Người mang bình yên cho làng biển

Một buổi chiều mùa hè lộng gió, thả bước thong dong trên con đê dài chắn sóng của xã Xuân Hội – Nghi Xuân(Hà Tĩnh) chúng tôi cảm nhận được sự mênh mông và bình yên của biển. Trong ngút ngát rừng phi lao xanh vi vút bên bờ đê ấy có ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng ông Lán. Người dân Nghi Xuân thường gọi đây là “bến ông Lán”, “rừng ông Lán”… Và ông Lán được coi là người mang lại sự bình yên cho miền quê biển nơi đây.

Quá khứ cơ cực…

Căn nhà tuềnh toàng, giường chiếu quạnh hiu, 11 đứa con giờ đã mỗi đứa một phương còn lại hai người già vui sống bên nhau. Ông Nguyễn Lán năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Từ dáng người đậm chắc, nước da suộm vàng, giọng nói nằng nặng đều toát lên vị mặn mòi của biển. Có lẽ bất kỳ ai khi tiếp xúc với ông cũng cảm nhận được sự tin cậy và khả năng chở che từ người đàn ông ấy. Ông nói: “Nhà tôi xưa kia ở mãi trong làng, nghèo lắm. Tuổi thơ của tôi gắn liền với việc ở đợ làm thuê cho những nhà giàu. Cơ cực và khổ nhục lắm cháu ạ”. Năm 17 tuổi ông nhập ngũ, lên đường đánh giặc. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về làng, lấy vợ sinh tới 11 đứa con và lại tiếp tục cuộc mưu sinh bằng những ngày làm thuê, cuốc mướn để chèo chống gia đình. Cuộc sống khó khăn khiến ông nhiều đêm trăn trở tìm hướng làm ăn nhưng ở làng quê ông lúc bấy giờ điều đó không dễ dàng gì. Năm 1985, theo lời mách nước của một người bạn ông Lán cùng 3 đứa con trai đầu lên huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) làm kinh tế mới nhưng đã sớm thất bại. “Người miền biển không thể sống ở núi được cháu ạ. Nên 8 ngày sau cha con lại dắt díu nhau trở về làng. Về nhà tôi nghĩ mãi, mình sinh ra ở miền biển, sao không dựa vào biển mà sống, biển chắc chắn sẽ không bỏ mình đâu, rồi tôi quyết định ra biển. Cứ đi thế thôi chứ cũng không biết sẽ làm gì ngoài đó vì không có một đồng vốn nào” – ông nói.

Ông Lán đang phơi lưới chuẩn bị chuyến đi toi mới cho bà con
Ông Lán đang phơi lưới chuẩn bị chuyến đi toi mới cho bà con

Có một bến ông Lán nghĩa tình….

Năm 1986, cả nhà ông Lán đã ra dựng lều giữa trảng cát trắng thuộc xóm Hội Thành II và bắt đầu sinh sống bằng nghề đi đan lưới thuê cho ngư dân ở đây. Công việc tuy vất vả nhưng cũng cải thiện được cuộc sống. Sau hơn 1 năm tích cóp, ông đã có đủ tiền để đan những tấm lưới đầu tiên cho gia đình mình, từ hàng chục, đến hàng trăm và hàng nghìn cái lưới đã được đan bằng sức lao động và sự tích cóp, chắt chiu của vợ chồng ông để các con không phải đi đan lưới thuê nữa mà ra biển kéo lưới toi bắt cá, bắt tôm (những nhà nghèo đi biển không có điều kiện sắm thuyền ra khơi đánh cá đều làm nghề kéo lưới toi - tức là kéo lưới quanh quẩn gần bờ- P.V). Cuộc sống gia đình ông dần thoát nghèo và bắt đầu có của ăn của để. Lâu dần, những người nghèo trong làng thấy cha con ông Lán “sống được” nhờ việc kéo lưới toi nên xin theo, ông Lán vui vẻ nhận lời và giúp đỡ họ rất nhiệt tình. Ban đầu chỉ có 30 người phụ nữ neo đơn và trẻ nhà nghèo theo cha con ông, sau đó thì tăng lên 50 rồi 70 và trăm người. Nhà ông trở thành bến neo đậu cho những cuộc đời nghèo khó trong làng.

Giờ đây tuy đã già nhưng ông Lán vẫn chưa bỏ công việc của mình, ông không trực tiếp ra biển kéo lưới toi nữa nhưng vẫn là nơi cung cấp lưới cho bà con làm nghề. Chính vì thế, trong nhà, ngoài sân chỗ nào cũng giăng đầy lưới và lưới. Trong căn nhà tuềnh toàng đó, chúng tôi còn thấy một chiếc đèn bão cũ kỹ treo nơi góc nhà. Chính cái đèn đó khiến ông Lán “nổi tiếng” hơn, được nhiều người nhớ đến với sự hàm ơn lớn lao. Từ ngày ra đây ở, chẳng ai bảo, ông đã sắm cây đèn này để mỗi bận biển vào mùa bão là ông lại xách đèn treo lên ngọn cây phi lao cao nhất sát bờ biển làm hoa tiêu cho thuyền tìm được đường vào. Ông cho biết: “Nhờ chiếc đèn ấy mà tôi đã cứu được 34 người trôi dạt từ biển vào, ngoài ra còn là nơi che chở cho rất nhiều người đi tìm người nhà bị nạn trong những đêm bão gió nữa”. Nó còn hơn cả đèn điện vì mỗi khi bão thường mất điện còn nó vẫn sáng. Chính vì thế ông giữ gìn, chăm chút cây đèn rất cẩn thận. Nó chính là ngọn đuốc lương tâm của ông.

Và một cánh rừng ông Lán bao dung…

Năm 1978, nhân dân xã Xuân Hội bị một con bão biển nổi sóng thần quật vào làng làm nhà cửa, làng mạc tan hoang, ký ức về những ngày kinh hoàng đó còn ám ảnh ông mãi nên ngay từ những ngày đầu ra bãi cát này định cư ông Lán đã nghĩ tới việc trồng cây chắn bão. Được xã cho phép trồng cây phi lao ngoài bờ biển, ông đã hăm hở đi mua cây giống về trồng, mỗi ngày ông trích 20% số tiền kiếm được để mua cây giống.

Ông Lán giữa rừng phi lao của mình
Ông Lán giữa rừng phi lao của mình

Cứ thế, dần dần ông đã phủ xanh cả một trảng cát bạc trắng rộng xấp xỉ 10 ha này. Và rừng phi lao của ông trở thành rừng cây chắn sóng, chắn gió cho cả làng. Chạy qua rừng cây của ông là con đê chắn sóng vậm vạp dài 3km từ Xuân Phổ qua Xuân Hội, hồi con đê được nâng cấp lại, mở rộng chân đê, ông phải chặt mất bao nhiêu là cây. “ Biết là phải chặt và được đền bù nhưng đau lòng lắm cháu ạ, mỗi cây là một cuộc đời, mà mình lại gắn bó với nó rất nhiều” - ông Lán ngậm ngùi. Tuy đã có đê chắn sóng nhưng cả làng và cả con đê cũng vẫn rất cần sự bảo vệ từ rừng phi lao của ông, chính vì thế người làng Hội Thành II không chỉ khâm phục mà còn biết ơn ông rất nhiều.

Rời căn nhà nhỏ hết sức tuềnh toàng bên bờ biển ì oàm sóng ấy, chúng tôi cứ trăn trở một điều: ông Nguyễn Lán – một người nông dân thuần phác, đậm chất biển cả có thể không biết đến cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay và những việc ông đã và đang làm không phải để hưởng ứng phong trào đó. Nhưng với chúng tôi thì ông chính là một tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast