Nghị lực phi thường của chàng trai tật nguyền vẽ tranh bằng miệng

Vượt lên nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần sau một tai nạn, Phạm Sỹ Long đã thể hiện khát vọng sống của mình bằng những vần thơ và bức tranh được vẽ bằng miệng.

Tôi tìm đến nhà Long ở xóm 3, Xuân Phổ, Nghi Xuân vào một buổi chiều sau cơn mưa tầm tã. Nằm trên giường, Long cười nhẹ khi thấy tôi đến giới thiệu làm quen. Nhìn cơ thể bất động không còn cảm giác, dưới lớp chăn mỏng lộ ra đôi chân đã teo tóp, nhưng gương mặtvẫn toát đầy lên những nét yêu đời, giọng nói dí dỏm, hài hước, Long đã không làm người đối diện phải thấy thương hại mình mà thay vào đó là sự thán phục trước một bản lĩnh và một khát vọng sống phi thường.

Long vẫn yêu đời, quan tâm đến bản thân mình dù bệnh tật
Long vẫn yêu đời, quan tâm đến bản thân mình dù bệnh tật

Long sinh ra trong một gia đình thuần nông, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em. Đúng chỉ cách ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới có 2 hôm, một tai nạn bất ngờ đã vĩnh viễn tước đi cuộc sống bình thường của cậu học trò lớp 9 được tiếng lanh lợi. Ngày ngày chỉ còn bên em là chiếc giường và người mẹ già với đôi mắt gần như không còn nước mắt để khóc con. Long vẫn còn nhớ như in về tai nạn của mình, đó là vào ngày 3.9.2003, Long ngã từ trên cây xuống, tai nạn khiến em bị gãy và dập nát 2 đốt sống cổ, bị liệt toàn thân dưới từ đó.

Long tâm sự: “Nhiều khi em đã không muốn sống, bởi nhìn thấy không chỉ mình khổ mà còn khổ quá nhiều người thân khi phải chăm lo cho em”. Kể đến những vật lộn đấu trí với cuộc sống của mình, giọng em như chùng xuống…

Những bức tranh được vẽ bằng miệng của Long
Những bức tranh được vẽ bằng miệng của Long

Long đã tìm lại mình từ những ngày tưởng chừng như bỏ cuộc với sự sống. Ban đầu từ việc làm quen với việc ngậm bút bằng miệng mà không rớt ra cho đến việc nắn nót từng dòng chữ trên cái khung nhỏ. Còn duy nhất cái đầu còn cử động được bình thường và còn cảm giác trên cái thân thể đã bất động, Long đã làm nên được điều kì diệu là viết được tên mình một cách rành rọt, nét chữ khá đẹp sau những ngày tập luyện đến tê buốt cả hàm răng và những cơn đau trên người mình. “Có những hôm nó đau đến bỏ cả cơm cháu ạ, rứa mà nó không nản mô, tập phải mất một thời gian mới được rứa đó cháu”, mẹ Long vừa chỉ cho tôi những bức tranh Long vẽ được dán khung cẩn thận trên tường vừa nói với một giọng điệu tự hào. Không tự hào sao được khi một người bình thường muốn vẽ tranh đã khó, mà đây lại là những bức tranh được vẽ bằng miệng của một người chỉ còn ngúc ngoắc được cái đầu. Sau khi vẽ tranh, viết chữ, Long lại tìm đến thơ và viết thơ để thể hiện những nỗi niềm của mình. Cầm một xấp giấy trên tay, tôi đọc qua và thực sự thấy xúc động. Những dòng thơ của Long là những tâm sự rất bình thường trong cuộc sống. Đó là những tâm sự về người cha thương binh hạng 4 lặn lội bao năm kiếm tiền nuôi sống cả gia đình bằng việc làm thêm từ nghề thợ mộc, rồi cô bạn thân từ bé đến giờ đã là một cô giáo rồi mà bao năm nay vẫn hàng ngày đến thăm và gần gũi với em, đến những khao khát được tự mình tắm rửa, thay đồ…Cùng với làm thơ là những bài hát được long cải biên, trong đó cũng trút đầy những khao khát sống của chàng trai tật nguyền này.

Rời khỏi nhà Long sau một buổi chiều tôi và em đã cùng nói về thơ và tranh của em một cách sôi nổi và vui vẻ, tôi cảm giác như mình vừa được truyền thêm nhiệt huyết để cố gắng trong cuộc sống. Và người truyền lửa đó không ai khác là Long.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast