Nắm cơm nghĩa tình nơi rốn lũ

Tại các xã vùng ngập lụt sâu, khi đó có mì tôm sống để ăn là mãn nguyện lắm rồi, còn việc được ăn một bát cơm trắng đã là điều không tưởng. Vì thế, huyện Hương Khê đã phát động phong trào người dân vùng cao, vùng ngập lũ nhẹ góp gạo nấu cơm đem đến hỗ trợ cho dân bị ngập nặng. Phong trào này là minh chứng cho tình thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cơn hoạn nạn giữa người với người.

Nhiệm vụ làm những nắm cơm tình nghĩa được chính quyền huyện Hương Khê giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cùng sự tham gia của các chi hội phũ nữ xã Hương Long, Phú Phong, Phú Gia và thị trấn Hương Khê. Chương trình bắt đầu thực hiện từ ngày 19/10. Ngay sau khi phát động phong trào, không chỉ được đông đảo hội viên đồng tình hưởng ứng mà đến cả những người đàn ông, các ông già, trẻ nhỏ ở các vùng cao cũng tham gia hăng hái.

Phụ nữ xã Phú Gia (Hương Khê) chuẩn bị "Nắm cơm nghĩa tình" để gửi về các địa phương bị ngập lụt sâu
Phụ nữ xã Phú Gia (Hương Khê) chuẩn bị "Nắm cơm nghĩa tình" để gửi về các địa phương bị ngập lụt sâu

Ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - người đưa ra sáng kiến làm những nắm cơm tình nghĩa - khiêm tốn nói: “Tôi chỉ đặt mình vào trường hợp của đồng bào vùng lũ phải ăn mì tôm cầm hơi 4 - 5 ngày trời, có nguy cơ bị các loại bệnh về đường ruột nên tôi đề nghị thực hiện chương trình nắm cơm nhân ái để giúp đồng bào vùng lũ chống chọi với cơn đói cơn khát”.

Khi triển khai chương trình, các chi hội phụ nữ có nhiệm vụ nhận gạo từ huyện (một số người mang gạo, thịt, muối vừng đến góp) nấu cơm, nắm thành từng nắm nhỏ, gói cùng với muối vừng, muối lạc đến bữa trưa, tối dùng thuyền chuyển đến cho bà con ăn. Những nắm cơm ấy tuy chỉ được gói với ít muối vừng, muối lạc nhưng mang ý nghĩa rất lớn khi cả huyện đang gồng mình khôi phục hậu quả của cơn lũ dữ.

Chị Ngô Thị Nhã, xóm Mỹ Hạ, xã Phương Mỹ nghẹn ngào: “Những gia đình ngập lũ sâu như nhà tôi cảm thấy ấm lòng. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, có những chị em nhà cũng đang ngập nước nhưng vẫn gác lại việc nhà mình để nấu cơm, chèo thuyền qua bao sóng nước nguy hiểm mang cơm đến cho chúng tôi ăn; những nắm cơm mà các chị hội viên vùng cao đem đến cho chúng tôi là nguồn động viên rất lớn, tạo thêm động lực để chị em vùng lũ chúng tôi vượt qua khó khăn này. Chúng tôi vô cùng xúc động và cảm ơn chính quyền huyện, đặc biệt là hội phụ nữ và các chị em hội viên…”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phương Mỹ - Đặng Thị Hường cho biết: “Nhiều hộ dân khi chúng tôi đưa cơm đến họ xúc động đến nghẹn ngào. Nhiều người vì quá thèm nên đã mở ra ăn lấy ăn để rồi run run nói lời cảm ơn. Dù chỉ một nắm cơm nhỏ với ít muối vừng, muối lạc nhưng ai nấy vẫn gật gù khen ngon. Chỉ tiếc là, do khó khăn quá nên không thể có thêm thực phẩm, rau xanh để thêm phần dinh dưỡng cho họ. Nhưng dù sao, như thế cũng đủ ấm lòng rồi”.

Cũng theo chị Hường, Phương Mỹ có đến hơn 500 gia đình có hoàn cảnh khốn cùng. Nhiều gia đình toàn bộ nhà cửa, tài sản của họ đã bị lũ cuốn trôi; quần áo đến cả tuần nay không có mày thay, cuộc sống của những gia đình này vốn đã khổ nay lại càng khốn đốn hơn.

Ngược dòng nước lũ trở về UBND huyện, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tình - Chủ tịch Hội LHPN huyện đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm tối mang đi cho người dân Hà Linh. Chị nghẹn ngào khi nhớ về lần đầu tiên chị đưa cơm: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi thấy câu nói này của cha ông rất chí tình. Khi chúng tôi đưa cơm đến có những cụ già, em nhỏ ôm chặt chúng tôi nước mắt lưng tròng cầm lấy nắm cơm nuốt luôn cả miếng không kịp nhai. Hình ảnh đó khiến chúng tôi không thể cầm lòng…”.

Cũng theo chị Tình, từ 4 đơn vị nấu cơm tập thể thì đến nay đã đến hàng chục bếp được triển khai nấu tại chỗ ở các xã, các xóm không bị ngập lũ như: Hương Bình, Hoà Hải, Hương Trạch, Hương Xuân, Phúc Đồng…để chuyển cho các vùng ngập lũ nặng như: Phương Mỹ, Hà Linh, Phương Điền, Hương Giang, Hương Thuỷ, Gia Phố…

Hơn 1.600 nắm cơm/ngày vẫn đang được chị em phụ nữ vượt nước lũ mang đến cho hàng ngàn hộ dân ở các vùng thấp lũ sinh sống...Hành động tương thân tương ái, giúp đỡ nhau bằng những nắm cơm nghĩa tình ở Hương Khê đã để lại ấn tượng đẹp cho bà con vùng rốn lũ. Cách làm này rất đáng được học tập và biểu dương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast