Mong manh những chuyến đò ngang

Khát vọng về một cây cầu bắc qua sông vẫn chỉ tồn tại trong những giấc mơ đối với người dân vùng “ốc đảo”. Và, mỗi mùa lũ về người dân lại phải “trao thân, gửi phận’ cho những chuyến đò ngang đầy may rủi...

1. Đã 2 năm trôi qua, nhưng mùa lũ tới lại gợi nhớ cho người dân Hà Tĩnh kí ức đau buồn về cái chết thương tâm của 3 chiến sỹ công an trên sông Ngàn Sâu và vụ lật đò trên dòng sông La đoạn chảy qua xã Đức Châu (Đức Thọ) làm 3 phụ nữ trong số 6 người đi thu hoạch lạc thuê chết đuối. Mới đây, tại bến Hương Giang (Hương Khê) xảy ra vụ chìm thuyền trong lúc người dân qua sông thu hoạch lúa. Nhưng, vận may đã mỉm cười với 9 hành khách khi “hà bá từ chối”. Theo ông Hoàng Minh Việt - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Hà Tĩnh: “Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ chìm đò làm 6 người chết”.

Có ai khẳng định được sự an toàn cho những hành khách trên những con đò như thế này? (Ảnh chụp tại bến đò xã Đức Liên - Vũ Quang)
Có ai khẳng định được sự an toàn cho những hành khách trên những con đò như thế này? (Ảnh chụp tại bến đò xã Đức Liên - Vũ Quang)

Mùa mưa lũ đến, nhiều người dân ở những vùng “ốc đảo” mất ăn mất ngủ vì chẳng may bị thần chết “điểm mặt chỉ tên”. Bến Xắt - tử huyệt miền thượng Kỳ Anh đã “nuốt chửng” hàng chục thân phận xấu số trong vòng 10 năm lại nay. Chiếc thuyền độc mộc nay đã được thay bằng chiếc “áo sắt”. Thế nhưng, 1 chiếc thuyền sắt không thể là nơi an toàn để hàng trăm con người gửi gắm tính mạng của mình. Bởi, những đợt lũ quét bất chợt từ trên thượng nguồn đổ về sẽ sẵn sàng nhấn chìm tất cả.

Mùa lũ về, nhiều con sông là “hiện thân” của thú dữ như Rào Trổ, Ngàn Sâu. Tôi đến Đức Liên (Vũ Quang) vào chạng vạng chiều của buổi tan học. Đò cập bến, khoảng chục em nhỏ mới chỉ độ lớp 2, lớp 3 nghịch ngợm đua nhau xuống. Trên con đò “quá đát” lúc này đã hơn chục người, lỉnh kỉnh xe đạp của các em học sinh, xe máy của khách qua sông và cả những tấm tôn được cuộn tròn mà theo lời mọi người “đưa sang để lợp nhà”. Thật khó có thể tưởng tượng cảnh hàng chục người dân cùng leo lên một chiếc đò gỗ. Sức nặng của hành khách và hàng hóa khiến mạn đò bị dìm xuống mấp mé mặt nước. Chủ nhân của chiếc đò, ông Nguyễn Văn Tiến đã luống tuổi, đen gầy, da sạm vì mưa nắng cũng không thể nhớ nổi mỗi ngày, đò của ông phục vụ bao nhiêu lượt khách. Hơn chục tính mạng đang ở trên đò nhưng chỉ vẻn vẹn có 3 chiếc áo phao!. Trộm nghĩ, nếu không may lật đò, chỉ với 3 chiếc áo cứu sinh, một con đò già và một người lái đò luống tuổi, thì có bao nhiêu cơ hội giữ được tính mạng cho khách qua đò?!

2. Khát vọng về một cây cầu bắc qua sông vẫn chỉ tồn tại trong những giấc mơ đối với người dân vùng “ốc đảo”. Bến Xắt (Kỳ Thượng - Kỳ Anh), Đức Liên (Vũ Quang)… cũng đã được đưa vào “tầm ngắm” khi mỗi lần có các đoàn cán bộ từ trung ương đến tỉnh ghé thăm các địa phương. Ngặt nỗi, những con sông này lại quá rộng, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong khi nền kinh tế đất nước, tỉnh nhà đang rơi vào giai đoạn khó khăn nên dự án xây cầu mới chỉ dừng lại trong ý tưởng.

Đò tự phát trên sông Ngàn Sâu (địa phận Vũ Quang)
Đò tự phát trên sông Ngàn Sâu (địa phận Vũ Quang)

Cùng với đó, cuộc sống của người dân ở các địa phương “ốc đảo” luôn “thua chị kém em” do công việc sản xuất, đi lại hàng ngày hết sức gian nan. “150ha đất sản xuất ở bên kia sông nên người dân muốn đi làm không còn con đường nào khác là phải qua đò. Đó là chưa kể hàng trăm học sinh các cấp thường xuyên qua sông đi học” - ông Nguyễn Văn Bình Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên, ngậm ngùi. Mùa lũ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 cũng là khoảng thời gian mà người dân đằng đẵng ngồi chờ nước rút. Nếu chẳng may gặp nạn, đau ốm đột ngột thì “may nhờ rủi chịu”. Nếu không đi đò qua sông, nhiều người cũng chỉ biết nằm chờ… tử thần đến “đón”. Cũng như Đức Liên, Hương Thủy (Hương Khê) có 50ha đất sản xuất và 2.500 đất rừng ở bên kia sông nên số lượt đi về hàng ngày của người dân không thể đếm xuể. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, con số đó không dưới 500-1.000 lượt/ngày. Sông rộng tới 90m nên mưa lũ, mực nước lên cao, qua sông là cả một “cực hình”.

Như vậy, về mùa lũ, người dân lại phải “trao thân, gửi phận’ cho những chuyến đò ngang đầy may rủi. Nhưng, với những chiếc đò hoạt động trôi nổi thì vấn đề đặt ra là: làm thế nào đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ? Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, Nguyễn Văn Phú cho rằng: “Ba tiêu chí mà ngành chức năng yêu cầu rất khó thực hiện. Thứ nhất là phải có giấy phép kinh doanh. Kế đến là chứng chỉ của người lái đò và cuối cùng là hàng năm phải mang đò xuống tận Đức Thọ để kiểm định; bởi 3 bến đò trong xã chỉ mang tính phục vụ. Đòi hỏi như thế chẳng ai mặn mà với nghề cho dù ngân sách hàng năm xã phải hỗ trợ 1,5 tấn lúa và 400.000 đồng”. Bởi vậy, chứng chỉ thì… cả xóm đều có nhưng các tiêu chí khác thì không thể. “Phạt bao nhiêu cũng vậy thôi, tiền đâu mà nộp. Đình chỉ hoạt động các bến đò thì dân lại mang thuyền nhà để sang sông” - ông Phú cho biết thêm. Nỗi lo không dừng lại ở đó, mà tình trạng hoạt động không giấy phép ở một số địa phương vẫn mặc nhiên tồn tại. “Xã có 2 bến đò hoạt động đã 5 năm nhưng vẫn chưa được cấp phép” - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Lực lượng cảnh sát đường thủy tuần tra trên sông.
Lực lượng cảnh sát đường thủy tuần tra trên sông.

Trong khi đó, PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh Bùi Đức Đại cho biết: “Năm 2012 tỉnh đã hỗ trợ 96 triệu đồng để đào tạo người lái. Nhưng chỉ hơn 20 người ở các địa phương tham gia. Đơn vị chủ quản còn cử người về tận từng huyện, xã để tổ chức kiểm định miễn phí nhưng chẳng ai thèm đến. Trường hợp đã thông báo ngày làm kiểm định nếu chủ đò không đến thì mới phải mang đò đến huyện Đức Thọ. Chính quyền địa phương, nhất là các xã có đò ngang thiếu mặn mà với hoạt động của các bến đò”.

Nhận thấy mối nguy hiểm rình rập người dân vào mùa mưa lũ, năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các huyện nâng cấp 14 bến và đóng mới 15 đò, mỗi chiếc trị giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số nhìn thấy, còn rất nhiều đò dân sinh tự phục vụ cho bản thân và gia đình lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trước tình hình đó, giải pháp được đưa ra là: Đối với những đò nhỏ, tự phát, giao cho cấp huyện, xã quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý ở các địa phương còn rất lỏng lẻo. Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu con đò đang còn hoạt động chui?

Còn nhớ, năm 2008, cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, Nghệ An) được khởi công xây dựng trong niềm hoan hỉ của nhiều người. Tiếc rằng, trước khi niềm vui đến với người dân là nỗi đau 19 em học sinh tử nạn. Khi giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác quản lý thì “trái bóng trách nhiệm” vẫn đang phải “lăn qua, lăn lại”!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast