Một ngày ở Đức Liên

(Baohatinh.vn) - Chiếc thuyền cũ đưa chúng tôi vượt dòng Ngàn Sâu tìm đến với 2 thôn Liên Hòa và Liên Châu (Đức Liên, Vũ Quang). Sau tựa núi, trước cách sông đã làm cho vùng đất và cuộc sống người dân nơi đây thật đặc biệt. Đặc biệt từ trong những gian lao và thiếu thốn...

Ngóng còi tàu

Dòng sông Ngàn Sâu hiền hòa đã vô tình chia cắt mảnh đất Đức Liên thành 2 phần riêng biệt. Hơn 200 hộ dân thuộc 2 thôn Liên Hòa, Liên Châu phải cách sông lụy đò. Thật chẳng sai khi người dân trong thôn thường dùng cụm từ “ốc đảo” để đặt tên cho mảnh đất mình đang sống. Thật may, khi tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua “ốc đảo” đã hình thành nên một ga Hòa Duyệt góp phần làm cho cuộc sống của bà con bớt buồn, bớt thiếu.

Người dân thôn Liên Hòa, Liên Châu ùa ra mưu sinh khi tàu chợ vào ga.
Người dân thôn Liên Hòa, Liên Châu ùa ra mưu sinh khi tàu chợ vào ga.

Hàng ngày, mỗi buổi sáng và buổi trưa, người dân 2 thôn lại ngồi dọc đường ray thuộc khu vực ga Hòa Duyệt để ngóng tiếng còi tàu, ngóng những chuyến tàu chợ từ Vinh vào, từ Huế ra. Bởi đơn giản, những chuyến tàu đó đang chở “cuộc mưu sinh” cho hàng trăm hộ dân sống trên “ốc đảo”. Ngồi cùng tôi trên chuyến đò ngang về với Liên Hòa, Liên Châu, chị Thái Thị Nguyệt (thôn Liên Hòa) bộc bạch: “Cuộc sống người dân ở đây tội lắm em ạ. Không có chợ nên muốn mua gì cũng khó. Muốn đi chợ thì phải vượt sông lên chợ Bộng cách chừng 8 cây số... May có tàu chợ nên cũng giúp bà con có được những nhu yếu phẩm phục vụ hàng ngày”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do cách trở đò giang nên hầu hết mọi nhu yếu phẩm phục vụ trong ngày của bà con đều mua từ tàu chợ. Tất tần tật từ cá, thịt, rau đến phân bón, vật dụng trong nhà...

“Chỉ cần đặt hàng cho các tiểu thương ở ga Yên Xuân, Yên Trung thì họ sẽ gửi vào đầy đủ. Nếu không có tàu chợ thì không biết cuộc sống bà con 2 thôn chúng tôi sẽ như thế nào” - chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Liên Hòa) chia sẻ.

Tàu chợ quan trọng với vùng đất này nên chẳng có gì lạ khi những người bán hàng ở ga Vinh, ga Yên Xuân như chị Tuyết, o Vinh… đã vô tình trở thành bạn hàng của bà con vùng “ốc đảo”.

Không chỉ khó khăn về đường đi, lối lại, đời sống bà con chỉ dựa vào trồng lúa và lạc nên thiếu thốn đủ bề. Những ngày bình thường, người lên rừng chặt củi, trện (cây chổi), người xuống sông lặn hến về đổi lấy các nhu yếu phẩm. Ngồi ngóng tàu trước rổ hến mà chồng vừa lặn dưới sông lên, chị Xuân bùi ngùi: “Bán 1 gánh củi được 30.000 đồng, 1 kg hến 8.000 đồng để mua thực phẩm phục vụ cuộc sống”. Nếu những ai không làm nghề phụ thì ra tàu chợ mua chịu hàng rồi đến vụ thu hoạch lúa, lạc, lại mang ra gán cho các tiểu thương.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng thôn Liên Hòa trải lòng: “Cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn, làm lúa thì chỉ được 1 mùa, 1 mùa bỏ hoang vì không có nước. Cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào chuyến tàu chợ. Khi có cưới hỏi, giỗ, tết thì đành phải qua sông lên chợ Bộng”.

Đúng 12h45’, tiếng còi vang lên báo hiệu tàu chuẩn bị vào ga Hòa Duyệt. Tiếng còi ngân dài giữa trời nắng đổ lửa đã đánh thức những người dân sắp hàng dài dọc đường ray. Tàu dừng, không có một vị khách nào bước xuống, cũng không có vị khách nào bước lên mà chỉ có hàng chục người dân trong thôn từ người lớn đến trẻ em ùa ra, ồn ã như một buổi chợ phiên. Người bán hến, người bán củi, người mua rau, người mua thịt, cá. Trên khoang tàu, các tiểu thương nhanh nhẹn nhận, bán hàng. Tất cả diễn ra chóng vánh. Bây giờ, chúng tôi mới hiểu tại sao đối với người dân trên “ốc đảo” này, tiếng còi tàu chợ lại được chờ đợi như vậy.

Vượt sông tìm... chữ

Năm 2012, cứ tưởng niềm mong ước từ bao đời nay của người dân 2 thôn Liên Hòa, Liên Châu trở thành hiện thực khi có một đoàn khoan thăm dò địa chất để làm cầu bắc qua sông nối liền đôi bờ Ngàn Sâu xanh biếc. Tuy nhiên, năm 2013 qua đi, rồi lại đến 2014 nhưng cầu vẫn chưa thấy đâu.

Chiếc thuyền cũ nát ngày ngày phải “gánh gồng” cả trăm sinh mạng vượt sông tìm chữ
Chiếc thuyền cũ nát ngày ngày phải “gánh gồng” cả trăm sinh mạng vượt sông tìm chữ

Mạnh tay chèo đưa tôi qua sông, anh Nguyễn Như Ý, người có hơn 5 năm làm nghề chèo đò lo lắng: “Tội nhất là mấy đứa học sinh chú ạ, trường lớp nằm bên kia sông cả nên ngày ngày các cháu đều phải đi đò. Mùa này còn đỡ, mùa mưa lũ thì sợ lắm. Không biết con đò cũ này có trụ nổi không?!”.

Được biết, để đến trường, hơn 180 học sinh của 2 thôn và 2 giáo viên mầm non đều phải qua đò, em nào gần thì lên trường tiểu học cách chừng 3 km, xa thì khoảng 8 km. “Mùa ni, các em còn đi được vì nước cạn, nhưng nếu mùa lụt thì hầu như phải nghỉ học, có khi nghỉ cả tháng” - Trưởng thôn Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Nhìn chiếc thuyền cũ nát ngày ngày phải “gánh gồng” cả trăm sinh mạng vượt sông tìm chữ, chúng tôi không khỏi rùng mình. Vào mùa mưa lũ, khi dòng Ngàn Sâu trở nên hung dữ, sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ thì số phận những con thuyền này và những người trên đó thật mong manh.

Rời “ốc đảo” Liên Hòa và Liên Châu cũng là lúc bóng tối phủ vây. Chút gió nhẹ trên vùng thượng Ngàn Sâu cách trở càng khiến tôi nghĩ đến niềm mong mỏi từ bao đời nay của bà con về cây cầu nối liền đôi bờ Đức Liên. Một cây cầu sẽ xóa đi hình ảnh chiếc thuyền cũ nát oặn mình chở học sinh qua sông mỗi ngày, xua đi niềm lo âu của các bậc làm cha, làm mẹ. Một cây cầu và những chuyến hàng qua lại sẽ giúp bà con Đức Liên ngày ngày không phải ngồi ngóng tàu vào giữa trưa nắng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast