Một chủ rừng bán cây, hàng trăm hộ dân " mất" công trình thủy lợi.

Hàng trăm mét kênh mương dẫn nước phục vụ tưới, tiêu cho trên 30 hét-ta lúa và hoa màu của người dân hai xóm Đồn Thượng và Hội Trung ở xã Đức Liên (Vũ Quang) đã bị "cày" lên tơi tả sau khi đối tượng mua gỗ đã "dúi" cho xóm trưởng 15 triệu đồng.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Lục, ở xóm Hội Trung, xã Đức Liên: Vào hồi tháng Giêng, ông Nguyễn Đức Thuật ở xóm Đồn Thượng có bán hàng chục ha rừng tràm ở núi Trấy Bù cho một người ở xã Đức An, huyện Đức Thọ.

Cả đoạn mương dài hàng trăm mét bị phá tan tành.

Cả đoạn mương dài hàng trăm mét bị phá tan tành.

Sau khi mua được toàn bộ diện tích rừng tràm, đối tượng đã cho khai thác và vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Để vận chuyển được số gỗ tràm này ra khỏi khu vực khai thác, con đường duy nhất để đi là con đường đất phục vụ cho nông nghiệp do người dân tự đắp, nối liền từ núi Trấy Bù thông ra với đường trục chính của xã.

Vì đây là con đường do người dân tự đắp, hơn nữa lại hẹp; và đặc biết song song với con đường này là hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ha lúa và hoa màu của người dân hai xóm, nên khi thấy các đối tượng lái xe tải vào chở gỗ người dân đã kịch liệt phản đối.

Mặc dù bị người dân ngăn cấm, nhưng các đối tượng vẫn lén lút chạy vào những lúc giữa trưa để tránh bị người dân chặn lại. Những lần bị phát hiện các đối tượng đều nói rằng, đã được sự đồng ý của xóm trưởng cũng như chính quyền xã.

Trong một lần đi thăm đồng, ông Lục phát hiện ra hàng trăm mét kênh dẫn nước cũng như con đường phục vụ nông nghiệp của xóm đã bị xe chở tràm "cày" nát, ông liền về báo lại với xóm. Khi cả xóm tập trung ra chặn xe hỏi nguyên do đường dân đã cấm sao vẫn chạy, thì các lái xe đều trả lời là người mua rừng đã nộp tiền đường cho xóm trưởng.

Dẫn chúng tôi đi xem lại " chiến trường" đã bị cày nát, ông Lục nói trong bức xúc: " Tổng chiều dài của toàn bộ kênh mương này khoảng 2000 mét, nay chỉ chỉ còn lại khoảng 1000 mét là nguyên vẹn. Những đoạn còn lại đã bị xe chở tràm phá tan tành. Chúng tôi không thể chấp nhận cách làm tùy tiện của ông xóm trưởng này được."

Qua quan sát, những đoạn mương bị phá tập trung chủ yếu chạy dọc theo rìa của bờ núi Trấy Bù. Rất nhiều đoạn đã bị hư hòng hoàn toàn, hai bên thành mương bị đổ, lòng mương bị bong hết gạch. Để đưa được số gỗ từ bãi khai thác ra đến khu vực tập kết xe để chở, đối tượng khai thác đã đập bỏ hoàn toàn rất nhiều đoạn mương.

Việc làm của ông Nguyễn Văn Hoan, xóm trưởng xóm Hội Trung đã khiến người dân vô cùng bức xúc. Vì vậy, trong một cuộc họp Chi bộ đã có rất nhiều đảng viên chất vấn ông Hoan về việc này. Trước sự chất vấn của mọi người ông Hoan đã giao lại số tiền 15 triệu đồng cho xóm quản lí, trước sự chứng giám của Chi bộ.

Ông Nguyễn Xuân Lục : " Không thể chấp nhận được việc xóm trưởng tự ý cho xe chở gỗ phá công trình của dân như thế này được"

Ông Nguyễn Xuân Lục : " Không thể chấp nhận được việc xóm trưởng tự ý cho xe chở gỗ phá công trình của dân như thế này được"

"Vì xóm trưởng tự ý thu tiền không báo với dân nên trong đợt làm giao thông nội đồng vừa rồi ông xóm trưởng gọi mãi mà không hộ nào chịu đi cả", một người dân cho biết.

Khi chúng tôi hỏi, tại sao xóm trưởng lại tự ý thu 15 triệu đồng không thông qua trước dân thì ông Hoan giải thích: " Số tiền này là tôi tạm thu lại của người mua rừng để sau này bắt họ tu sửa lại đường sá."

Trao đổi với chúng tôi về việc làm của ông Hoan cũng như cách khắc phục lại những đoạn kênh mương đã bị hư hỏng, ông Nguyễn Mậu Lâm- Chủ tịch xã Đức Liên khẳng định: " Việc để cho xe chở gỗ phá hỏng đường và mương nước thì trước mắt xóm phải bắt người khai thác rừng trùng tu sửa chữa lại. Nếu xóm trưởng tự ý thu tiền thì xóm trưởng phải chịu trách nhiệm trước sự hư hỏng đó. Việc này trước khi khai thác xã cũng đã giao cho xóm, nếu trong quá trình vận chuyển mà không đảm bảo cho công trình thì phải đình chỉ lại"

Không biết rồi đây ông xóm trưởng này sẽ sửa lại những đoạn mương đã hỏng đó bằng cách nào khi việc khai thác rừng của người mua đã xong, mà số tiền ông "thu được" cho xóm chỉ có 15 triệu đồng. Trong khi đó theo nhiều người, để sửa được những đoạn mương và đường đã bị hỏng có khi mất đến gần cả trăm triệu đồng và rất nhiều ngày công của người dân.

Trước tình trạng trên rất nhiều người dân lo ngại rằng, không biết rồi đây hàng chục ha lúa trong vụ Đông- Xuân đang trong giai đoạn bắt đầu trổ đồng sẽ lấy nguồn nước tưới bằng cách nào?

Được biết hệ thống kênh mương dẫn nước bị phá hỏng đó trước đây được xây dựng theo chương trình dự án 135.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast