Người luôn vì sự tiến bộ của người nghèo đã vĩnh viễn ra đi

Có thể nói, ông Nguyễn Đình Thi là người khá thành đạt về mặt khoa học cũng như chức sắc tôn giáo, nhưng ông không hoạt động tôn giáo mà dành trọn cuộc đời cho hoạt động từ thiện, vì sự tiến bộ của người nghèo. Đúng như Công văn số 109-BNV ngày 6-10-1994 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã nhận xét: “Tuy là linh mục nhưng hiện nay ông Nguyễn Đình Thi không tham gia hoạt động tôn giáo, mà chủ yếu hoạt động viện trợ cho Việt Nam, tỏ ra là người có đầu óc dân tộc”.

Linh mục – tiến sỹ triết học Nguyễn Đình Thi
Linh mục – tiến sỹ triết học Nguyễn Đình Thi

Ông sinh năm 1934 tại xã Phương Mỹ (Hương Khê), vào Nam 1954. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp một lúc 2 trường đại học Văn khoa và luật tại Sài Gòn, ông được nhận học bổng tư đi tu nghiệp ở Pháp, về chuyên môn thần học và triết học. Năm 1965 được thụ phong linh mục tại nhà thờ Đức Bà Paris và đến năm 1966, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Sorbonne. Năm 1967, ông thành lập Hội Huynh đệ Âu - Á, vận động ủng hộ hòa bình độc lập dân tộc ở Việt Nam. Tổ chức này được Nhà nước Cộng hòa Pháp công nhận, là tổ chức phi chính phủ (Công báo của nước Cộng hòa Pháp ngày 25-2-1967). Sau này là Hội Huynh đệ Việt Nam tại Pháp. Hoạt động của Hội chủ yếu là vận động ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thống nhất Tổ quốc và viện trợ cho Việt Nam.

Ông đã kiên trì, nhẫn nại vượt qua nhiều trở ngại, tần tảo bằng mọi hình thức từ vận động các nhà hảo tâm tài trợ, đến viết và xuất bản sách, tạp chí, bán hàng Việt Nam tại Paris, biểu diễn văn nghệ, giới thiệu việc thực hiện có hiệu quả một số dự án ở Việt Nam. Bằng những hoạt động đó, cùng với nhân cách và uy tín của mình, ông đã thu hút được tình cảm của các doanh nhân, các cơ quan nhà nước, các chủ trang trại, các bạn bè thân hữu ở Pháp… tích góp công sức, tiền của để có được điều kiện giúp đỡ quê hương.

Trong quá trình thực hiện hơn 250 dự án viện trợ trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố cả nước, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với quê nhà. Ưu tiên cho Hà Tĩnh một số dự án hướng vào nông nghiệp, nông thôn, trợ giúp người nghèo và vùng nghèo như: xây dựng nhà tránh bão Kỳ Nam, cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, chăn nuôi bò sữa, xây trường tiểu học, xây trạm xá ở Hương Khê, trợ giúp cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành cấp tỉnh và huyện Hương Khê sang tham quan, nghiên cứu ở Pháp… Đặc biệt ông đã dày công xây dựng Trung tâm Hương Bình từ một vùng đất hoang vắng thành một mô hình kinh tế, văn hóa, tổng hợp, vừa đào tạo nghề, vừa thực nghiệm cho nông dân.

Các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh, Hương Khê tuy mức độ có khác nhau, song dự án nào cũng đưa lại những kết quả nhất định, người dân trực tiếp được thụ hưởng. Nhiều hộ nông dân có nhà ở, được vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng, có tiền cho con đi học, có nghề làm ăn, bưởi Phúc Trạch… được khẳng định thương hiệu. Không chỉ đào tạo nghề nông, Trung tâm Hương Bình còn bồi dưỡng kiến thức thương mại – dịch vụ, sử dụng máy tính, ngoại ngữ…

Vì quê hương, mỗi năm ông về nước 1 - 2 lần để kiểm tra việc thực hiện dự án. Từ năm 2000 trở lại đây, ông chủ yếu về ở tại TP Hồ Chí Minh, nhờ vậy, thời gian đến với bà con trong vùng dự án tại quê nhà lại nhiều hơn. Mỗi lần về, ông đến từng nhà, từng hộ nông dân, chuyện trò thăm hỏi mọi người, cùng chia sẻ và góp ý tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống; xem xét cụ thể các nhu cầu của từng hộ, thiếu vốn thì cho vay, thiếu hiểu biết về kỹ thuật cho đi bồi dưỡng hoặc mời chuyên gia đến nhà hướng dẫn, theo dõi. Những lần ông Thi về làm việc đều ăn, ở tại Trung tâm Hương Bình để được gần gũi bà con. Mặc dầu tỉnh chủ động mời ông về nghỉ ở nhà khách nhưng ông từ chối.

Tháng chạp năm 1994, tôi lên Trung tâm khi được tin ông về kiểm tra việc thực hiện dự án, thấy 2 ông già (một vị linh mục – tiến sỹ triết học, một kỹ sư canh nông người Pháp - ông Lơ Mơ Te, chủ trang trại lớn, tình nguyện sang ăn ở tại Trung tâm Hương Bình mỗi đợt 2 tháng liền, để dạy nghề cho nông dân) đang cùng một số bà con nông dân đốt lửa sưởi, vì thời tiết mùa này ở đây quá lạnh, dường nằm không có nệm.

Tình cảm đối với quê hương luôn là ý thức thường trực trong ông, không chỉ viện trợ qua các dự án, mà ông còn là tác giả sự hợp tác, kết nghĩa giữa Nghệ Tĩnh và vùng CtesDarmor. Mỗi lần có con em Hà Tĩnh qua học tập, ông đều tận tình giúp đỡ nơi ăn nghỉ và điều kiện học hành. Khi Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huề (quê ở Thạch Lưu hiện công tác tại Bệnh viện Việt Đức) kết thúc khóa học ở Pháp, ông còn dặn: “Anh làm việc ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội, khi có người dân ở quê ra chữa bệnh anh nhớ quan tâm, vì dân ta còn nghèo khó lắm”. Hay trong thư gửi cho tôi đề ngày 29-3-1995, ông đã viết: “Chúng ta phải cùng nhau vực Hà Tĩnh đi lên, không phải để làm bất cứ chuyện gì, nhưng cố gắng làm sao để việc phát triển quê hương thấm đậm tình người, tình dân tộc. Chúng ta nhất định xóa đói giảm nghèo, nhưng không phải là bất cứ giá nào, không thể để cho tái diễn cảnh người bóc lột người, mạnh được yếu thua, không thể để cho đồng tiền là thước đo duy nhất về sự phát triển”.

Gần đây nhất (ngày 27-5-2010), trước khi ông trở lại Paris và mất ở bên đó, mặc dầu căn bệnh tiểu đường hành hạ ông kiệt sức, không tự lái xe và việc đi lại đã khó khăn, nhưng ông đã về Hương Bình tổ chức triển lãm một số hình ảnh nghìn năm Thăng Long cho nông dân ở đây xem và thăm hỏi bà con. Ai ngờ đó là lần cuối cùng ông gặp lại bà con, bạn bè và cơ sở mà ông đã đầu tư xây dựng, để rồi ra đi mãi mãi. Xin nói thêm, ông Nguyễn Đình Thi đã dành trọn cuộc đời để hoạt động xã hội, từ thiện cho đến trước khi về với chúa, cụ vẫn sống một mình. Vừa là người địa phương, vừa là người luôn gần gũi mọi người, nhân dân trong vùng dự án, các vùng lân cận ai cũng biết đến và tỏ lòng thân thiện, mến mộ và thương gọi ông bằng cái tên trìu mến và trân trọng “Cha Thi”. Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, ông vinh dự được Nhà nước ta tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và ngày 4-3-2007 được trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt – 2006” do Báo Điện tử Vietnamnet bình chọn.

Ông Nguyễn Đình Thi đã ra đi, nhưng tình cảm, việc làm và nhân cách của ông luôn đọng lại mãi trong lòng nhiều người dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast