Người ra đi, tình còn đọng mãi

Cơn lũ đi qua, những “vết thương” đang dần nguôi ngoai, nhưng với người dân xã Đức Hương (Vũ Quang) nỗi đau vẫn còn đó. Bà con, chòm xóm vẫn nhớ như in hình ảnh của ông Phạm Văn Hóa, trong lúc lo cứu người, cứu tài sản cho bà con trong xã đã bị nước lũ cuốn trôi.

Đã hơn 10 ngày nay, kể từ ngày Ông Phạm Văn Hóa, vì nghĩa cử cao đẹp, đã vĩnh viễn lìa xa trần thế, bà Lê Thị Đường vẫn chưa hết đau thương. Bà Đường cứ như người mất hồn, đi vào đi ra. Còn đứa cháu nội đang tập nói cứ hỏi mẹ sao mấy hôm không thấy ông nội đâu... Nghe cháu hỏi, bà và các con chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Bà Đường kể về cái ngày định mệnh ấy trong nước mắt: “Trưa hôm đó, trời mưa rất to. Vừa bỏ bát cơm, thấy nước lên nhanh quá, ông nhà tôi vội chạy ngay ra thuyền. Ông nói, nước lên nhanh thế này sẽ có nhiều nhà không kịp trở tay. Không kịp khoác chiếc áo mưa ông chèo thuyền đi mất hút. Cho đến khi nghe hàng xóm về báo tin dữ, tôi mới hay ông ấy đã không còn nữa!”

Những đứa con trước bàn thờ của ông Hóa
Những đứa con trước bàn thờ của ông Hóa

Ông Nguyễn Văn Lệ, một trong những người dân được ông Phạm Văn Hóa cứu nhớ lại: “Khi nước lũ lên nhanh, ông ấy không ngại nguy hiểm, tuổi cao, chèo thuyền khắp xóm cứu người, cứu của. Lúc đó, khoảng gần nửa đêm, nhà tôi cũng đang ngập chìm trong nước lớn. Tôi và mấy đứa con đang vật lộn trong nước thì lúc đó ông Hóa cùng mọi người nhanh chóng chèo thuyền đến giúp gia đình tôi đến nơi an toàn. Vậy mà giờ đây, ông Hóa lại là người bị dòng nước lũ cuốn đi. Gia đình tôi và dân làng này mang ơn ông suốt đời!”.

Ngày 17/10, khi cơn lũ ập về, xóm Hương Phố, nơi ông ở có hàng trăm hộ dân, đa số là người già và trẻ nhỏ ngập chìm trong biển nước. Ông Hóa, vốn xưa nay là người sống luôn có trách nhiệm với mọi người, nên dù nước to ông cũng không ngại chèo thuyền đi khắp xóm giúp đỡ những gia đình neo người. Đêm xuống nước lên rất nhanh, chỉ một lúc nước đã lên cao tận nóc nhà. Đi cứu người, cứ chỗ nào có tiếng kêu cứu là ông cho thuyền tấp vào. Ông chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ tìm cách làm sao đưa mọi người nhanh đến chỗ an toàn. Hàng chục người đã được ông cứu thoát khỏi vòng nguy hiểm. Mãi lo cứu người, nước càng lúc càng dâng cao, kiệt sức vì nước bạc và đói rét, ông đã bị cuốn theo dòng lũ dữ.

Mãi không thấy cha về, người con cả của ông, anh Phạm Thanh Hải vội vã đi tìm, hỏi làng trên xóm dưới ai cũng bảo ông Hóa vừa mới giúp chúng tôi rồi đi nhà khác rồi. Linh tính mách bảo có chuyện không hay với cha mình, anh Hải gọi bà con chòm xóm đi tìm cha mình giữa mênh mông biển nước.

Giữa biển nước mênh mông, cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng. Mãi đến 3 ngày sau, người ta mới phát hiện xác ông nằm lạnh lẽo, bị kẹt giữa lùm cây cách nhà chừng 800m. Hàng trăm người dân Đức Hương đội mưa, chèo thuyền giữa dòng nước lớn tiễn đưa về cõi vĩnh hằng. Họ đã khóc để tiếc thương cho con người đã hy sinh cả tính mạng để cứu người.

Chủ tịch xã Đức Hương - Lê Văn Lợi cho biết: “Sau bao nhiêu năm ở chiến trường trở về quê hương và mang trên mình vết thương của chiến tranh, nhưng ông Hóa luôn lưu giữ mãi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Ông là một cựu chiến binh - thương binh gương mẫu, một công dân tốt ở địa phương. Ông Hóa đã đánh đổi mạng sống của mình để người khác được bình an. Người dân Đức Hương suốt đời sẽ ghi nhớ công lao của ông”.

Với 57 tuổi đời, hơn 30 năm tuổi đảng, một con người vào sinh ra tử nơi chiến trường trở về giửa đời thường vẫn sáng ngời phẩm chất cao quý. Dẫu biết rằng, sự sống và chết là tất yếu của cuộc sống, nhưng những con người như cựu chiến binh Phạm Văn Hóa đáng được vinh danh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast