Mùa sen nhớ Bác!

Trong cái nắng tháng Năm nồng ấm, từ khắp mọi miền đất nước, tấp nập những đoàn xe chở du khách náo nức hướng về Làng Sen với bao tâm nguyện thành kính, chở mang nỗi nhớ khôn nguôi. Hòa vào dòng cảm xúc đó, chúng tôi đã có mặt tại Khu di tích Kim Liên để kịp ghi lại những khoảnh khắc sâu nặng nghĩa tình.

Nam Đàn trong nắng mới

Tháng Năm về! Trời Nam Đàn trở nên trong xanh vời vợi. Ngào ngạt hương sắc sen hồng tỏa ra từ phía ao làng cụ Phó bảng hòa quyện vào thanh âm cuộc sống sôi động của người dân. Cảm xúc ào ạt trong tôi khiến mỗi bước chân càng nôn nao.

Về làng Sen
Về làng Sen

Những đóa sen hồng vươn cao tắm nắng ban mai thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa ngày mùa, đan xen giữa những ngôi nhà ngói mới, tạo nên một vẻ đẹp đồng quê nồng nàn, căng tràn sức sống. Hình ảnh đàn học sinh khăn quàng đỏ tung tăng nô đùa dưới những hàng cây cổ thụ trong khuôn viên trường học làm cho cảnh quê Bác đẹp hơn lên trong sắc nắng mới. Phóng tầm mắt về phía trước, làng Hoàng Trù - quê ngoại của Bác hiện ra như một bức tranh đa sắc gợi lên những cung bậc cảm xúc bồi hồi khó tả. Lũy tre ngà nghiêng ngọn vào nhau rì rào trong gió, những cành dâm bụt non tơ đung đưa nhè nhẹ. Thoang thoảng đâu đây hoa cau, hương bưởi thơm nồng. Cũng như bao miệt làng truyền thống trên quê hương Việt Nam nhưng làng Hoàng Trù thật bình dị, yên tĩnh và thiêng liêng đến lạ lùng!

Cụm di tích Hoàng Trù gồm ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan nằm gọn trong một khuôn viên được bao quanh bởi những rặng tre ngà xanh biếc. Ngôi nhà nhỏ 3 gian của ông bà ngoại là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới lúc lên 5 tuổi.

Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Hoàng Trù
Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Hoàng Trù

Trong dòng người hành hương về thăm làng Hoàng Trù, có rất nhiều đoàn CCB, những đoàn cán bộ, nhân dân từ chiến khu Việt Bắc, những đoàn con ra từ miền Nam - thành đồng của Tổ quốc, những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ và cả những tốp nam, nữ thanh, thiếu niên, nhi đồng đến từ khắp mọi miền đất nước đều chung một tâm trạng bồi hồi.

Góc quê sâu lắng lòng người

Hoàng Trù là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng chào đời với rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ngày xưa, thân sinh Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc mồ côi từ lúc mới lên 4 tuổi, mến đức, cảm tài, cụ Đường (ông ngoại của Bác) đã nhận làm học trò, hết lòng dạy dỗ và gả con gái Hoàng Thị Loan cho chàng trai nghèo. Từ làng Hoàng Trù, một cậu bé côi cút đã bấm chí trở thành Phó bảng. Cũng từ làng Hoàng Trù, một sinh linh được ra đời trong cảnh đất nước chìm trong lầm than nô lệ đã sớm trỗi dậy lòng bác ái và trở thành vĩ nhân.

Hoàng Trù quê ngoại
Hoàng Trù quê ngoại

Cụ bà Nguyễn Thị Diên (78 tuổi, ở Lào Cai) cùng người con trai về thăm quê Bác hướng mặt về phía gốc mít hơn 130 năm tuổi lau những giọt nước mắt nhạt nhòa trên gò má hao gầy khi được nghe kể và được xem những kỷ vật trong ngôi nhà lá đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thiêng liêng, lưu giữ kỷ niệm sâu sắc thời niên thiếu của Bác. Lần đầu tiên được về thăm quê Bác, kỹ sư Lê Tuấn Anh (34 tuổi), đến từ Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vacxin và sinh phẩm y tế Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù đã được nghe, đọc nhiều tài liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng hôm nay được đứng dưới mái nhà tranh quê ngoại của Bác, được tận mắt nhìn ngắm phong cảnh Hoàng Trù, tôi mới hiểu và mong nếu ai chưa đến thăm quê Bác thì nên về đây để cảm nhận và học tập tấm gương của Người”. CCB Phạm Ngọc Hùng (75 tuổi đến từ Vũ Thư, Thái Bình) cũng chung cảm xúc: “Tôi may mắn được tham quan quê Bác 5 lần. Chuyến đi nào cũng háo hức, bởi được về thăm quê Bác là một vinh dự lớn đối với tôi và những giây phút được đứng bên ngôi nhà lá đơn sơ của Bác tôi càng thêm xúc động”.

Rời Hoàng Trù, trên đường đến Làng Sen, chúng tôi đã có dịp được gặp cụ Hoàng Hồ Phiên, một nhà giáo về hưu là cháu họ của bà Hoàng Thị Loan.

Cụ Hoàng Hồ Phiên đọc thơ Bác
Cụ Hoàng Hồ Phiên đọc thơ Bác

Nhà cụ Phiên ở ngay ngã ba đường vào quê ngoại của Bác. Năm nay đã bước sang tuổi 82 nhưng cụ Phiên vẫn rất minh mẫn. Khi nói về Bác Hồ, cụ đã đọc cho chúng tôi nghe 2 câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Đó là 2 câu thơ Bác Hồ đã đọc tại buổi nói chuyện nhân chuyến về thăm quê vào mùa hè 1957. Đọc xong thơ Bác, bỗng nhiên cụ Phiên hướng đôi mắt sâu ngấn lệ về phía ngôi nhà Bác, giọng trầm lắng đến nghẹn ngào: “Lần về thăm quê năm 1957, chắc vì công việc nước nhà nên Bác rất gầy và đó là lần gặp cuối cùng của người dân Nam Đàn với Bác!”.

Thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước

Làng Sen quê nội cách quê ngoại Hoàng Trù của Bác chỉ hơn 1 cây số. Không khí yên bình, tỏa hương sen thơm ngào ngạt. Ao sen bên cạnh đường vào nhà Bác độ này đơm bông chi chít như góp phần làm dịu đi cái nắng nóng đầu hè. Sen ở đây mang một vẻ đẹp tinh khiết, hương thơm ngào ngạt, quyến rũ một cách kỳ lạ.

Khách nước ngoài đến thăm quê Bác
Khách nước ngoài đến thăm quê Bác

Nắng trưa quá đỉnh đầu, từng đoàn du khách thập phương bồi hồi theo bước chân nhau vào thăm vườn Bác. Nữ hướng dẫn viên Khu di tích Kim Liên nghiêng vành nón lá chào đoàn du khách với một khuôn sắc dịu dàng và giọng nói ấm áp, truyền cảm: Khu vườn Bác được hình thành sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đậu Phó bảng trở về từ Huế, Làng Sen vui mừng tặng bố con cụ Sắc một ngôi nhà lá 5 gian, cả gia đình Bác đã về đây sinh sống. Ngày ấy, trong ngôi nhà lá đơn sơ này, cụ Sắc đã dành 1 gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan, nay là nơi thờ chung cho cả gia đình. Trên bàn thờ có một bức hoành phi được ghi 4 chữ “Ân - tứ - linh -gia” (nghĩa là ơn nhà vua ban danh tốt). Ngôi nhà năm xưa đang được giữ gìn nguyên trạng trong khu vườn Bác.

Bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính là nơi nghỉ của cụ Sắc, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối, cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh, cũng là nơi hồi nhỏ Bác Hồ thường đứng bên cạnh giúp cha tiếp thuốc, nước cho khách. Lắng nghe những câu chuyện đàm đạo, Người đã hiểu được nỗi trăn trở của các cụ trước vận mệnh đất nước. Đây chính là nơi đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác Hồ. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái, vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc.

Quê nội và quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người. Đặc biệt, ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động vô cùng. Du khách về thăm quê Bác, có người đến lần đầu, có người đến nhiều lần, có người già, các em thiếu nhi và bạn bè quốc tế, tất cả đều bùi ngùi không muốn rời chân.

Khu vườn nhà Bác yên tĩnh, được bao bọc trong màu xanh êm đềm của cây lá. Phía trước khu vườn nhà Bác là Khu tưởng niệm và nhà trưng bày hiện vật về Bác được xây cất khang trang, đầy hoa tươi, xanh mát và thoáng đãng. Chị Dương Thị Tuyết quê ở Bến Tre tâm sự: “Lần đầu về đây, tôi rất xúc động. Bác đã trải qua tuổi ấu thơ thật vất vả! Mái nhà tranh in dấu ấn thời gian, đơn sơ, mộc mạc và rất đỗi thân thương, gần gũi”.

Trong khu nhà tưởng niệm, đoàn sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền với hơn 40 sinh viên Lào đang dâng lên bàn thờ Bác bó hoa tươi thắm, thắp nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình cầu mong cho anh linh Bác được siêu thoát, tỏa sáng nơi cõi niết bàn. Sinh viên trẻ Keo U Don xúc động: “Đến thăm quê Bác lần này là dịp để sinh viên Lào chúng tôi tìm hiểu, học tập lối sống giản dị, giàu lòng nhân ái của Bác, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của Làng Sen”.

Sinh viên trẻ Keo U Don trò chuyện với tác giả
Sinh viên trẻ Keo U Don trò chuyện với tác giả

Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Thao, hướng dẫn viên du lịch Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên chia sẻ: “Là một thuyết minh viên lâu năm, tôi có rất nhiều kỷ niệm với du khách. Trong đó có một đoàn đại biểu từ miền Nam ra thăm quê Bác, khi nghe những câu chuyện kể về Bác đã không cầm được nước mắt, khóc nức nở!... Trước những tình cảm của người dân đối với Bác, tôi càng tự trau dồi kiến thức, tích hợp nhiều tư liệu quý về Bác và cố gắng truyền tải một cách sinh động để các du khách có thể hiểu về Bác sâu sắc hơn”.

Du khách mua quà lưu niệm
Du khách mua quà lưu niệm

Tất thảy mọi du khách về thăm quê Bác hôm nay đều chung một niềm tự hào về Nam Đàn - nơi đã sản sinh ra cho Tổ quốc một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Tháng Năm, Kim Liên thơm ngát sen hồng, lòng ta thêm nhớ Bác khôn nguôi. Mọi người như thanh thản hơn khi được về nơi mảnh đất Làng Sen thiêng liêng, thắp nén hương thơm và hứa với Người, rằng sẽ vượt lên những ích kỷ tầm thường, luôn trau dồi trí sáng, tâm trong, góp sức chung lòng cùng cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast