Mùa xuân nhớ Bác, cháu lại trồng cây…

(Baohatinh.vn) - Cây đa cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng trên đồi Đồng Váng, xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây) vào mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969) đã gần nửa thế kỷ. Dù Bác đã đi xa nhưng cây đa ngày ấy vẫn phủ tán sum suê, vươn cao rợp mát. Cũng như bao mùa xuân khác, Giáp Ngọ này, người người nhà nhà lại khai xuân trồng cây nhớ Bác…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội ra quân Tết trồng cây năm 2014 ở Hương Khê.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội ra quân Tết trồng cây năm 2014 ở Hương Khê.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời phát động lời kêu gọi “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” vào mùa xuân năm 1960. Kể từ đó đến nay, có lẽ không người Việt Nam nào là không đã từng tham gia vào ngày hội ấy. Kể như tôi, dù đây không phải là cái Tết đầu tiên đi trồng cây, lòng tôi vẫn xốn xang lạ thường.

Từ sáng sớm, thôn Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã như ngày hội. Cờ đỏ, băng rôn căng từ ngoài đường lớn dẫn vào tận sân vận động xã, điểm được chọn trồng cây tập trung năm nay. Lúc này, bên trong đã được phân lô, phân hàng ngay ngắn. Cây nào vào hàng nấy, cây nào lô đó. Đến nơi tập kết từ sáng sớm, ông Võ Tá Cư, thôn Tân Học cho biết: “Tôi tham gia Tết trồng cây từ ngày bé, bây giờ năm nào tôi cũng tham gia với tinh thần hào hứng và trách nhiệm. Lễ phát động tết trồng cây năm nay được tổ chức quy mô, lại được sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo cấp trên nên bà con rất phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình”.

Bà con thôn Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) trồng cây theo lời Bác dạy
Bà con thôn Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) trồng cây theo lời Bác dạy

Vui nhất là khu vực các em học sinh, có thể các em chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc trồng cây nhưng sự náo nhiệt, ngây thơ trên những gương mặt học trò ấy dường như càng tô điểm cho ngày hội trồng cây ở đây thêm xuân. Em Trần Hải Biên (Lớp 7A- trường THCS Quang Trung): “Trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết em được tham gia trồng cây mùa xuân cùng bạn bè và thầy cô. Tuy mới tham gia tết trồng cây lần đầu nhưng em rất vui vì được góp phần bảo vệ môi trường sống của mình và hơn hết là gợi nhớ đến Bác Hồ kính yêu”.

Cứ thế, công việc càng về sau càng trở nên nhịp nhàng, nhóm tải cây về hố, nhóm vun và tưới, người khéo tay hơn lại chẻ tre làm hàng rào để bảo vệ cây. Tiếng gọi nhau í ới, chuyện trò làm náo nức cả một vùng.

Còn ở Thạch Hà, Tết trồng cây đã bắt đầu từ hôm mùng 4 Tết. Năm nay, huyện chọn xã Thạch Văn làm nơi tổ chức điểm bởi nhiều lý do: đây đang là vùng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao của tỉnh, việc trồng cây sẽ chính là làm hàng rào bảo vệ cho dự án nông nghiệp trọng điểm này. Sâu xa hơn, chính là tạo ra lá phổi xanh cho vùng cát trắng bạc màu, chống biến đổi khí hậu, cát bay, cát nhảy.

Ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Năm nay, dự kiến Thạch Hà sẽ trồng khoảng 3 vạn cây xanh, trồng cây gây rừng và ở tất cả khuôn viên của cơ quan công sở, dọc các trục đường làm đẹp cảnh quan đô thị và nông thôn, vừa là bảo vệ môi trường”.

Cán bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên trồng cây đầu xuân
Cán bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên trồng cây đầu xuân

Trong 2 ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng, Tết trồng cây trở thành ngày hội lớn trên tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Từ Nghi Xuân vào Cẩm Xuyên, từ miền núi Hương Khê, Vũ Quang hay miền xuôi Lộc Hà, dù không diễn ra một lúc nhưng màu sắc chung mà chúng tôi ghi nhận được chính là sôi nổi và thiết thực. Đặc biệt là công tác phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ở các địa phương gần biển và cửa sông; trồng cây xanh tại các khu tái định cư.

Ngày nay, mọi người lấy việc khai xuân trồng cây làm hệ trọng, rất thiêng liêng, không kém gì ngày xuất hành, hướng xuất hành. Trồng cây nào sống cây ấy. Đó là điềm lành, là điều may mắn cho cả năm mới, cũng là nét đẹp văn hóa Bác Hồ đã truyền cho cả dân tộc về ý nghĩa của việc trồng cây mùa xuân: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Trồng cây cũng như trồng người, cả hai đều vì tương lai của nhân loại. Trong những ngày Tết trồng cây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã xuống tận các địa phương tham gia trồng cây cùng các cơ quan, đoàn thể và nhân dân. Những bảng tên được gắn vào thân cây, không chỉ là lưu giữ lại kỷ niệm người đã đến mà quan trọng hơn sự nhắc nhớ này sẽ tồn tại đến hàng lớp, hàng lớp con cháu mai sau giữ gìn truyền thống tốt đẹp ấy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast