Người "leo lên đỉnh " toán và thơ

Giới sinh viên khoa Toán, Trường đại học Vinh nhắc đến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Toán học Lê Quốc Hán không ai không khâm phục về tài năng sáng tạo và nhiệt huyết với nghề. Thầy giáo dạy toán đầy kinh nghiệm ấy lại là một nhà thơ.

Toán giỏi, văn hay từ thưở nhỏ

Lê Quốc Hán cầm tinh con trâu, bạn bè thường đùa anh là "con trâu vàng", anh hóm hỉnh nói "tôi chỉ con trâu đen" và mơ ước khoẻ như trâu đen bóng mượt để dẻo sức cày dai sức kéo. Anh luôn luôn chạy đua với thời gian, chậm rãi thầm lặng như con trâu trên cánh đồng chữ và bây giờ ngoảnh lại thấy giật mình khi mái tóc đen bắt đầu ngã bạc, tờ lịch trên tường mách anh tuổi sáu mươi.

PGS, TS Lê Quốc Hán trên bục giảng.
PGS, TS Lê Quốc Hán trên bục giảng.

Anh vốn gốc làng Xa Lang, xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng sinh trưởng ở Kỳ Châu, Kỳ Anh. Vùng đất đầy nắng lữa mưa chan đã nuôi dưỡng một tài năng toán học, một hồn thơ trong trẻo tinh khôi

Lê Quốc Hán giống như bạn bè cùng trang lứa thưở thiếu thời đều xuất thân trong hoàn cảnh gia đình nằm "dưới đáy nghèo", chỉ khác một điều năng khiếu về toán bộc lộ khá sớm. Mới cắp sách học đánh vần vài tháng lớp vỡ lòng trong thôn, Hán đã thuộc hết bản cửu chương. Những bài toán cô giáo ra làm tại lớp, Hán xung phong lên bảng giải nhanh như xiếc trước sự trố mắt của các cậu học trò "nhí".

Trong lúc nhiều người phải dùng que tính thì Lê Quốc Hán đã vượt qua "ô cửa" mò mẫm này. Hồi ấy giấy hiếm, phấn viết lại càng hiếm, muốn làm một bài toán khó hoặc hướng dẫn lại cho bạn mình hiểu có lúc Hán phải dùng than, dùng đất thó, dùng gạch vỡ để viết lên trần nhà, cánh cửa hoặc sân kho láng nền xi măng hợp tác xã. Viết xong thì lau sạch và rồi lại viết.

Anh tâm sự "Hồi học cấp 1 phổ thông (bậc tiểu học b) vẫn được thầy rèn mạnh nhất về môn tập đọc vì phát âm. Chữ viết nhỏ nhiều lúc thiếu nét nên các môn tập đọc, tập viết cố gắng lắm cũng chỉ đạt điểm trung bình. Riêng môn tập làm văn tả cảnh hay tường thuật thể loại gì cũng được lĩnh điểm 5 (điểm 10 bậc).

Tưởng Lê Quốc Hán sẽ trở một hiện tượng học "lệch" nhưng bước sang học cấp 2 (cấp trung học phổ thông cơ sở) Hán vẫn ấp ủ niềm mơ ước mình sẽ học giỏi văn. Duyên may thời ấy đã đến với anh, khi Hán được thầy giáo Phan Công Thi, một giáo viên trẻ yêu thương học sinh hết lòng kèm cặp. Thầy Thi phát hiện được Hán có khả năng giỏi môn Văn và đã tìm cách giúp Hán. Thầy khuyên Hán muốn văn giỏi trước hết phải có thói quen đặt câu và luyện chữ. Văn hay, chữ tốt lời cổ nhân đã dạy như thế.

Bây giờ Lê Quốc Hán đã bước lên đỉnh cao mới của hai sự thành đạt: tiến sĩ toán học và một nhà thơ. Hiện ông là Tổ trưởng bộ môn đại số và Chủ nhiệm chuyên ngành đại số - lý thuyết số (Trường Đại học Vinh). Anh được phong hàm Phó Giáo sư Toán học năm 2003 và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008. Lê Quốc Hán vừa là hội viên Hội văn nghệ Nghệ An và hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Lê Quốc Hán đã nhận được nhiều giải thưởng thơ như giải báo Tài Hoa Trẻ, giải thơ Tầm nhìn thế kỷ (Báo Tiền Phong), giải thơ Hồ Xuân Hương (Báo Nghệ An). Đáng trân trọng hơn, một tiến sĩ toán học cho ra đời 3 tập thơ: Lời khấn nguyện, Bến vô cùng, Mạc Khải được độc giả xếp vào “hàng chất lượng cao".

Được dung nạp kiến thức từ sách, được thẩm thấu kiến thức bài giảng của thầy Thi, Lê Quốc Hán từ trung bình về môn Văn đã vươn lên giỏi Văn thực sự. Ba năm học cấp 2 (cấp trung học phổ thông cơ sở c) nhiều bài văn của Lê Quốc Hán làm đã được thầy giáo Phan Công Thi cho điểm 8 và đưa làm văn mẫu đọc cho cả lớp nghe. Riêng môn Toán, Hán luôn đạt điểm 9 điểm 10 và trở thành học sinh giỏi toàn diện của nhà trường. Năm lớp 6, anh đã dành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn của tỉnh Hà Tĩnh, năm lớp 7 anh đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc.

Rào cản không nhụt chí

Niềm say mê trong học tập cùng với sự thông minh trời phú đã tạo cho Lê Quốc Hán có sức sáng tạo khác thường. Càng cầm được chìa khoá vạn năng của sách, Hán càng phát triển được tố chất. Không chỉ thích Ruồi Trâu, thuộc lòng truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm, Lê Quốc Hán còn là cộng tác viên tích cực báo Toán học và tuổi trẻ. Vào thời điểm 1967-1973 trên tờ báo này thường xuyên xuất hiện hai bạn trẻ có lời giải hay Lê Quốc Hán và Lê Thống Nhất.

Lê Quốc Hán kể: Đầu lớp 8 thi vào lớp chuyên Toán tỉnh Hà Tĩnh đạt điểm cao nhất 15,5/ 20 và cuối năm ấy thi vào lớp chuyên Toán Trường Đại học tổng hợp Hà Nội vượt điểm tối đa (20,5/20 ), nhưng oái oăm thay, khi cả hai trường đều có giấy nhập học thì anh chẳng khác gì chiếc xe ô tô bị "kẹt nhíp". Anh không cắt được giấy tờ hộ khẩu, bố anh lủi thủi lên uỷ ban nhân dân xã xin thì được họ đáp lại bằng cái nhìn lạnh lùng vô cảm và lời giải thích: lý lịch không rõ ràng nên địa phương phải gác lại.

Không vào được năng khiếu, bố mẹ anh mặc dầu có hơi buồn, nhưng Lê Quốc Hán vẫn hồn nhiên vui vẻ tiếp tục học Trường cấp 3 huyện Kỳ Anh. Ba năm học cấp ba, các thầy giáo chủ nhiệm và thầy giáo bộ môn đều thán phục năng lực học của Lê Quốc Hán.

Năm học lớp 10, Lê Quốc Hán dự thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh hai môn văn và toán. Anh vẫn hy vọng dành giải nhất hoặc giải nhì cả hai môn này nhưng chính quyền địa phương lại gửi đơn kiện lên Ty giáo dục Hà Tĩnh "dựng khống" gia đình anh đủ chuyện, buộc hội đồng thi phải gác lại không chấm bài thi của anh. Tốt nghiệp phổ thông, một học sinh tài năng như Lê quốc Hán lại không vào nổi cổng trường đại học, bởi anh không vượt được "bức tường lửa" của chính quyền địa phương lúc đó, do sự đố kỵ hẹp hòi và bảo lưu quan điểm anh là "con cháu địa chủ, cường hào".

Tháng 12-1968, Lê Quốc Hán có giấy gọi nhập ngũ nhưng vào đơn vị mới hơn 1 tháng anh phải quay về nhà vì thuộc diện thấp thước nhẹ cân (nặng 39 kg). Cảnh nhà nghèo túng, thiếu ăn thường xuyên, vừa làm ruộng Lê Quốc Hán vừa tranh thủ tự học chương trình toán đại học năm thứ nhất (theo hệ sư phạm) vừa đọc tiếp các tác phẩm trứ danh của nước ngoài và văn học cổ điển trong nước.

Năm 1968-1969, do tình hình khủng hoảng thiếu giáo viên ở các trường học cơ sở, buộc Ty Giáo dục Hà Tĩnh phải xin Bộ Giáo dục mở 2 lớp trung cấp sư phạm 10+1. Anh tha thiết được vào học "lớp cấp tốc" này bởi cứ cày ruộng mãi thời gian sẽ phí đi rất nhiều. Khó khăn chật vật lắm lần này chính quyền địa phương mới làm thủ tục "cắt hộ khẩu" để Lê Quốc Hán đi học.

Tốt nghiệp khoa Toán trường sư phạm 10+1, Lê Quốc Hán trở về dạy tại một trường trung học cơ sở trong huyện Kỳ Anh. Từ một học sinh giỏi nổi tiếng và khi bước vào nghiệp cầm phấn, Lê Quốc Hán lại trở thành một giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 10-1974, anh được Báo Toán học và tuổi trẻ mời đi dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo. Anh được gặp giáo sư Lê Văn Thiêm, qua trò chuyện giáo sư càng thấu hiểu thêm những rào cản vô lý từ những cán bộ ấu trĩ của quê anh.

Lá thư tay đầy trách nhiệm "đề nghị tỉnh quan tâm giúp đỡ để học tiếp chương trình đại học" của vị Viện trưởng Viện Toán học đã đến với ông Nguyễn Tiến Chương, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Ông Chương lấy làm ngạc nhiên bởi ông cứ đinh ninh Lê quốc Hán đã tốt nghiệp đại học lâu rồi. Ông Chương xuống trực tiếp làm việc với huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Châu, lúc này những oan khuất của gia đình anh mới được giãi mã.

Tháng 12 năm 1976, Lê Quốc Hán hạnh phúc bước vào Khoa Toán, Trường đại học sư phạm Vinh. Kể từ đây sự nghiệp toán học của anh bắt đầu thăng hoa. Bốn năm sinh viên anh luôn được công nhận sinh viên ưu tú, thi tốt nghiệp đạt điểm cao nhất trường nên anh được nhà trường chọn cho học tiếp bậc cao học rồi ở lại làm cán bộ giảng dạy của trường.

Năm này sang tháng khác anh vùi đầu vào sách vở để đi xa hơn nữa trên con đường Toán học. Do làm việc trí óc quá căng thẳng, anh bị ốm, sau đó ròng rã suốt 6 tháng nằm ngủ không tài nào chợp mắt được. Căn bệnh lạ của triệu chứng mất ngủ buộc anh phải về quê sống ẩn dật, tĩnh lặng, rồi dùng thuốc nam theo sách Hải Thượng Lãn Ông chữa bệnh. May thay trời trả lại cho anh giấc ngủ ngon. Lúc này không hiểu sao Lê Quốc Hán rất mê thơ. Anh bảo "Thơ đến với mình như gặp lại người bạn cũ, dĩ nhiên khi làm thơ tôi không nghĩ đến toán và khi nghiên cứu toán không nghĩ đến thơ".

Đọc thơ anh cấu tứ bao giờ cũng chặt chẽ, thơ rất bác học trí tuệ nhưng thấm đẫm chất nhân văn. Anh thường tự ngẫm: Như giọt mưa mùa thu/ Chưa chạm đất đã khô/ Như que diêm thắp lửa/ Thoắt biến vào hư vô.

Tâm trạng ấy thôi thúc Lê Quốc Hán đuổi theo thời gian để dành trái tim hồng của mình cho toán và thơ .

Tháng 11-2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast