Nghề cào hến sông La

Hến sông La từ lâu đã trở thành nỗi nhớ của mỗi người dân Đức Thọ xa quê, là món ngon ít khi thiếu vắng trên các bàn tiệc đãi khách của người dân xứ này. Hẳn chưa nhiều người biết, để làm nên món ngon dân dã ấy, người dân làng hến phải vất vả sớm hôm lặn ngụp giữa sông sâu nước biếc, mang phận mò cua bắt ốc từ bao đời nay trôi dạt cùng bến sông quê.

Nửa đêm. Bến thuyền làng Bến Hến – xã Trường Sơn (Đức Thọ) trở giấc bước vào một ngày làm việc nặng nhọc. Cả bến thuyền đang ngái ngủ chợt tỉnh giấc bởi tiếng lóc xóc đãi hến trong các bếp lò ken dày trên bến. Ánh điện hắt ra từ một ngôi nhà in bóng gốc đa cổ thụ lên mặt nước sông La những vệt sáng loang lổ. Loang loáng ánh đèn pin dò đường. Lạo xạo những bước chân giẫm lên từng đống vỏ hến sắp lớp dọc lối đi.

Anh Thu lênh đênh trên thuyền nan cào hến

Anh Thu lênh đênh trên thuyền nan cào hến

Ôm chặt túi đồ nghề lỉnh kỉnh, tôi dò dẫm lần theo bước chân anh Lê Kim Thu xuống thuyền “đi hến”. “Cào hến là nghề được xếp vào hàng “tứ bần” nhưng là nghề trong sạch. Mở mắt ra là đã thấy cực nhưng hết đời cụ kị qua đời ông cha nay lại đến đời tui vẫn cứ trôi dạt nơi bến sông ni” – anh Thu mở đầu câu chuyện.

Con thuyền xuyên qua bóng đêm xuôi dòng về phía ngã ba sông Cả, cách làng hến non chục cây số. Cụ Lê Tài, thân sinh của anh Thu nay đã xấp xỉ tuổi bát tuần, một đời lặn ngụp nuôi lớn đàn con 8 đứa bằng nghề cào hến gia truyền, nay tuổi cao không còn đủ sức “đi hến” nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn theo thuyền con cháu cho đỡ nhớ một thời vẫy vùng sông nước.

Cụ không thể biết nghề cào hến của dân làng có từ bao giờ, mà chỉ nhớ khi mình còn là một cậu bé đã biết theo chân người lớn “đi hến”, đã quen với mùi vỏ hến tanh nồng, quen chơi trò ô ăn quan cùng lũ trẻ quanh những đống vỏ hến cao chất ngất dọc bờ đê làng và quen nhìn bóng gốc đa cổ thụ nơi bến thuyền này sau mỗi buổi chiều về.

Thuyền của chúng tôi đến điểm tập kết khi màn đêm còn ken dày mặt sông, tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền xen lẫn tiếng bình bịch của động cơ. Đã có năm, sáu chiếc thuyền loang loáng ánh đèn thi nhau quần đảo ở “bãi hến”.

“Ngã ba sông Cả là điểm góp nước của sông Cả và sông La thành sông Lam chảy về biển Đông qua cửa Hội. Hến chỉ sống từ đây ngược về mạn thượng nguồn, còn qua ngã ba này xuống đến biển chỉ có con giắt - một loài nhuyễn thể có họ hàng với hến nhưng vỏ mỏng hơn, thân lép hơn và thịt không bùi bằng hến” – anh Thu vừa giới thiệu vừa vung tay buông tỏm chiếc vợt cào hến xuống mặt sông.Anh khéo léo điều khiển chiếc ròng rọc ở phía mũi thuyền để tăng giảm tốc độ và chỉnh hướng đi của con thuyền bằng hai sợi dây dù nối vào dây ga và bánh lái.

Đang “ngọt ga” quần đảo được mấy vòng, đột nhiên chiếc thuyền chao đảo làm tôi suýt đâm nhào xuống nước. “Vợt cào bị vướng ngại vật” – anh Thu lẩm bẩm cho thuyền dừng lại rồi cố hết sức bình sinh kéo chiếc vợt ken đầy bùn đất lên sát mặt nước.

Cụ Tài soi chiếc đèn pin nhặt nhạnh những con tôm, con cá lẫn giữa đống hến cho vào một khoang thuyền bên cạnh. Anh Thu bảo, khoản tôm, cá dính vào vợt hằng ngày đủ cung cấp thực phẩm cho mấy gia đình. Đã có lần anh vớ được chú cá chép mấy cân mang đổi được nửa xách dầu chạy máy.

Tôi khá sốt ruột bởi mỗi “đúp” chỉ cào được một đùm hến nhỏ nhoi. “Đã đến giờ phải nạp thêm năng lượng rồi. Làm cái nghề này khi nào bụng cũng phải căng, chỉ cần lưng lửng bụng là thấy bủn rủn chân tay mỗi khi kéo vợt lên thuyền” – bố con anh Thu mang chiếc cà-mèn đầy cơm và mấy khoanh trứng rán ra mời tôi cùng ăn khi ánh bình minh đã hừng lên ở phía đằng Đông.

“Ngày trước người dân làng hến còn vất vả hơn nhiều - cụ Tài tiếp tục câu chuyện - Trước đây phải chèo thuyền, lấy hến phải ngụp xuống nước dù ngày nắng cũng như đêm mưa giá rét nên dân làng gọi nghề cào hến là nghề “bán xương nuôi thịt”. Đã có không ít người theo nghề sinh bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp.

Nay có thuyền máy nhưng công việc cào hến đâu đã hết gian truân. Những con đò khai thác cát làm xói lở dòng chảy tạo nên những hố sụt, xoáy, trở thành những cạm bẫy vô hình dưới đáy sông. Vô phúc cho chủ thuyền nào thả vợt vướng vào, lật thuyền như bỡn. Con thuyền máy, bộ khung sắt lưới cào là chiếc cần câu cơm của người dân làng hến nhưng số phận của chúng lại hết sức mong manh giữa nước biếc sông sâu.

Nỗi oan con hến

Ánh nắng chớm hè dát vàng mặt nước sông La. Những mẻ lưới đã bắt đầu nặng nề hơn, lòng thuyền cũng đầy dần những hến. Anh Thu giũ kỹ tấm lưới, xếp gọn vào lòng thuyền rồi quay mũi thuyền về hướng ngược dòng.

Thuyền về đến bến sông khi mặt trời sắp đứng bóng. Cả bến nôn nao đón đoàn thuyền “đi hến” trở về. Những người phụ nữ chân quê lúp xúp trong các lò hến, tất bật nhóm lửa chuẩn bị hàng cho phiên chợ chiều.Chị vợ anh Thu tất tả giúp chồng khệ nệ bê từng rổ hến đầy lên bờ. “Cả thảy được hơn 5 rổ” – tiếng chị nói với chồng.

Anh Thu cho biết, trung bình mỗi ngày có gần trăm con thuyền của làng này “đi hến”, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn hến tươi. Nghề cào hến không chỉ nuôi sống dân làng Bến Hến, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân làm nghề buôn bán nhỏ của các làng lân cận.

“Luộc hến không cần đổ nước – anh Thu giúp vợ đảo đều chảo hến rồi quay sang nói với tôi - tự nước con hến tiết ra là đủ. Để lấy ruột con hến ra cho tròn trặn, lò phải đủ nhiệt, lửa đun sôi “ba trào” ruột hến sẽ tự lóc ra, săn đều. Khi đưa xuống sông đãi sẽ đâu ra đó, ruột dễ dàng tách ra khỏi vỏ và không bị bám bùn, cát.

Một số người sợ dân làng hến làm hàng không đảm bảo vệ sinh nên mua hến sống về nấu. Do không nắm được kỹ thuật, mới sôi “một trào” thấy hến há hốc miệng ra là tắt bếp. Lúc này ruột hến còn “cạp vỏ” không tự rời ra được, các bà nội trợ phải can thiệp bằng tay làm cho hến bị giập nát, không tròn trịa như hến bán ở chợ. Từ đây nẩy ra nghi ngờ, đổ oan cho dân làng nghề sử dụng hoá chất để làm săn ruột hến.

Đã mang lấy nghiệp vào thân, cha ông dạy sinh nghề tử nghiệp, ai lại đi mần cái điều thất đức như rứa. Đúng là nỗi oan con hến biết tỏ cùng ai!”.

Làng hến - làng học

Theo tích còn lưu truyền của người dân làng hến, ngày xa xưa lắm rồi, có cậu học trò nghèo của làng học giỏi, đỗ đạt cao, khi qua đò về làng vinh quy bái tổ, đã đánh rơi sắc phong của vua ban xuống sông. Dân làng tìm mọi cách lặn mò để tránh tội khi quân. Khi tìm được tấm thẻ bài đã phát hiện một số con vật nhỏ bám vào.

Con vật chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo ấy sinh ra từ vị ngọt phù sa sông quê đem nấu canh ăn thấy ngọt, nấu cháo ăn cũng bùi, lại có thể trộn gỏi, xào giá kẹp với bánh đa.., ăn mát lòng mát dạ. Nghề cào hến của dân làng bắt đầu từ đó, lúc đầu chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân, sau phát triển thành một nghề nuôi sống bao đời người dân làng Bến Hến.

Cậu học trò ngày xưa ấy được dân làng tôn làm Thành Hoàng, lập đền thờ uy nghi ngay bến thuyền làng hến. Nhằm ngày 7 tháng Giêng hằng năm, dân làng Bến Hến tổ chức lễ hội rước thuyền và cúng tế linh đình, nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu cho một năm đánh bắt xuôi chèo mát mái.

Cụ Tài kể, trước khi lâm chung, thân sinh của cụ đã dặn đàn con cháu: “Ngày trước không có điều kiện học hành nên người dân làng hến hết đời này qua đời khác đành ngậm ngùi mang phận mò cua bắt ốc để kiếm kế sinh nhai. Thời nay đã đổi khác, chỉ để ít đứa giữ nghề, còn lại phải gắng học để thoát ly cái kiếp “tứ bần” mở mắt ra đã thấy cực tấm thân”.

Lời trăng trối của cụ đã hun đúc cho lớp hậu sinh khát vọng đổi đời. Thế cho nên, trong số 8 người con của cụ Tài hiện chỉ có anh Thu theo nghiệp bố, còn lại đều đã chuyển nghề làm ăn phát đạt. Trong số 30 đứa cháu của cụ, chỉ còn 2 đứa theo nghề cào hến, còn lại đều học hành giỏi giang, có 8 cháu đã học và đang học đại học.

Ông Thái Kim Đồng – bí thư chi bộ làng Bến Hến cho biết, làng của ông có 180 hộ, hơn 930 nhân khẩu chỉ sinh sống dọc 400m bờ đê sông La. Trước đây cả làng làm nghề cào hến nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40% theo nghề. Số hộ còn lại chuyển sang làm các nghề dịch vụ, hiện cả làng không còn hộ đói, số hộ giàu và hộ khá giả chiếm đa số.

Con em làng hến nay đã chú tâm vào việc học, hầu như gia đình nào ở làng cũng có người học hành đỗ đạt. Riêng hai năm học gần đây, làng hến có 17 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; có 43 em đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện và tỉnh; có 1 học sinh giỏi quốc gia.

***

Trở lại bến thuyền làng hến buổi chiều hôm, tôi khoan thai ngắm nhìn gốc đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi nghiêng soi bóng nước dòng La lững lờ trôi êm giữa đôi bờ tanh nồng mùi vỏ hến.

Từ bến sông này, biết bao đời người từng ra đi theo những con nước lớn nước ròng lênh đênh cùng đời hến, dù gian truân vẫn một lòng thuỷ chung với nghề truyền thống của cha ông, rồi lại lần lượt trở về nuôi lớn bao lớp dân làng bằng những bát hến đậm đà ngọt mát hương quê.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast