Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, muốn có tính chuyên nghiệp trước hết phải có quan niệm đúng đắn về nghề, bên cạnh đó là việc phải được đào tạo nghề căn bản, truyền nghề kỹ lưỡng, trách nhiệm từ thực tiễn của mỗi cơ quan, của các thế hệ nhà báo.

Các nhà báo lão thành Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Thọ tham dự và phát biểu tại Hội thảo
Các nhà báo lão thành Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Thọ tham dự và phát biểu tại Hội thảo

Kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2011), ngày 18/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại - những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng; nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý báo chí, đại diện một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham dự và góp ý kiến.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao việc Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lựa chọn “một vấn đề nóng hổi” để tổ chức hội thảo nghiệp vụ.

Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, muốn có tính chuyên nghiệp trước hết phải có quan niệm đúng đắn về nghề, bên cạnh đó là việc phải được đào tạo nghề căn bản, truyền nghề kỹ lưỡng, trách nhiệm từ thực tiễn của mỗi cơ quan, của các thế hệ nhà báo. Quan niệm về nghề một cách chuyên nghiệp, theo đồng chí, là phải thấy rõ được ảnh hưởng của nghề báo đối với xã hội, tác động tới tư tưởng, tình cảm, hành động của con người, tới đông đảo công chúng, từ đó để có nhận thức đúng.

“Phải vươn tới phụng sự con người, tôn vinh phẩm giá con người, ở bình diện lớn hơn là phụng sự công bằng, tiến bộ của xã hội mỗi khi đặt bút viết, mỗi khi đặt bút ký duyệt một bản tin, phát sóng một chương trình. Như thế mới thấy hết trách nhiệm xã hội của mình”, đồng chí Đinh Thế Huynh nói.

Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cần trang bị kiến thức sâu rộng; chấp nhận dấn thân, hòa mình vào thực tiễn cuộc sống mới có thể tạo ra những tác phẩm lay động lòng người, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Đã có 60 đại biểu gửi tham luận, trong đó có 10 tham luận được trình bày tại hội thảo cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu.

Từ những góc tiếp cận khác nhau, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm về tính chuyên nghiệp của báo chí song đa số ý kiến đều thống nhất ở một số tiêu chí như nhà báo cần đặt mục tiêu phục vụ dân tộc và nhân dân lên hàng đầu, vì lợi ích của công chúng; có lòng say mê nghề nghiệp, chấp hành các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; có nhiều mối quan hệ với nguồn tin, đồng nghiệp, công chúng. Nhà báo phải có phông kiến thức rộng, nắm vững kỹ năng hành nghề và cần trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast