Nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng về biến đổi khí hậu

(Baohatinh.vn) - Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng rõ nét và có thể nhận thấy rõ qua các hiện tượng thời tiết. Đây cũng là thách thức lớn trong thực hiện chiến lược phát triển của quốc gia nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Tháng 6 “đón” bão, quy luật tự nhiên bị phá vỡ

Thông thường, tháng 6 (âm lịch) là lúc người dân Hà Tĩnh gồng mình chống nắng hạn. Mới năm ngoái, thời điểm này, nhiều diện tích lúa đang độ làm đòng bị khô nứt nẻ, lúa chết cháy; nhiều hộ dân vùng núi phải khoét sâu các giếng nước để tìm… nước phục vụ sinh hoạt. Vậy nhưng, năm nay, người dân lại phải gồng mình chống bão số 2, số 4; ruộng đồng lại lo thoát úng; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập cục bộ, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

nang cao kha nang thich ung cua cong dong ve bien doi khi hau

Người dân Hộ Độ chủ động chuyển cá ngoài vùng hạ lưu cống Đò Điểm vào bên trong nhằm tránh bão số 2

Ông Nguyễn Văn Nam (xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) thốt lên: “Trước đây, cứ nghe ti vi, đài nói nhiều về hiệu ứng nhà kính nhưng không ai quan tâm. Giờ thì thấy thật rồi. Mà ngày càng thấy rõ. Trước đây, thường bão số 9, số 10 trở lên mới vào ta, có sớm nữa thì cũng số 7, số 8, nhưng nay, mới bão số 2 đã đổ bộ vào rồi. Hơn nữa, còn xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường! Như ở Cẩm Lĩnh, ngày càng tăng độ mặn trên các hồ đập nuôi trồng thủy hải sản...”.

Điểm qua “lịch sử thiên tai” Hà Tĩnh từ những năm 2010 trở lại đây sẽ thấy được sự biến đổi bất thường của thiên nhiên và những tác động nặng nề của nó. Có nhiều cơn bão rất mạnh và liên tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh cùng với hoàn lưu sau bão gây mưa to, ngập lụt, kết hợp với triều cường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bão và áp thấp nhiệt đới gây ra lũ ống, lũ quét ở nhiều vùng.

Điển hình là trận lũ lịch sử tháng 10/2010 đã cướp đi sinh mạng của 32 người, hàng trăm người bị thương. Hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước và bị cuốn trôi, giao thông đường bộ và đường sắt bị tê liệt. Lũ lớn còn đe dọa đến các đập thủy điện, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán. Tháng 9/2012, thêm một trận lũ quét lớn làm ngập 1.500 hộ dân; hơn 3.886,9 ha lúa hè thu, lúa mùa và hoa màu bị mất trắng.

Trong những năm từ 2011 đến nay, số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng giảm nhưng cường độ tác động và diễn biến rất khó lường. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá cho biết: “Ngày càng gia tăng các hiện tượng cực đoan, phá vỡ các quy luật trước đây. Đặc biệt, gần đây, đã xuất hiện bão lũ “trái mùa”, chưa hề có trong lịch sử 40 năm trở lại đây. Đã thế, trong một lúc lại còn hình thành nhiều cơn bão liên tiếp ngoài biển. Bên cạnh đó còn có hiện tượng mưa cực đoan, lượng mưa cao đột ngột (từ 800-900 ml) trong khu vực hẹp. Công tác dự báo thời tiết trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, rất khó nắm bắt”...

Thách thức lớn từ biến đổi khí hậu

Nhiều nghiên cứu gần đây đã khẳng định, nguyên nhân chính của BĐKH là do sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển do các hoạt động kinh tế của con người. Và chính những tác động bất lợi của con người đang đẩy cả nhân loại vào những hiểm họa nghiêm trọng do BĐKH gây ra. Trong đó, những vùng khó khăn, người nghèo - những người không gây ra BĐKH lại là đối tượng đầu tiên phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng nhất.

nang cao kha nang thich ung cua cong dong ve bien doi khi hau

Diễn tập cứu hộ người và tài sản vùng hạ du Thủy điện Hố Hô

Trong điều kiện BĐKH hiện nay, Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như nước biển dâng, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng lớn đến những thành quả đạt được trong phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới nếu không có các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Những năm qua, nhằm giảm thiểu những tác hại do hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, Hà Tĩnh đã tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai nhiều dự án trên địa bàn như: Cải thiện môi trường đô thị miền Trung, quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH; nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng về BĐKH; lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam... Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Tài nguyên nước Sở TN&MT, các chương trình, dự án vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Để đáp ứng yêu cầu về ứng phó với BĐKH trong giai đoạn mới, Sở TN&MT đã cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020, trong đó có các nhóm giải pháp và lộ trình cụ thể, có các danh mục dự án ưu tiên. Đó là việc làm cấp bách và có ý nghĩa nhưng không dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của cả cộng đồng.

Với mỗi người, chúng ta hãy bảo vệ môi trường, tìm sự hài hòa với thiên nhiên từ những hành động nhỏ, chẳng hạn như tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng các hóa chất tổng hợp, giảm lượng giấy sử dụng, hạn chế sử dụng túi ni lông. Tại cộng đồng, hãy tham gia trồng cây, bảo vệ rừng và biển; áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường ngay trong ngành học hoặc trong môi trường làm việc như xây dựng một trường học không rác thải, môi trường làm việc xanh, sạch; làm những dụng cụ học tập từ những vật dụng tái chế; thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng…

Từ chính ý thức, tình yêu, trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường sống cho hôm nay và cả mai sau, chúng ta sẽ kiến tạo được một thế giới phát triển bền vững trong sự dung hòa của thiên nhiên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast