Người mang ánh hào quang cho sân khấu

Đoạn phim ngắn giới thiệu TS, NSND Phạm Thị Thành trong sêri chương trình tôn vinh những người Hà Nội kiệt xuất thời hiện đại trên VTV trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là nguyên cớ cuối cùng đưa tôi đến gặp bà. Trước đó tôi đã biết bà là một người quê gốc Đức Thọ - Hà Tĩnh, là một trong tứ trụ của sân khấu Việt Nam… đã đôi lần loáng thoáng gặp bà trong những chương trình lễ hội lớn của quê hương nhưng chưa một lần được tiếp kiến…

NSND Phạm Thị Thành. Ảnh: AH
NSND Phạm Thị Thành. Ảnh: AH

Đến tìm NSND Phạm Thị Thành trong một ngày Hà Nội xao xác gió mùa, sự man mác của đất trời dường như cũng đã len lỏi vào lòng người, khiến tôi thấy mình như đang bước đi trong một không gian đầy hoài niệm. Cả căn hộ sang trọng, hiện đại trên tầng 22 tòa nhà 101 Láng Hạ của gia chủ cũng không xua đi được cảm giác ấy. Trong không gian riêng tĩnh lặng ấy, người phụ nữ bé nhỏ 69 tuổi vẫn làm việc không biết mệt mỏi vì một tình yêu mãnh liệt với sân khấu… Và chúng tôi bắt đầu câu chuyện cuộc đời của nữ nghệ sỹ tài hoa trong không gian lãng mạn, êm đềm ấy…

Tuổi thơ trong sáng bên dòng La quê nội

Lâu lắm mới có người trong quê ra chơi nhà nên bà mừng lắm. Trong chiều Hà Nội hun hút heo may, những ký ức xa xôi cứ hối hả trở về vẹn nguyên mỗi lần chúng tôi chạm tới. Bà còn cho chúng tôi xem quyển album lưu giữ những hình ảnh quý giá của gia đình. NSND Phạm Thị Thành sinh năm 1941 - Là con gái út trong gia đình thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Mẹ là Công Tôn Nữ Diệu Phẩm, cháu nội của Hoàng tử Tuy Lý Vương Miên Trinh và chắt nội của vua Minh Mạng. Cha là Phạm Khắc Hòe, người xã Đức Nhân (Đức Thọ) - nguyên là Đổng lý Ngự tiền dưới thời vua Bảo Đại, về sau cha đi theo cách mạng, giữ các chức vụ Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ pháp chế Phủ thủ tướng... Năm 1946, khi cha đi theo Cách mạng, Phạm Thị Thành cùng mẹ và anh chị em về sống ở quê nội. Cuộc sống khó khăn khiến nàng tiểu thư khuê các sớm phải chịu cảnh bần hàn. Mới năm tuổi bà đã biết đi cất tép, mót lúa, cắt rạ, giúp mẹ gánh hàng phở, hàng chè ra chợ bán…. Những đêm mùa đông rét mướt lại phải cùng các anh chị chui vào đống rơm để ngủ. Giờ đây dù đã đi hơn 40 nước trên khắp 5 châu, dù đang sống trong căn hộ sang trọng nhưng bà vẫn không bao giờ quên được hơi ấm ổ rơm. Quãng đời ấy tuy đói khổ, thiếu thốn nhưng đã để lại trong tâm hồn nàng “tiểu thư” những kỷ niệm trong sáng, đẹp đẽ.

Bên cạnh cuộc sống vất vả khi ấy bà có niềm vui thơ trẻ là tham gia đóng kịch cùng các anh chị. Bà không nhớ đã đóng không biết bao nhiêu là nhân vật chỉ nhớ một lần đóng vai đứa bé bị hổ chụp bắt, nhập vai đến nỗi sợ quá ngã xuống hầm. Những vở kịch đơn giản như là trò chơi của trẻ con đã nhen nhóm trong tâm hồn cô bé niềm say mê với sự hóa thân thành nhiều nhân vật. Lúc bấy giờ không ai nghĩ rằng chính những buổi đóng kịch vui vẻ hồn nhiên ban đầu này lại là khởi điểm cho con đường đến với nghệ thuật sân khấu của người con gái ấy. Đó cũng là những tháng ngày bà gắn bó với dòng sông La mát ngọt của quê hương. Và dường như chính những điều ấy đã góp phần quan trọng kiến tạo nên tâm hồn phong phú, đẹp đẽ của TS, NSND Phạm Thị Thành về sau, để nền sân khấu Việt Nam có một nữ đạo diễn tài hoa.

Vì sân khấu cần một trái tim…

Ở quê nội được sáu năm, năm 1952 bà ra Việt Bắc để được sống cùng cha. Bà kể: “Hồi ấy tôi phải đi bộ từ Đức Thọ đến Việt Bắc ròng rã một tháng. Ngày ngủ, đêm đi, vừa đi vừa tránh bom giặc.” Trong chiến khu thường tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, sẵn có giọng hát hay bà luôn tham gia biễu diễn bằng các ca khúc. Sau nhiều dịp quan sát Phạm Thị Thành biểu diễn, Bộ trưởng Phan Kế Toại, Thứ trưởng Lê Tất Đắc thấy cô bé này có năng khiếu, mới gợi ý với ông Phạm Khắc Hòe cho con gái đi theo đoàn văn công. Và rất tự nhiên, năm 1954 Phạm Thị Thành gia nhập đoàn văn công Trung ương, trở thành diễn viên khi mới 14 tuổi, diễn chung cùng Lưu Hữu Phước, Thế Lữ… Không quản ngại vất vả, mặc cho mưa bom, bão đạn và những thiếu thốn, bệnh tật, cô bé Phạm Thị Thành đã cùng các nghệ sỹ khác say sưa biểu diễn hết địa điểm này đến địa điểm khác cho các đơn vị bộ đội xem. Chẳng biết từ bao giờ đối với bà sân khấu trở thành một thánh đường hấp dẫn. Chỉ cần lên đứng đó không cần biết mình hóa thân vào vai gì, thậm chí chỉ đóng vai quần chúng là bà đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

NSND Phạm Thị Thành trong một chuyến đi nước ngoài. Ảnh do nhân vật cung cấp
NSND Phạm Thị Thành trong một chuyến đi nước ngoài. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi đóng các vai quần chúng, hát tập thể trong vở kịch hát Trận cầu vó ngựa (ĐD. Nguyễn Xuân Khoát) hay một chị nông dân đi hội, rồi chị Tám trong Chị Tám anh Điền (ĐD Lưu Quang Thuận, Thế Lữ, Song Kim, Năm Ngũ), đến năm 16 tuổi, lần đầu tiên, Phạm Thị Thành mới được đóng vai chính trong vở Chiến thắng Nghĩa Lộ (ĐD Thế Lữ) cùng các nghệ sỹ lớn như Thế Lữ, Song Kim. Sau đó Phạm Thị Thành đã sang Trung Quốc 6 tháng để thu thanh. Và đĩa hát đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với những bài hát nổi tiếng như Quốc ca, Lãnh tụ ca, Hồn tử sĩ... đã ghi giọng hát của nghệ sỹ Phạm Thị Thành.

Sau tiếp quản thủ đô bà chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương, từng có mặt trên chuyến tàu tập kết cuối cùng ở Quy Nhơn để diễn kịch và hát phục vụ đồng bào, dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ bậc thầy như Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long. Được nhiều người yêu thích, đoàn mang các vở diễn vào chiến trường B cổ vũ tinh thần những người lính. Sân khấu có khi là một thảm cỏ, có khi là một hang đá mà vẫn diễn say sưa. Những ngày nắng núi mưa ngàn, những đêm đói lả, những trận sốt rét hành hạ vẫn không khuất phục được tình yêu kịch nghệ lạ lùng trong tâm hồn bà.

Năm 1967, Phạm Thị Thành được đi học lại văn hóa do mới học hết lớp sáu. Đến năm 1969, bà được cử sang Liên Xô (cũ) học lớp đạo diễn tại Học viện Nghệ thuật sân khấu Mátxcơva. Từ đây bà bắt đầu một tình yêu mới với sân khấu. Việc từ bỏ những vai diễn để đứng sau cánh gà kiến tạo nên những cuộc đời, những số phận mang đến cho bà niềm say mê mới. Năm 1975, Những chiếc lông hạc, vở kịch đầu tiên do bà dàn dựng làm bài thi tốt nghiệp đã gây hiệu quả bất ngờ, gây ngạc nhiên cho thầy giáo. Năm 1977, trở về nước Phạm Thị Thành soạn thảo đề án và cùng một số nghệ sỹ khác bắt tay xây dựng Nhà hát Tuổi Trẻ. Từ đó bà bắt đầu mang ánh hào quang đến cho nền sân khấu Việt Nam. Với công việc của một nữ đạo diễn bà đã phát hiện và đào tạo ra một lớp nghệ sỹ tên tuổi của làng sân khấu Việt Nam như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, các NSƯT Chí Trung, Anh Tú, Minh Hằng, Ngọc Huyền….Lúc bấy giờ, ngoài việc mang lại cho Nhà hát Tuổi Trẻ 4 huy chương vàng, Phạm Thị Thành là người đặc biệt có công trong việc phát hiện ra Lưu Quang Vũ và góp phần làm cho tài năng ấy toả sáng. Bây giờ, tưởng nhớ Lưu Quang Vũ, người ta hay nhắc đến Phạm Thị Thành như người đã nhấn được vào cái nút nhạy cảm nhất của tài năng là vì lẽ đó.

Đời người có những khúc ngoặt và những ngã rẽ không ai mong đợi. Trong những năm tháng say mê với sân khấu ấy, cuộc hôn nhân của bà đã đi đến hồi kết. Bà nói: “Tôi và ông Long tuổi tác chênh lệch quá nên đến lúc nào đó rạn nứt là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy tôi rất biết ơn ông ấy vì chính ông ấy là tác nhân lớn của tình yêu sân khấu trong tôi, là một người thầy của tôi”. Có lẽ với những người nghệ sỹ say mê cống hiến như bà, sự lựa chọn tự do là hợp lý. Tự do để được chung thủy tuyệt đối với nghề, được đàng hoàng sống cùng những xúc cảm dồi dào, những đam mê không thể thiếu của trái tim lãng mạn... Đứng dậy sau nỗi buồn, người phụ nữ nhỏ bé ấy lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dường như luôn có một ngọn lửa hừng hực, chất chứa sức mạnh của tình yêu sân khấu cháy bỏng trong trái tim bà để những Romeo và Juliet, Othenlo..., Cuộc đời tôi, Vũ Như Tô v.v... ra đời mang theo nỗi háo hức, hy vọng, những khám phá mới mẻ và cả những tranh cãi xôn xao trong khán giả và giới nghệ sỹ... Từ những cống hiến lớn lao ấy, năm 1998 bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.

Phạm Thị Thành (người thứ nhất bên phải sang) trong vở kịch “Sài Gòn rực lửa” của Ngô Y Linh tại chiến trường B năm 1969. Ảnh do nhân vật cung cấp
Phạm Thị Thành (người thứ nhất bên phải sang) trong vở kịch “Sài Gòn rực lửa” của Ngô Y Linh tại chiến trường B năm 1969. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến nay, bà đã dựng trên 200 vở cho nhà hát, bao gồm nhiều thể loại: kịch, chèo, tuồng, cải lương, ca kịch, trong đó có 17 vở đoạt HCV. Mấy năm gần đây bà thôi không làm kịch nữa mà chuyển hẳn sang làm đạo diễn lễ hội. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối nhưng với bà đó là một bước tiến. Bà là người viết kịch bản và đạo diễn các lễ hội lớn như: 990 năm Thăng Long; Kỷ niệm 50 năm thành lập nước; Lễ hội Nam Giao (Huế); Kỷ niệm 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 580 năm La Giang - Đức Thọ… Bước chân của người nghệ sỹ nhỏ nhắn ấy lại bôn ba khắp nẻo Bắc, Nam và lòng luôn hướng về quê cha đất tổ. Bà nói với chúng tôi: “Mấy năm gần đây thấy Hà Tĩnh có nhiều lễ hội lắm, tôi cũng muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương. Dù bận mấy, chỉ cần gọi là tôi sẽ về ngay”. Tôi hiểu đó là một ước nguyện rất chân thành của đứa con sớm phải ly hương.

Vĩ thanh

Sau những bận bịu với những sự kiện, với những đạo cụ sân khấu, những cảnh này, màn nọ… bà lại trở về bình yên trong căn hộ của mình cùng cô con gái và cháu ngoại. Mối tình đầu và cuộc hôn nhân duy nhất kéo dài 10 năm với NSND Đào Mộng Long đã để lại cho bà 2 đứa con thành đạt lẫn nỗi cô đơn dằng dặc… Dẫu vậy bà vẫn luôn nói rằng cuộc đời mình thế là hạnh phúc và không có chỗ cho nỗi buồn. Yêu đời và sống hết mình cho hiện tại nên cuộc sống riêng của bà rất lãng mạn và không kém phần sôi nổi. Chẳng những thế mà căn hộ của bà được bài trí rất nghệ sỹ, vừa có sự hoài niệm cổ xưa vừa mang tính hiện đại, vừa đậm chất Á Đông vừa có hơi hướng phương Tây mà vẫn hài hòa, hấp dẫn khách tới thăm. Mỗi ngày, sau những căng thẳng công việc bà vẫn ngồi mơ mộng bên khung cửa sổ trong phòng ngủ rộng nhìn ra bầu trời mà mường tượng về những nhân vật, những tác phẩm...

Miệt mài nghiên cứu trong không gian riêng của mình. Ảnh: AH
Miệt mài nghiên cứu trong không gian riêng của mình. Ảnh: AH

Vẫn một mình trầm tư bên ly rượu cạnh quầy bar nơi căn bếp sang trọng rồi run lên hạnh phúc mỗi lần chiếc chuông gió reo lên như âm thanh của miền nào xa thẳm tới thăm ngôi nhà của bà…Vẫn hồn nhiên reo lên như đứa trẻ mỗi sáng mai thức giấc thấy giò hoa sao ngoài ban công trổ bông trắng muốt… Để sau giây phút yếu mềm ấy, bà lại trở lại là một người phụ nữ mạnh mẽ, năng động, tiếp tục cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Vì nơi đó luôn cần một trái tim yêu rực lửa như bà...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast