"Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?..."

Đó là một câu thơ hừng hực khí thế chiến thắng của nhà thơ Duy Thảo trong bài “Mừng chiến thắng trời quê” viết trong đêm 26/3/1965 - đêm mà cả Hà Tĩnh tưng bừng náo nức ăn mừng chiến thắng anh dũng bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ trên bầu trời quê hương, góp phần quan trọng trong công cuộc đánh Mỹ của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng 30-4-1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước.

Hướng tới kỷ niệm 36 năm Giải phòng Miền Nam, thống nhất đất nước:

Một thời để nhớ

Vào một ngày tháng Tư lịch sử, ông Nguyễn Xuân Hương, Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) dẫn chúng tôi tìm gặp hai nữ dân quân Lê Thị Yên và Nguyễn Thị Thiện, hai trong 10 cô gái Núi Nài năm xưa để ôn lại chiến công oanh liệt của Tiểu đội các cô.

Cô Yên nguyên là Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ Núi Nài, đơn vị thường xuyên bám trụ vừa tiếp đạn, tải thương nhưng cũng là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bình dị, nhớ lại một thời khốc liệt của chiến tranh, nhớ lại trận đầu đánh Mỹ, Cô Yên hồi tưởng: Thời bấy giờ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào...", Trung đội dân quân tự vệ 10 cô gái Núi Nài được thành lập. Sau khi huấn luyện xong, mỗi người được cấp trên giao 1 khẩu súng trường và 50 viên đạn với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trung đội của cô được giao nhiệm vụ bảo vệ Núi Nài - nơi có hệ thống rada bảo vệ thị xã Hà Tĩnh và quốc lộ 1A, có cầu Phủ bắc qua - là mục tiêu cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ thị xã cũng như bảo đảm huyết mạch giao thông của hậu phương ra tiền tuyến.

Trận địa dưới chân Núi Nài. Ảnh tư liệu
Trận địa dưới chân Núi Nài. Ảnh tư liệu

Chúng tôi cùng cô dân quân năm xưa lên thăm lại Núi Nài lịch sử. Vừa đi, cô Yên vừa kể: Sau thất bại nặng nề trong 2 chiến dịch “Mũi lao lửa” và “sấm rền” ở trận tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) và vĩ tuyến 19 trở ra, giới cầm quyền Mỹ cho rằng: Trở ngại chính làm thất bại các phi vụ đánh phá miền Bắc là do hệ thống ra - đa của Bắc Việt Nam làm tổn hại không lực Huê Kỳ, nên Tổng thống Mỹ Giôn - Xơn quyết định mở chiến dịch, trở lại oanh tạc miền Bắc hòng phá hoại hệ thống ra - đa, thần kinh điện tử đầu não Bắc Việt.

Trong các ngày 23 và 24/3/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục loạt máy bay chiến đấu tấn công vào trạm ra - đa Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) và ra - đa Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau khi 2 trạm ra - đa Vĩnh Chấp và Đồng Hới bị tấn công, Bộ tổng tư lệnh phòng không lệnh cho Trung đoàn 290 ra - đa chỉ huy sở tại Nghệ An vào phối hợp cùng Ban chỉ huy tỉnh đội Hà Tĩnh xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống ra đa trên Núi Nài đến nơi an toàn, nhường nguyên vị trí cũ để dựng lên một ra - đa giả, nhằm nhử máy bay Mỹ cho chúng lao xuống oanh tạc để tiêu diệt…

Ra - đa giả làm mồi đánh Mỹ

Công việc làm ra - đa giả ngay lập tức được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban tác chiến, có sự tham gia tích cực của tự vệ và công nhân xí nghiệp gỗ, xí nghiệp mộc Thành Sen cùng dân quân xã Đại Nài. Triển khai từ đêm 24/3 đến 12 giờ trưa ngày 25/3, trạm ra - đa giả được hoàn tất trên đỉnh núi Nài. Thế trận đánh địch trên vùng trời thị xã Hà Tĩnh đã cài sẵn. Cả thị xã như nín thở từng giờ từng khắc.

Đúng 10h30'' ngày 25/3, hai máy bay trinh sát của Mỹ bay thấp từ hướng Bắc lướt qua bầu trời thị xã nhưng chúng ta vẫn chưa nổ súng. Đến 10h53'', lại một máy bay trinh sát của địch bay qua vùng trời thị xã. Tại chỉ huy sở, Ban chỉ huy thống nhất nhận định, hoạt động trinh sát liên tục của địch bay qua chứng tỏ thời gian địch đánh phá Hà Tĩnh bằng máy bay đã cận kề. Lệnh báo động chiến đấu cấp 1 được truyền gấp xuống các trận địa pháo. Cả thị xã Hà Tĩnh đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chỉ chờ địch đến là nã đạn.

Cô Yên nhớ lại trận địa pháo giặc Mỹ bắn phá năm xưa
Cô Yên nhớ lại trận địa pháo giặc Mỹ bắn phá năm xưa

Sau một ngày đêm trôi qua, đúng 1h sáng 26/3, sở chỉ huy điện cho chỉ huy các đơn vị trực: “Theo thông báo của cấp trên, ngay ngày hôm nay, máy bay Mỹ sẽ tập trung đánh phá Trạm ra - đa núi Nài và thị xã Hà Tĩnh”. Nhận được thông báo, ngay lập tức BCH các đơn vị phân công nhau đến các khẩu đội, các tổ trực chiến truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên và kiểm tra lần cuối việc chuẩn bị chiến đấu.

Trên các trận địa trực chiến, vào thời khắc này hàng vạn người dân trong vùng được sơ tán đến nơi an toàn. Đúng 13h5'', từ trạm ra - đa và các đài quan sát dọc bờ biển cùng lúc báo về Sở chỉ huy: Trên biển đã xuất hiện nhiều tốp máy bay vào hướng đất liền Hà Tĩnh”. 12h15'', từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ các loại, chia thành nhiều tốp bay vòng lên phía Tây rồi vòng lại thi nhau lao xuống bắn phá xối xả núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài trên 20 phút. Chúng điên cuồng trút xuống núi Nài và các vùng lân cận hàng trăm loạt bom. Bầu trời, mặt đất thị xã Hà Tĩnh tối sầm, rung chuyển, náo động lên bởi tiếng nổ chát chúa của bom đạn, tiếng gầm rít của máy bay phản lực Mỹ, tiếng pháo, tiếng súng rền vang của quân dân Hà Tĩnh …

Quân ta đã nhắm thẳng vào đầu chiếc “thần sấm” đi đầu đồng loạt nổ súng. Trong trận đánh mở màn, một máy bay địch trúng đạn, cả tốp vội lao nhanh ra phía biển Đông. Sau vài lần không kích, địch phát hiện được hỏa lực lợi hại của Đại đội pháo 27 nên chúng huy động tối đa các loại máy bay như: AD6, F105, F4H, Mic18, Mic 21… để đánh phá pháo đài ta. Càng về chiều, chúng càng nối tiếp nhau lao xuống ném bom, bắn rốc két. Pháo của khẩu đội 3 bị bom hất lên thành công sự, một số chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Đại đội trưởng Trần Đức Mai, chính trị viên Dương Chí Uyển, Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Toái, pháo thủ Lê Công Danh, trắc thủ Chu Hồng Trường…. và nhiều chiến sỹ khác bị thương nặng, máu chảy đầm đìa nhưng tất cả đều nhắm thẳng quân thù bắn, không một ai chịu rời trận địa.

Trên trận địa, các đơn vị pháo cao xạ của đại đội 82, 83, súng máy cao xạ 12 ly 7, đại liên, trung liên và súng trường bộ binh của các lực lượng công an vũ trang, dân quân tự vệ, tất cả đều tung lưới lửa. Chúng bay đến bất kỳ từ hướng nào cũng bị lưới lửa tầm thấp, tầm cao chặn đánh quyết liệt; nhiều máy bay địch trúng đạn bốc cháy, chiếc lao ra biển, chiếc rơi tại chỗ... Đến 15h55'' cùng ngày, trận đánh kết thúc. Sau hơn 40 phút giao tranh, quân dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ.

Bị thất bại thảm hại tại trận địa Núi Nài, chúng lại tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (Kỳ Anh). Lực lượng chiến đấu tại chỗ của ta đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ nữa, nâng tổng số máy bay Mỹ bị quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong chiều ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc, góp phần to lớn vào công cuộc đánh Mỹ của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khói lửa chiến tranh, người Hà Tĩnh càng phát huy tinh thần kiên cường bất khuất; quân và dân Hà Tĩnh lại gắn bó cùng nhau để đánh bại lũ cướp nước. Trong những ngày ấy, cả Hà Tĩnh hào hực khí thế chiến thắng và tuyên bố với đế quốc Mỹ về sự thất bại tất yếu của chúng, như tinh thần bài thơ "Mừng chiến thắng trời quê" của nhà thơ Duy Thảo:

"...Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?

Đất quê ta mới phun lửa trận đầu

Mười hai chiếc thấy, chưa quân cướp Mỹ

Đụng vào đây còn nhiều vố thua đau…"

TP Hà Tĩnh, tháng Tư 2011

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast