Người chèo đò tình nguyện

(Baohatinh.vn) - Miệt mài qua biết bao mùa mưa lũ chèo đò đưa trẻ đến trường, đưa người làng ra khỏi vùng cô lập..., ông Lê Khắc Tương (thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, Hương Khê) đã trở thành “phao cứu sinh” của người dân nơi đây.

nguoi cheo do tinh nguyen

Cứ đến đầu mùa mưa, ông Tương lại cặm cụi sửa chữa chiếc đò cũ...

Cách trung tâm huyện Hương Khê khoảng 30 km, địa phận thôn Phú Lâm bắt đầu từ cầu tràn Rào Rải, kéo dài hơn 10 km hướng về biên giới Việt - Lào. Thôn phần lớn là người dân tộc Lào, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế nơi đây kém phát triển là do giao thông quá cách trở, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Ở đây, mỗi khi mưa lớn, nước dâng lên cực nhanh và chảy xiết trong khi cầu bắc qua sông chỉ là những cây cầu tạm được người dân tự xây dựng. Chưa kể, mỗi đợt lũ lớn thường cuốn theo cả cây cầu, người dân lại loay hoay làm cây cầu khác.

Vào đến Phú Lâm, người dân địa phương “giới thiệu” ngay với chúng tôi về ông Tương để viết báo. Bởi với họ, ông Tương không chỉ là người hàng xóm tốt bụng mà còn là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Từng là bộ đội biên phòng, năm 1984, ông Tương rời quân ngũ về thôn Phú Lâm lập nghiệp. Những ngày đó, đường vào thôn cũng chỉ là con đường đất, chẳng khác lối đi rừng là mấy. Chưa có cầu, con đò nhỏ trở thành phương tiện đi lại chính của gia đình khi muốn “giao lưu” với thế giới bên ngoài. Thế rồi, khi có người trong thôn nhờ cậy, ông đều nhiệt tình giúp đỡ, dần dà, ông trở thành người chèo đò cần mẫn giúp mọi người sang sông.

Từ năm 2009 đến nay, việc chèo đò giúp người của ông dường như trở thành nhiệm vụ của chính mình. Cứ đến đầu mùa mưa, cũng là mùa vận chuyển mới, ông lại kéo chiếc đò cũ của mình ra sửa chữa, lụi cụi đóng đinh, dán keo. Ngày thường, người dân có thể qua sông bằng cầu tạm, nhưng lũ về, nước dâng cao, cây cầu trở nên vô dụng. Vì thế, đến ngày lũ, ông trở thành “cây cầu nổi” của bà con thôn Phú Lâm. Đặc biệt, với các em học sinh, nếu không có ông Tương và con đò, có lẽ nhiều em khó đến trường đầy đủ được, thậm chí, phải rơi vào cảnh thất học.

Bà Hà Thị Hồng - vợ ông Tương kể: “Có những lần đã gần nửa đêm, nhưng có người đau cần đi viện hay có việc cần sang bên kia sông, ông đều giúp mà không lấy một đồng tiền công hay ơn huệ gì cả. Vào mùa mưa lũ thì có ngày chèo đò đến cả quên ăn.

“Thấy ông giúp được nhiều người, tôi cũng mừng, nhưng cũng lo cho sức khỏe ông lắm. Có tuổi rồi, thuyền đò thì chông chênh, nước lũ đầu nguồn lại chảy xiết, sóng to. Qua được chuyến nào, tôi thở phào nhẹ nhõm chuyến đó, còn không cứ nín thở đứng nhìn” - bà nói về chồng với ánh mắt đầy tự hào.

Tuổi đã ngoài lục tuần, chẳng mong muốn gì cho mình, ông Tương chỉ ước làm sao có thể giúp bà con, đặc biệt là các em học sinh được đến gần hơn với cái chữ. Xa xôi hơn, ông mong góp đủ tiền mua vài chiếc áo phao để mỗi mùa mưa đến, người lớn, trẻ nhỏ khi lên con thuyền của ông được yên tâm hơn, đảm bảo an toàn hơn.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast