Ngày hè của những trẻ nghèo…

(Baohatinh.vn) - Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian để con trẻ được thỏa thích vui đùa, nghỉ ngơi. Thế nhưng, đối với nhiều em, đó dường như là giấc mơ xa xỉ vì phải bươn mình mưu sinh như một lao động thực thụ.

Ngày hè bị “đánh cắp”

Tại các trung tâm thương mại hay các khu du lịch, không khó để gặp những em nhỏ lang thang bán dạo đồ chơi, bút, bánh kẹo… hay phục vụ bàn cho các quán cà phê, quán ăn… Thậm chí, có những em nhỏ xin tiền ở các quán trà đá vỉa hè.

Ở chợ TP Hà Tĩnh, các cô bé, cậu bé trạc 12-13 tuổi đang nghiêng người vì rổ chanh nặng bên hông, “sành sõi” và “chuyên nghiệp” mời chào, nài nỉ người đi qua: “Cô ơi, mua giúp cháu quả chanh. Chanh Đức Thọ ngon lắm cô ạ, cô mua giúp cháu đi, mở hàng giúp cháu, cháu không bán đắt cho cô đâu…”. Tiếp cận một cậu bé bán chanh, em cho biết: “Nghỉ hè nên em đi bán chanh kiếm thêm tiền mua đồ dùng cho năm học mới. Năm ngoái, em cũng đi bán. Sáng đạp xe đi, tối đạp xe về, em còn có một cô em họ đi bán cùng”.

Ngày hè của những trẻ nghèo… ảnh 1

Các em nhỏ phụ gia đình việc đồng áng trong những ngày hè

Rời chợ TP Hà Tĩnh, đi dọc bến xe Hà Tĩnh, tôi bắt gặp cô bé có dáng hình nhỏ thó, xách một túi lớn bánh cốm rao bán, em nói: “Em tên H., chuẩn bị lên lớp 6, quê ở Thạch Hà. Bố mẹ làm nông. Nghỉ hè, em tranh thủ đi bán bánh kiếm tiền. Vào năm học mới, em lại về đi học và giúp bố mẹ việc nhà”. Bên cạnh H. là một cậu bé bưng rổ bút, tăm, kẹo cao su... Em cho biết: “Em nghỉ học lâu rồi. Trước đây, em đi đánh giày, có mùa, em đi bưng bê, còn hè này, em bán đồ lặt vặt”. Đó mới chỉ là số ít những hình ảnh về kỳ nghỉ hè của trẻ em nghèo, trẻ em nông thôn hiện nay.

Bà Nguyễn Kim Xuyến - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh thừa nhận: Trên địa bàn thành phố vẫn có những trường hợp trẻ em bán dạo, xin tiền. Đây hầu hết là trẻ em các huyện, thị lân cận tìm đến; vào dịp hè hay tết, số trẻ lang thang, bán dạo… càng tăng!

Hệ lụy khôn lường

Không thể phủ nhận lao động trẻ em góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và chính các em, giúp nâng cao ý thức lao động, tự lập vươn lên. Tuy nhiên, điều đó chỉ dừng lại ở mức độ phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của các em chứ không phải như một lao động thực thụ. Trẻ lang thang, lao động sớm không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà trước hết, việc các em sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Không chỉ thế, vô tình các em trở thành “con mồi ngon” của tệ nạn xã hội vì đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro. Chưa kể, trong một số môi trường làm việc không an toàn, các em có thể bị bắt nạt, bóc lột sức lao động. Hơn nữa, các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, nguy cơ bỏ học cao, chậm phát triển trí tuệ, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội... dễ dẫn đến khuyết tật, sa ngã.

Không được chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, không có tay nghề, ít kỹ năng sống, thiếu kinh nghiệm xã hội thì chắc hẳn các em không lựa chọn được những công việc tốt. Và như thế, vòng luẩn quẩn của nghèo đói, lang thang sẽ theo các em suốt đời. Từ nhận thức còn hạn chế của một số phụ huynh trong quản lý, giáo dục con cái, từ điều kiện kinh tế khó khăn và đôi khi là bản thân các em học kém, lười học… đã đẩy các em vào con đường tối tăm, rời khỏi vòng bảo vệ vốn có.

Ngày hè của những trẻ nghèo… ảnh 2

Em nhỏ bán hàng dọc các tuyến đường, quán nước chè, cà phê.

Bà Nguyễn Kim Xuyến cũng cho biết: “Với những trường hợp trẻ lang thang, lao động sớm, khi phát hiện ra, chúng tôi ủng hộ tiền, thuê xe đưa về địa phương theo lời khai của các cháu. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH thành phố cũng phối hợp với các địa phương tổ chức sinh hoạt cụm nhỏ lẻ, sinh hoạt các CLB lồng ghép tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu tác hại của việc để con em lao động sớm; tổ chức các hoạt động lành mạnh động viên, khuyến khích trẻ tham gia… Đặc biệt, phòng đã tiên phong và tham mưu Thành ủy, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn”.

Dường như, các giải pháp trên vẫn chưa đủ mạnh khi số trẻ em lang thang vẫn không giảm mà còn có dấu hiệu tăng mỗi khi hè đến, tết về. Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là công việc đòi hỏi sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội. Nên chăng, cần có chủ trương, biện pháp đúng đắn, bài bản, chặt chẽ. Để ngăn chặn tình trạng này, phải gắn liền với công tác xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tăng cường giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như việc ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, lao động sớm; theo dõi và phân loại đối tượng theo hoàn cảnh để thực hiện các mô hình can thiệp kịp thời…

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast