Mưu sinh trên… rác

(Baohatinh.vn) - Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bao bì ngổn ngang, đen đặc ruồi nhặng..., bãi rác luôn là nỗi kinh hoàng trong tâm trí nhiều người. Vậy mà, đối với một số người, đó lại là chốn mưu sinh.

Ai đó qua xóm Long Hải (Thạch Kim, Lộc Hà) sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con người lam lũ, lượm lặt phế thải trong đống hỗn tạp. Họ là người tứ xứ, bất kể nắng mưa, vẫn cặm cụi mưu sinh. Ngày ít thì dăm người, nhiều thì hàng chục. Những người phụ nữ khuôn mặt sạm đen, lưng đẫm mồ hôi; những em nhỏ lấm lem, áo quần vấy bẩn… mỗi người một hoàn cảnh, song cùng chung sự khốn khó và con đường mưu sinh.

Mưu sinh trên… rác ảnh 1

Những phế phẩm dù ít hay nhiều cũng làm ấm lòng những người nhặt rác

Trong bộ quần áo bảo hộ cũ kỹ, với chiếc bao tải trên tay, chị L. (Thạch Bằng - Lộc Hà) tất tả trên bãi rác. Cơn mưa sau đợt nắng kéo dài khiến bãi rác càng ẩm ướt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhưng dường như sự bất lợi ấy chẳng ảnh hưởng đến chị. Chị vẫn tỉ mẩn tìm kiếm từng chiếc túi ni lông, từng vỏ lon bia, hay tấm bìa các-tông… mong sao kiếm thêm tiền đong gạo nuôi con.

Sau cái nhìn dè dặt, e ngại ban đầu, qua một lúc chuyện trò, tôi mới tiếp cận được và nghe chị trải lòng. Gia đình khó khăn, chồng đau ốm thường xuyên, gánh nặng nuôi 3 con nhỏ dồn lên vai chị. “Ba năm trước, trong 1 lần đi mua phế liệu, tôi đã đến với nghề này và gắn bó đến nay” - chị L. bộc bạch.

Mưu sinh trên… rác ảnh 2

Mỗi ngày chị L (Thạch Bằng - Lộc Hà) đạp xe hơn 6 cây số với 4 tráo luân phiên đến Thạch Kim nhặt rác

Vừa làm, chị vừa tiếp chuyện: “Đều đặn 5h sáng, tôi và một số chị em cùng làng lại đạp xe lên đây. Ngày 4 lượt, sáng, trưa, tối luân phiên, ra về lúc trời tối sẫm. Quần quật cả ngày, nhiều hôm, toàn thân bủn rủn nhưng nghĩ đến miếng cơm, manh áo lại phải tiếp tục công việc”.

Khác với chị L., để tranh thủ thời gian, chị M. (Bình Lộc - Lộc Hà) cơm đùm, cơm gói đi làm. Buổi trưa, chị tranh thủ ăn bát cơm qua loa giữa bộn bề rác. Xe chở rác đến, chị vội buông đũa, lao mình vào công việc. Chị tâm sự: “Không có đất sản xuất, chồng lên thành phố làm thuê, vợ gửi con cho ông bà, tới Thạch Kim lượm rác. Ngày nào đi làm thì có tiền mua thức ăn, sữa cho con, nếu không may đau ốm thì gia cảnh lại càng túng bấn”.

Mưu sinh trên… rác ảnh 3

Mỗi khi xe rác đến là chị em bỏ vội bát cơm trưa, lao ngay vào công việc

Chỉ với bộ đồ bảo hộ, chiếc nón, đôi ủng, găng tay là có thể “hành nghề”. Thậm chí, có người còn đi dép nhựa, không dùng khẩu trang. Với họ, để theo đuổi nghề, đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Dùng đôi tay nhặt nhạnh, thu lượm những thứ có thể bán được, nếu siêng năng, trung bình mỗi ngày, mỗi người cũng kiếm được khoảng 15 kg phế phẩm, tương đương 60-70 ngàn đồng.

Công việc này tiềm ẩn nhiều bất trắc. Đã khá dạn dày kinh nghiệm, nhưng không ít lần chị L. đứt tay, đứt chân, nhiễm trùng do giẫm phải mảnh chai hoặc bị lon bia cứa đứt... Chị nhớ lại: “Những ngày đầu chưa quen, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, đêm về khó thở, ho, phải nằm nhà cả tuần…”.

Đó là chưa kể sự săm soi, dị nghị của không ít hàng xóm. Nghề không ra nghề, nhưng tiền ăn, tiền học cho con… đều trông cả vào đó nên mọi mặc cảm, tự ti theo đó tan biến - các chị trải lòng.

Nhọc nhằn mưu sinh nhưng gương mặt các chị vẫn ánh lên niềm vui, niềm hy vọng… Ước mong của họ là con em được đến trường, để tương lai tươi sáng hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast