Mỗi khi thuyền bè qua sông, thuồng luồng gây sóng gió, nổi lên làm lật thuyền để bắt người ăn thịt. Với quyết tâm trừ mối hiểm họa cho dân, vào thời Lê Trung Hưng có người là Toán Nham hầu Đậu Vĩnh Trường quê ở xã Xuân Viên, lặn xuống sông Lam đánh nhau với thuồng luồng, kết quả người anh hùng diệt được con quái vật chuyên hại người.

Đậu Vĩnh Trường cũng mất vì nhiễm độc. Nghe tin ông mất, nhà vua và nhân dân thương tiếc phong tặng danh hiệu tráng sĩ diệt thuồng luồng, sai lập đền thờ tại xã Xuân Viên quê nhà. Nhờ có Đậu Vĩnh Trường trị thủy mà từ đó về sau, thuyền bè qua lại bến đò Gia Lách được bình yên vô sự.

Đêm ven sông yên tĩnh lạ thường. Nằm nghe bà kể chuyện cổ tích trong làn gió thổi xôn xao, cùng tiếng mái chèo rẽ nước trên sông soàn soạt. Nhịp gõ cành cạch, lách cách của người ngư phủ đuổi cá từ thuyền chài đánh cá trên sông Lam vọng lại thật ấm áp.

Một giọng đò đưa xứ Nghệ ngọt ngào đằm thắm cất lên, xao xuyến vùng sông nước mênh mang, vang xa trong đêm thanh bình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast