Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng ngừa đuối nước cho trẻ em

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, hàng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đặc biệt là vào kỳ nghỉ hè. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Tô Quang Quyền - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) về vấn đề này.

- Ông có thể cho biết thực trạng và nguyên nhân tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Có thể nói, cùng với tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc thực phẩm... thì tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em. Năm 2014, toàn tỉnh có 41 trẻ tử vong do đuối nước. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 9 trường hợp tử vong, trong đó: TP Hà Tĩnh 3, Thạch Hà 2, Can Lộc 4. Vụ việc đau lòng diễn ra gần đây nhất là vào ngày 11/5, tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc). Một nhóm học sinh sau khi tổ chức liên hoan lớp đã rủ nhau tắm ở hồ sinh thái Tiểu Đồng, xóm Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc. Trong lúc tắm, không may em Lê Đình Anh Tuấn (SN 1997), học sinh lớp 12A3 Trường THPT Đồng Lộc bị đuối nước.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng ngừa đuối nước cho trẻ em ảnh 1

Lớp dạy bơi miễn phí cho các em học sinh của thầy giáo Lê Văn Tùng (Trường THCS Cẩm Trung - Liên, Cẩm Xuyên)

Những con số thống kê cho thấy, nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào mùa hè, khi các em có cơ hội tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, trong đó, chủ yếu là do sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, chưa có sự giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc. Bên cạnh đó, tỉnh ta lại có hệ thống bờ biển kéo dài, nhiều sông, suối, ao hồ, các bãi tắm tự phát nên càng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; đặc biệt, ở vùng nông thôn, trẻ em thường ra khu vực sông, suối vui chơi, giúp bố mẹ chăn trâu bò, mò cua, bắt ốc…

Phần lớn các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra đều do trẻ không biết bơi. Do đó, đây là kỹ năng quan trọng nhất để trẻ phòng tránh đuối nước. Tuy vậy, hiện nay, hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Nhiều trường và các bậc phụ huynh đã tổ chức học bơi cho trẻ nhưng vì nguồn kinh phí xây dựng, duy trì hồ bơi rất lớn, lại phải bổ sung giáo viên phụ trách nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội có nơi chưa chặt chẽ, chưa tạo được nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ.

- Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp hè, thưa ông?

Việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ trong dịp hè được coi là vấn đề cấp bách và cần sự quan tâm của toàn xã hội. Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì xây dựng kế hoạch liên ngành với các sở: GD&ĐT, GTVT, VH-TT&DL, Y tế và Công an, Tỉnh đoàn... về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và lắp biển cảnh báo tại các bến đò, bến sông, kênh rạch nguy hiểm; hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

Đặc biệt là tổ chức phát động, khai giảng các lớp học bơi tại các huyện, thị, thành phố... để từng bước nâng cao kỹ năng bơi, vừa phòng ngừa tai nạn đuối nước, vừa rèn luyện sức khỏe cho các em. Bên cạnh đó, nhân rộng các CLB dạy bơi như ở Cẩm Xuyên, TX Hồng Lĩnh, Hương Khê; các mô hình an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ; thường xuyên nhắc nhở con không được tự ý ra tắm ở sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công để tránh xảy ra những sự việc đau lòng.

(Thực hiện)

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast