Ngỏ cùng những tấm lòng nhân ái

Miền Trung từ bao đời nay được ví là đòn gánh nối 2 đầu Tổ quốc và dường như cũng chính vì thế mà dải đất này cũng cong vồng lên nỗi nhọc nhằn, vất vả. Hầu như năm nào người dân nơi đây cũng phải gánh lấy nỗi đau, sự mất mát mà trong cơn cuồng nộ, thiên nhiên chẳng có chút mềm lòng.

Thuở xa xưa, khi cuộc sống còn chung nỗi cực nhọc, hầu như người dân quê tôi đều phải tự gánh vác lấy hậu quả bão, lũ nhưng dần dà cuộc sống đổi thay, các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, càng ngày người dân miền Trung càng đón nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm, nhân ái.

Nước đã rút hẳn nhưng những người dân ở xóm Hợp Tiến, xã Đức Đồng ( Đức Thọ) vẫn rất cần và trân trọng từng gói quà chúng tôi trao tặng
Nước đã rút hẳn nhưng những người dân ở xóm Hợp Tiến, xã Đức Đồng ( Đức Thọ) vẫn rất cần và trân trọng từng gói quà chúng tôi trao tặng

Mỗi mùa mưa lũ đi qua, chứng kiến những nỗi mất mát của bà con mình, những phóng viên địa phương như chúng tôi thực sự đau lòng và điều duy nhất chúng tôi có thể làm được lúc ấy là phản ánh kịp thời nhất, chân thành nhất những hình ảnh bão, lũ, đồng thời kêu gọi những tấm lòng nhân ái cứu giúp đồng bào trong cơn nguy khốn. Bao nhiêu mùa mưa lũ đi qua là bấy nhiêu nỗi xúc động, sự hàm ơn bồi đắp trong tâm hồn chúng tôi. Đặc biệt là trong cơn đại hồng thủy vừa qua, chúng tôi lại càng thấm thía hơn sự sâu nặng của nghĩa đồng bào. Người miền Trung quê tôi vốn vất vả, sống chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, giờ trong cơn hoạn nạn lại chắt chiu từng giọt sẻ chia của đồng bào khắp cả nước để thấm thía hơn sự ấm áp của dòng máu Lạc Hồng.

Đã nhiều lần chúng tôi đi làm công tác cứu trợ nhưng có lẽ chưa bao giờ, miền Trung nhận được nhiều sự quan tâm như năm nay. Hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau mang trên mình dòng chữ "Vì miền Trung ruột thịt", "Hướng về miền Trung thân yêu"... khiến chúng tôi vô cùng biết ơn. Có hàng trăm, hàng ngàn đoàn đến các vùng lũ. Có đoàn thông qua các tổ chức, ban, ngành của tỉnh, cũng có đoàn tự mình tới những vùng ngập lũ để tận tay trao cho bà con món quà của mình. Nhưng cũng chính vì thế mà đã xẩy ra nhiều bất cập, nhiều hình ảnh không đẹp khiến những tấm lòng nhân ái không khỏi chạnh lòng, tấm tức.

Khi các anh các chị quyên góp quần áo, lương thực, thực phẩm để mang về cho đồng bào trong cơn khốn đốn, chúng tôi đều hiểu trong ấy chất chứa rất nhiều nghĩa tình nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có những đoàn đã không đến được địa chỉ thực sự cần đến. Những hình ảnh như: đi xe máy xịn đến nhận hàng cứu trợ, vứt quần áo cũ tại trụ sở UBND xã… là minh chứng cho điều đó. Nếu các anh, các chị đến được địa chỉ thực sự cần đến thì tôi tin điều các anh, các chị nhận về là nỗi xúc động sâu sắc chứ không phải là sự bực bội và sụp đổ niềm tin khi thề “không bao giờ quay lại đây nữa”. Thực tế là cho đến tận hôm nay, khi nước đã rút, cuộc sống đã dần bình yên trở lại nhưng ở nhiều nơi, khi chúng tôi trở lại cuộc sống vẫn thiếu thốn đủ bề, họ vẫn rất cần và trân trọng những bọc quần áo cũ chúng tôi mang cho. Điều đó khiến chúng tôi áy náy vì không thế mang được nhiều hơn và rất muốn trở lại với bà con thêm nữa.

Trong cơn lũ chồng năm nay, có rất nhiều đoàn là con em các địa phương đã kêu gọi đóng góp và tổ chức các đoàn từ thiện về quê cứu trợ. Họ cứ nhằm vào quê hương để đến, điều đó là tốt nhưng cũng gây ra nhiều dư âm không hay bởi có những nơi dù bị nhẹ nhưng lại nhận được quá nhiều hàng cứu trợ, còn những nơi bị nặng lại không được quan tâm...

Hơn nữa, trong cùng một lúc nếu có nhiều đoàn về cấp, phát quà sẽ gây lúng túng cho chính quyền địa phương. Thứ nhất là họ chưa quen, thứ hai là họ sẽ không có đủ người để chu toàn công việc. Sự hỗn loạn của người dân xã Sơn Mỹ (Hương Sơn) trong khi nhận hàng cứu trợ là một ví dụ. Hôm ấy, cùng lúc có 2 đoàn về cứu trợ, đoàn nào cũng muốn trao tận tay cho bà con, đoàn nào cũng muốn xuống tận từng nhà dân để thực tế nên cán bộ xã đều chia nhau đi cùng đoàn. Trong khi đó, tại trụ sở UBND xã, một chị trong đoàn sau khi đã phát quà theo danh sách mà xã cung cấp đã thông báo sẽ phát số quà còn lại cho người già, trẻ em và đã xẩy ra hỗn loạn như đoạn video clip được phát trên mạng.

Trong cơn hỗn loạn ấy, người phát quà đã quá đau lòng về hành động thiếu tôn trọng của bà con đối với mình và khóc. Những cảnh trong video clip là có thật nhưng đã được người dựng đảo lộn thứ tự gây sự hiểu nhầm lớn trong công chúng. Cũng sự việc ấy, nếu người quay đoạn video ấy thực sự có tâm hơn, yêu thương đồng bào miền Trung hơn thì hẳn sẽ không gây xôn xao dư luận như thế. Sau khi đoạn clip đó phát đi, trưởng đoàn cứu trợ hôm ấy đã gọi điện về xin lỗi lãnh đạo xã Sơn Mỹ và thừa nhận sai sót khi đã tổ chức phát quà như thế rồi hẹn sẽ trở lại để chính thức xin lỗi. Tuy nhiên, điều này lại không được phát đi trên mạng và đồng bào cả nước thì vẫn có ấn tượng không tốt về văn hóa nhận quà của nhân dân miền Trung.

Giữa khó khăn, hoạn nạn, những tấm lòng nhân ái thực sự là vị cứu tinh cho đồng bào miền Trung, nhưng chính quyền địa phương cũng như bà con một số nơi còn nhiều sơ suất. Điều chúng tôi cần thêm ở những tấm lòng nhân ái là sự độ lượng. Sau cơn lũ chồng năm nay, nhiều bài học về tiếp nhận và phân chia hàng cứu trợ sẽ được rút ra. Mong rằng, những tấm lòng nhân ái cũng sẽ tìm được cho mình cách cứu trợ đúng đắn nhất, hợp lý nhất, nhân văn nhất. Để mỗi mùa mưa lũ đi qua, đồng bào miền Trung lại được bồi lấp thêm một lớp phù sa màu mỡ của tình người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast