Muôn nẻo mưu sinh

Khi dự án đường nối Quốc lộ 1A với mỏ sắt Thạch Khê, đường tỉnh lộ 9 và dự án tả ngạn sông Nghèn triển khai, đồng muối Hộ Độ bị thu hẹp, tình trạng lên thành phố kiếm sống của diêm dân càng thêm đông đúc…

“Ai thuê chi làm nấy”…

Vào thời điểm này, mùa làm muối đã kết thúc được mấy tháng. Bởi thế, dẫu tôi vào làng khi trời đã xế chiều, nhưng những ngôi nhà cửa vẫn đóng im lìm, vắng vẻ. Một cụ bà đã ngoài 80 tuổi, cho biết: “O vô chừng ni không có người ở nhà mô. Người ta đi làm khoán cả rồi, muốn gặp thì phải chờ đến đêm họ mới về”.

Nghề muối truyền thống không còn nuôi nổi diêm dân Hộ Độ, khiến "làn sóng" lên thành phố làm thuê ngày càng đông.
Nghề muối truyền thống không còn nuôi nổi diêm dân Hộ Độ, khiến "làn sóng" lên thành phố làm thuê ngày càng đông.

Hỏi ra mới biết, cứ vào độ diêm nhàn, cả làng rồng rắn lên thành phố, ai thuê chi làm nấy mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là nghề làm khoán. Trong căn nhà nhỏ chênh vênh này, ngoài bà cụ chỉ còn lại một người đàn ông đứng tuổi bị mù loà, tật nguyền, cả 3 đứa con trai đã đi làm ăn mãi tận miền Nam, còn người vợ cũng đi làm thuê trên thành phố.

Hôm nay chỉ có gia đình anh Ngô, chị Cúc nghỉ ở nhà vì mấy ngày nay cả hai vợ chồng đều bị cảm. Nghe anh chị kể chuyện mới biết, cái nghề này đã theo anh chị từ lâu lắm, không thể nhớ thời gian. Chỉ biết, chị Cúc học hết lớp 7 thì nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình làm muối. Lớn hơn chút nữa, chị theo những người làng đi lên thành phố làm thuê. Cũng từ đó mà anh chị nên vợ nên chồng rồi theo nghề làm khoán đến nay.

Khuôn mặt chị Cúc đã quá nhiều nếp nhăn vì nỗi vất vả so với tuổi 40 của chị. Sáng sáng, nào xẻng, nào xe cút kít và một cạp lồng cơm đạm bạc, vợ chồng lại cùng hoà vào dòng người lên thành phố. Chị nói: “Tui hay đi xe đạp cùng chị em trong làng để dễ tìm việc và tiện chở theo xe cút kít, ai thuê chi làm nấy. Chỉ khi có việc sẵn thì vợ chồng mới đi chung xe máy, nhưng ít lắm”.

Cứ thế, khi làm phụ xây dựng, khi là người bốc vác, thợ san đất... mỗi ngày may mắn lắm anh chị cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng mỗi người. Ở làng này, phần lớn đàn ông đi làm ăn xa, thường ở tận các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên và qua cả Lào. Phụ nữ chỉ tìm việc gần nhà, vừa tiện chăm sóc gia đình, con cái mà vẫn có thu nhập để sống qua ngày. Địa bàn “tập kết” đông đảo nhất vẫn là những ngã ba, ngã tư đường Nguyễn Du, Xuân Diệu, Trần Phú,… (thành phố Hà Tĩnh).

Họ làm theo nhóm, thường cứ ba đến bốn người chung một công việc. Dường như tính cộng đồng đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân Hộ Độ. Mùa diêm nhàn này, người đông, công việc ít, nhưng họ không bao giờ làm riêng lẻ một mình, kể cả khi tiền công chia sẻ cho mỗi người chỉ dăm bảy nghìn. Gặp phải hôm vắng khách thuê, lên thành phố ăn hết “cơm mo” rồi dắt nhau về, họ vẫn vui vẻ động viên nhau rằng ngày mai công việc sẽ may mắn hơn.

Theo ông Trần Đình Dung - Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã, mặc dù xã Hộ Độ là địa phương độc canh làm muối trên diện tích 90ha nhưng nghề muối lại không thể đủ nuôi sống diêm dân. Toàn xã có 3000 lao động, trong khi đó nghề làm muối chỉ đáp ứng được hơn một nửa số đó. Năm 2009, sản lượng muối đạt 6,5 nghìn tấn với doanh thu gần 8 tỷ đồng, chưa đầy phân nửa tổng thu nhập toàn xã. Một số ít chuyển sang nghề khác như nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản trên sông, thương mại- dịch vụ, còn lại người ta đổ xô lên thị thành làm thuê. Hằng năm, thu nhập từ nghề làm khoán đạt trên dưới 10 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng thu nhập của xã.

Những người làm khoán, mỗi người đều có một số phận, một hoàn cảnh song cứ sinh ra ở làng này là y như rằng đã nắm chắc cái nghề làm thuê kiếm sống! Nhiều cặp vợ chồng chọn hướng đi làm ăn xa. Vợ chồng anh Trương Hữu Quý, xóm Trung Châu đã tha phương hết tỉnh này sang tỉnh khác được 10 năm, gần đây chị vợ mới trở về. Vợ anh Quý cho biết: “Vợ chồng tui bỏ nghề muối đã 7 năm rồi. Hai vợ chồng theo những ông chủ thầu vào miền Nam làm ăn, cứ vài ba tháng mới về một lần, có việc lại đi”. Mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng đã giúp anh chị thoát nghèo và xây được ngôi nhà mới khá khang trang.

Lợi thì có lợi nhưng lắm tai ương…

Nghe ra thì to tát thế, nhưng cái nghề không tên này vẫn còn biết bao trăn trở, xót xa. Những đứa trẻ lớn lên ở làng muối này, khoảng 5- 6 tuổi đã biết làm muối, lớn hơn một chút, nhiều đứa trở thành chủ nhà “nhí”. Thường phải đến mùa làm muối hàng năm thì người làng mới trở về và đưa lại cho những đứa trẻ này chút không khí đầm ấm của gia đình. Thậm chí, những người bỏ nghề muối như gia đình anh Quý thì một năm chỉ đôi ba lần về thăm con ngắn ngày rồi lại khăn gói lên đường. Kể từ khi đứa con đầu lòng tròn 2 tuổi, vợ chồng anh đã đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nội ngoại, lớn hơn chút nữa, anh em đưa nhau về tự chăm sóc nhau.

Vợ anh Quý kể: “Mỗi lần về thăm con, nghe hàng xóm kể, nhiều bữa, anh em húp sì sụp mì tôm cho qua bữa để kịp đi học. Nghĩ thương con và xót xa cho cảnh nhà mình”. Cậu bé mới chỉ học lớp 8 đã là chủ nhân của cơ ngơi này được mấy năm! Dường như nó đã già hơn so tuổi của mình vì vai trò vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là người anh của đứa em 9 tuổi và những bộn bề cuộc sống. Không riêng gì cậu bé con anh Quý mà còn nhiều đứa trẻ khác cũng có chung hoàn cảnh đó. Câu nói đùa của chị Cúc cứ ám ảnh tôi mãi: “Trẻ con làng này lớn lên là do trời nuôi”.

Cha mẹ lo làm ăn vì miếng cơm, manh áo, chúng tự lớn lên bên nỗi vất vả của họ. Chắc hẳn việc học, việc chơi và đời sống tinh thần của các cháu sẽ không bằng những đứa trẻ cùng tuổi ở nhiều vùng quê khác. Rất nhiều em chỉ học hết THCS rồi tìm nghề kiếm sống, mà chẳng có nghề nào khác ngoài nghề làm khoán.

Kể chuyện cho tôi, thỉnh thoảng chị Cúc lại sụt sùi: “Cái nghề làm khoán sống ngày nào biết ngày đó thôi cô ạ. Làm muối không đủ sống nên phải đi chứ sung sướng gì khi phải ngồi tạm đầu đường cuối phố mà chờ việc”. Như để chứng thực cho tôi, chị còn khẳng định: “Cô không tin, bây giờ cứ đi dọc đường Nguyễn Du, tầm này người Hộ Độ ở trên đó nhiều hơn trong làng”.

Quả như chị nói, không khó để nhận ra họ, dưới mấy cái mái hiên của những căn nhà cuối phố, lấp ló bao nhiêu áo bảo hộ đã cũ màu, khăn che kín mặt để tránh cái khắc nghiệt của thời tiết cùng cái xe đạp “cà tàng” cõng theo đồ nghề chuyên dụng là xe cút kít. Thỉnh thoảng, đâu đó lại nghe mấy tiếng trả giá “một công bao nhiêu? Làm gi?- thêm một nghìn nhé…”.

Hôm nay là một ngày mưa, chắc công việc ế ẩm hơn, tôi ghé bắt chuyện với một nhóm ở ngã tư đường Nguyễn Du với đường Xuân Diệu. Đã tầm trưa mà nhóm các chị vẫn chưa làm được một công nào cả. Chị Sơn- người lớn tuổi nhất trong nhóm có thâm niên đến vài chục năm trong nghề, đúc rút: “Đây là mùa khó làm ăn nhất, mùa muối kết thúc là cả làng đổ xô lên thành phố, việc ít mà người đông. Có ngày chúng tôi phải đạp xe trên 30 km mà cũng không ai thuê cả”.

Suôn sẻ thì ngày hôm đó có tiền mang về, còn gặp phải tai ương như chị H. trong nhóm này thì thật xót xa. Trong khi dọn vệ sinh, chuẩn bị cho đợt đổ bê tông tại khách sạn Ngân Hà, chị đã bị tấm bê tông từ trên cao rơi xuống làm gãy cột sống. Số tiền đền bù ít ỏi 10 triệu làm sao đủ để chi trả các khoản điều trị. Chị xót xa kể lại: “Tôi nằm viện mấy tháng ở Hà Nội hết 40 triệu đồng mới khỏi. Gặp phải lúc thay đổi thời tiết, vết thương lại đau nhức lắm nhưng phải cố đi làm để trả nợ ngân hàng”. Những thứ có được trước mắt còn quá mỏng manh so với những nỗi vất vả, truân chuyên mà những người lao động này phải gánh chịu.

Tạo thêm ngành nghề tại địa phương - vấn đề cấp thiết

Khi tôi đặt câu hỏi: “Tại sao người dân không nghĩ đến xuất khẩu lao động sang các nước tiên tiến để có cơ hội đổi đời?”, phần lớn họ e dè tìm cách né tránh. Chị Sơn khẳng định: “Dân chúng tôi không đi xuất khẩu lao động đâu, sợ bị lừa và lâu có đồng tiền lắm. Nghề làm khoán đã có từ lâu rồi, chúng tôi thấy chắc chắn hơn”.

Nghe đâu, cũng đã có người trong xã mạnh dạn thử sức với cách làm ăn mới này nhưng vui sướng chưa được bao lâu thì một tai nạn đã cướp đi mạng sống. Từ đó, người dân Hộ Độ không còn mặn mà gì với xuất khẩu lao động. Với lại, nghề muối dù vất vả và rẻ mạt nhưng vẫn là nghề ông cha để lại, kiếm tiền “nhát đoạn” bằng nghề làm thuê cũng là cách để họ giữ lấy cái nghề truyền thống này.

Được biết cách đây vài năm, xã Hộ Độ nổi lên phong trào khâu bóng, tạo việc làm cho chị em phụ nữ, nhưng chưa được bao lâu thì dự án này bị “ xì hơi”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là tiền công quá thấp và công việc tỷ mẫn lại không phù hợp với phần đa phụ nữ đã nhiều tuổi ở địa phương. Nói đúng hơn, vấn đề việc làm cho người dân xã Hộ Độ lâu nay dù đã được quan tâm nhưng chưa triệt để, không thể giải quyết hết số lượng lao động tồn đọng.

Năm 2009, một phần đất làm muối của xã bị cắt để phục vụ các dự án: đường nối QL 1A với đường đi mỏ sắt Thạch Khê, đường tỉnh lộ 9 và sắp tới sẽ tiến hành dự án tả ngạn sông Nghèn. Nghề muối độc canh đã bèo bọt nay lại bị thu hẹp thì việc bỏ làng đi làm ăn xa của người dân ngày càng nhiều. Điều đó, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu và phát động các phong trào khác của xã. Bởi vậy, để động viên người dân quay trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu các ngành nghề phù hợp, nhằm đa dạng hoá ngành nghề. Điều đó vừa tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, vừa đảm bảo chính trị- xã hội.

Rời làng làm khoán khi thành phố đã lên đèn, tôi gặp rất nhiều người phụ nữ Hộ Độ cũng đang rướn hết sức nhấn bàn đạp trở về nhà. Không biết hôm nay các chị kiếm được nhiều việc làm không… Ánh đèn vàng mờ ảo đã che gần hết khuôn mặt của các chị, chỉ còn lại dáng người bé nhỏ, cô liêu giữa chốn thị thành và một niềm mong ước giản dị, mong sao thế hệ mai sau không còn cơ cực như mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast