Người Hà Tĩnh ở Bình Định: 50 năm ấy bây giờ là đây

50 năm, thời gian dài gần cả một đời người- cũng là chừng ấy năm Bình Định- Hà Tĩnh, gắn bó với nhau theo nghĩa “anh em”. Những người con Hà Tĩnh đã vào Bình Định theo diện tăng cường cán bộ cho tỉnh anh em kết nghĩa Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước và trong năm 1975, nhiều người đã “neo” lại ở mảnh đất quê hương thứ hai này…

50 năm ấy…

Năm 1964, khi chưa tròn 18 tuổi, chàng trai Phan Văn Hội từ quê nhà (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xung phong lên đường nhập ngũ và được đưa vào Bình Định. Ngày 23.9.1965, khi tham gia trận đánh ở đèo Phú Cũ, ông bị thương nặng tưởng chết, được về điều trị ở Bệnh xá K200. Năm 1966, ông về Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, dạy học cho người dân, tham gia công tác thanh niên. Tại nơi này, ông đã được kết nạp Đảng và được một gia đình địa phương nhận làm con nuôi. Tháng 2.1969, ông bị địch bắt, đưa ra nhà tù Phú Quốc, đến năm 1973 mới được trao trả tự do ở tỉnh Tây Ninh.

Người Hà Tĩnh ở Bình Định: 50 năm ấy bây giờ là đây ảnh 2

Bình Định và Hà Tĩnh - khúc ruột nối liền

Đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Hội tiếp tục về Bình Định vì “đã quen với vùng đất này, nơi có nhiều bạn bè, mẹ nuôi”. Ông công tác trong ngành LĐ-TB&XH đến ngày về hưu. “Bình Định, nơi tôi đã gắn bó gần hết cả cuộc đời. Nơi tôi cũng có một gia đình chẳng khác gì gia đình ruột thịt của mình. Ngày ba má nuôi tạ thế, tôi cũng đứng ra lo liệu như mọt người con cả trong nhà…”- ông Hội nói. Hai trong số ba người con đã trưởng thành của ông, đều làm việc tại thành phố Quy Nhơn.

Cũng đến với Bình Định từ năm 1965, là bác sĩ Nguyễn Phát Tường, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh. Ông Tường quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội ông vào chiến trường Bình Định theo diện tăng cường bác sĩ cho tỉnh kết nghĩa anh em. “Tôi vẫn không thể quên được kỷ niệm 3 người chúng tôi đã ăn hết 4 cân thịt heo ngay sau khi đến chợ Long Định (Hoài Ân); những cây dừa trụ lá, xác xơ như những cột nhà cháy bởi chất độc da cam….”- ông Tường bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến đất Bình Định. Ông hầu như đã đi khắp các chiến trường Bình Định để chăm sóc thương binh, đào tạo cán bộ y tế ở cơ sở; những lần may mắn thoát chết trong gang tấc. “Lẽ ra sau 5 năm công tác tại chiến trường Bình Định, tôi sẽ trở ra Hà Nội học tiếp. Nhưng, cuối cùng Bình Định đã “níu” tôi lại khi cưới được một cô vợ rất xinh người Tây Sơn. Âu cũng là duyên số…”- ông Tường hóm hỉnh. 30 năm công tác tại Bình Định, ông chia làm 3 giai đoạn: 10 năm công tác ở chiến trường, 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Vệ sinh phòng dịch tỉnh, 10 năm làm cán bộ quản lý ở Sở Y tế.

Bây giờ là đây…

Trong và sau kháng chiến Mỹ, nhiều người con Hà Tĩnh, đã được tăng cường chi viện cho tỉnh kết nghĩa Bình Định. Và ngược lại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có người về quên. Nhưng, có người tình nguyện ở lại xây dựng, lập nghiệp trên quê hương thứ hai này. Ông Lê Viết Hải, nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh, là một trong những cán bộ an ninh ở Hà Tĩnh được đưa vào tăng cường cho an ninh tỉnh kết nghĩa Bình Định tiếp quản sau giải phóng từ tháng 4.1975, nhớ lại: “Trong số 19 anh em được tăng cường vô Bình Định ngày đó, nhiều người đã trở về quê, nhưng có người ở lại lập nghiệp. Để tập hợp những người con Hà Tĩnh lại với nhau, chúng tôi thành lập hội đồng hương… ”.

Năm 1996, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định được thành lập, hoạt động theo quy ước: xích lại gần nhau; giúp nhau khi hoạn nạn, mừng nhau lúc thành công; động viên các gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước… Ngoài hỗ trợ, giúp đỡ nhau, Hội đồng hương cũng làm tốt công tác khuyến học, tặng thưởng, hỗ trợ cho con em là học sinh giỏi, có thành tích trong học tập...

Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định trao thưởng cho học sinh người Hà Tĩnh có thành tích học tập xuất sắc
Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bình Định trao thưởng cho học sinh người Hà Tĩnh có thành tích học tập xuất sắc

Hiện nay có khoảng 320 hộ gia đình người Hà Tĩnh (khoảng hơn 1000 nhân khẩu) sinh sống trên đất Bình Định, công tác trong nhiều ngành nghề khác nhau. Một số người đã có những thành công trong một số lĩnh vực. Tiêu biểu nhất có thể kể đến ông Nguyễn Xuân Nhân, nguyên Trưởng khoa Văn trường ĐH Quy Nhơn, đã dành cả đời để nghiên cứu văn nghệ dân gian Bình Định. Các phát hiện của ông được thể hiện qua các tác phẩm như: Cảng thị Nước Mặn thuở phồn Vinh, Văn học dân gian Tây Sơn, Truyện cổ thành Đồ Bàn, Các ngôi sao Tây Sơn… đã góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học dân gian của Bình Định. Ông Nhân đã nhận giải B Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu, cùng nhiều giải thưởng và bằng khen của Hội VNDG Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định.

Từ những thế hệ đầu tiên người Hà Tĩnh tiên, nay đã tiếp nối các thế hệ F1, F2 ra đời; càng đào sâu bám rễ hơn ở mảnh đất nghĩa tình khi kết nghĩa châu trần với người Bình Định. Mối lương duyên Bình Định - Hà Tĩnh càng thêm hòa quyện, gắn bó máu thịt hơn bao giờ hết. Anh Phạm Văn Dương, 32 tuổi, con trai của ông Hội, kỹ sư xây dựng của Công ty TNHH Xây dựng Kim Cúc tâm sự: “Với tôi, Hà Tĩnh là quê cha, là tổ tiên, nguồn cội của mình. Nhưng tôi được sinh ra lớn lên ở Bình Định. Lấy vợ, sinh con đẻ cái cũng ở đây nên tôi thấy gắn bó máu thịt với vùng đất này. Ăn cây nào thì rào cây nấy, mình phải có trách nhiệm xây dựng nên mảnh đất này giàu đẹp hơn.”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast