Nghĩ về chữ hiếu

(Baohatinh.vn) - “Khi ta lớn lên, đất nước đã có rồi” và khi ta lớn lên đã có ông bà, cha mẹ. Mối quan hệ biện chứng từ hàng ngàn đời nay đó là con người gắn liền với Tổ quốc và gia đình... Trên hành tinh xanh này, dân tộc nào cũng có một nền văn hóa riêng và hành trình đến cái đích chung là cái đẹp về nhân bản cốt cách.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Ở mỗi làng quê Việt Nam, đằng sau lũy tre làng, dưới mái nhà tranh bình dị, bên bốn tao nôi, những câu ca dao, tục ngữ đã vọng vào giấc ngủ tuổi thơ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Hay:

Con ơi muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…

Điều dễ thấy trong những dòng ca dao trên, phận làm con tốt là phải biết tôn thờ, có hiếu với cha mẹ. Câu chuyện cổ tích: “Đứa con trời đánh” hay là “Tiếc gà chôn mẹ” kể về một người con vì mê gà chọi, một sáng, anh ta đi cày, bảo vợ ở nhà trông coi con gà chọi của mình, nhưng không may gà ăn đỗ phơi, bị vợ dùng củi ném chết. Bà mẹ đành đứng ra nhận tội cho con dâu. Trong cơn cuồng nộ, mất hết tính người, anh ta ra ngoài bãi đào một cái hố, rồi dắt mẹ mình đi chôn. Vừa đi được nửa đường thì trời bỗng nổi giông và sét đánh chết anh ta ngay bên chân người mẹ. Câu chuyện vừa lên án kẻ thất đức, vừa có tính giáo dục, khuyên răn người đời phải biết kiềm chế tức giận và biết tôn trọng mẹ cha.

Người con phải làm tròn chữ hiếu vì “cha mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể”. Trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dạy con cái thành người và người con phải biết báo hiếu cha mẹ. Vì con người muốn yêu quê hương, đất nước, trước hết phải yêu gia đình. Từ tình yêu này nhân lên tình yêu bà con, xóm làng.

Chữ hiếu cho con người một tình cảm cao quý và thiêng liêng, nhưng để trọn đạo làm con thực không dễ, bởi mỗi người sinh ra đều có những hoàn cảnh khác nhau; thêm vào đó là sự tác động của môi trường giáo dục gia đình và xã hội.

Muốn làm tròn chữ hiếu, con người phải biết rèn luyện phong cách sống từ nhỏ. Trước hết là ứng xử lễ độ với cha mẹ: từ lời thưa, tiếng gửi, câu chào đến những cử chỉ nhỏ như bưng bát cơm, thuốc thang lúc đau ốm. Bậc sinh thành luôn mong muốn con khôn lớn thành người. Làm cho “nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha” là người con có đức hiếu thảo. Sự hiếu thảo với cha mẹ như thường xuyên thăm hỏi, đỡ đần hay ngày lễ tết có của ngon, vật lạ dâng lên đức sinh thành. Nhưng ngần ấy thôi chưa đủ, điều cha mẹ mong muốn là con mình vừa phải sống tốt với cha mẹ, vừa phải sống tốt với anh em, họ hàng nội ngoại, bởi “không yêu họ hàng thì yêu chi nổi nhân dân”. Từ xưa tới nay, vừa làm rạng danh gia đình, vừa làm rạng danh quê hương chính là những người có trí cao, đức dày... Họ biết thương bố mẹ nghèo, thương cô bác để quyết chí học hành và làm nên sự nghiệp, phụng sự cho quê hương, đất nước.

Đất nước ngàn năm lịch sử đã có biết bao ông trạng, ông nghè, nhân sĩ trí thức, không chỉ làm tròn chữ hiếu đối với cha mẹ mà còn làm đẹp chữ hiếu đối với Tổ quốc. Những con người ấy đã trở thành nhân chứng bồi trúc cho nền văn hóa dân tộc Việt, tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, tiếc thay, chữ hiếu có phần bị lung lay và “méo mó”. Đó là sự ứng xử thiếu lễ độ với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Không ít thanh niên sống vô cảm với gia đình và quê hương, đất nước. Các cơ quan truyền thông không ít lần phản ánh những sự việc đau lòng như: con giết mẹ, cha; cháu giết bà hay con chửi bới, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà chỉ vì mâu thuẫn về đất đai, vườn tược. Những người con bất hiếu này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bôi nhọ thanh danh gia đình và nguy hiểm hơn là chà đạp lên đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Những bậc cha mẹ khi có con bất hiếu cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, bản thân mình chưa phải là tấm gương để con noi theo. Thói hư của những người cha, người mẹ như rượu chè bê tha, ăn chơi sa đọa, tham nhũng, nói năng thiếu văn hóa, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái.

Tục ngữ có câu:

Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Người xưa cảnh báo rằng, con hư do không nghe lời cha mẹ, mà muốn con cái nghe lời, trước hết, cha mẹ phải là người tốt, chăm lo con chu đáo, tận tình. Hãy lấy lòng nhân nghĩa để dạy con, lấy sự trong sáng của mình để thuyết phục con, có như vậy chúng ta mới xây dựng được chữ hiếu từ trong mỗi gia đình.

Mùa Vu lan năm nay, nhiều ngôi chùa trong tỉnh tổ chức cho các phật tử và các gia đình báo hiếu mẹ cha. Với họ hàng, ông bà, cha mẹ đã khuất núi thì làm lễ siêu linh tịnh độ, cha mẹ còn sống thì truyền bá đạo hiếu của đức Phật nhằm nhắc nhở đạo làm con phải phụng dưỡng, chăm sóc. Sự tích bồ tát Mục Kiền Liên bằng phép thần thông đã nhìn thấy mẹ đói khát ở địa ngục, cầu xin Phật và nhờ các tăng ni khắp mọi phương cùng đọc kinh nguyện cầu nên đã cứu mẹ khỏi bị ngã quỷ súc sinh, thêm một lần nữa nhắc nhở những người con giữ gìn đạo hiếu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast