Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội) vào đúng dịp kỷ niệm 106 năm Quốc tế Phụ nữ 8/3, cảm xúc tự hào và niềm hứng khởi dâng lên trong tôi. Truyền thống nghìn năm của phụ nữ Việt Nam hòa quyện với nhịp sống đương đại và những nét đẹp dung dị của đời sống hiện lên qua từng hiện vật trưng bày.

Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 1
Bức tượng dát vàng “Người mẹ Việt Nam” tại gian chính của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Cùng hòa nhịp bước chân với tôi có rất nhiều bước chân của các nữ quân nhân, các đoàn đại biểu phụ nữ đến từ các tỉnh và đặc biệt rất nhiều du khách nước ngoài. Vẻ sang trọng, vừa hiện đại, vừa cổ kính của tòa nhà tọa lạc gần các địa chỉ văn hóa của Thủ đô là một điểm nhấn trong hành trình du lịch thu hút du khách… Khu nhà chính bao gồm các gian trưng bày thường xuyên theo các chủ đề: Phụ nữ trong gia đình (hôn nhân - cưới hỏi, sinh đẻ); trang sức nữ và phụ nữ trong lịch sử (các nhân vật lịch sử, các chặng đường phát triển của đất nước từ năm 1945 đến nay và Bà mẹ Việt Nam anh hùng) và gian trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu...

Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 2
Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 3
Du khách tham quan bảo tàng.

Ấn tượng đầu tiên với du khách là bức tượng dát vàng khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam bồng con, vẻ mặt phúc hậu và chan chứa yêu thương. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hết sức thú vị. 8/3 năm nay cũng là dịp Bảo tàng tổ chức lễ đón nhận bức ảnh: “Nụ cười ẩn giấu” của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehanhn trao tặng.

Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 4
Nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn tặng bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” nổi tiếng cho Bảo tàng.

Cuộc gặp gỡ giữa nhiếp ảnh gia và vợ chồng bà Bùi Thị Xong, một người chèo đò ở Hội An, nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng cùng giới truyền thông đã làm cho tòa nhà ấm áp và rộn ràng hẳn lên. Trong tà áo dài Việt Nam thanh lịch và mái tóc búi gọn, ít ai nhận ra cụ bà rám nắng chèo thuyền có nụ cười bị che khuất bởi hai bàn tay nhăn nheo đã được báo chí Mỹ bình chọn là “Cụ bà đẹp nhất thế giới”. Tôi chợt liên tưởng tới những người phụ nữ Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Duyên dáng và lịch lãm, sang trọng, thế nhưng, trở về đời thường, họ đều là những người phụ nữ tảo tần, bình dị và đoan trang, luôn chất chứa tình yêu thương và niềm lạc quan đáng kính. Và những hình ảnh trong Bảo tàng đã phản ánh rất rõ điều đó.

Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 5
Một du khách nước ngoài trao đổi về hiện vật.

Tôi lặng lẽ đi theo bước chân của một du khách nước ngoài đến từ nước Ý. Ông ngắm rất kỹ những hình ảnh trong gian trưng bày Phụ nữ trong gia đình. Hình như hình ảnh những đám cưới Việt truyền thống, chiếc nôi tre, những nồi đất, bồ kết, giường cưới của vợ chồng người dân tộc và câu ca dao: Vợ chồng như đũa có đôi… cùng những hình ảnh của gian Tín ngưỡng thờ Mẫu đã khiến ông ngạc nhiên, thú vị. Xung quanh tôi còn rất nhiều người nước ngoài khác. Một du khách thích thú cầm chiếc cần cối xay ngô của đồng bào Tây Bắc quay. Nặng quá, chốt sắt gồng lên, quay không được, chúng tôi phải giúp. Ông cười thích thú. Nhiều du khách khác thì say sưa với những bức tranh trưng bày trong cuộc thi hý họa vừa được tổ chức.

Nhân lên giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam ảnh 6
Du khách nước ngoài thể nghiệm quay cối xay bột.

Bước sang tòa nhà bên phải là những phòng khám phá dành cho trẻ em với mục đích tạo cơ hội phát triển kỹ năng, nghiên cứu, giao tiếp, thuyết trình. Ở đây có những phòng tập các kỹ năng truyền thống của phụ nữ như làm nón, nấu ăn và đặc biệt là nặn bột, chơi ô chữ… cho trẻ. Đây cũng chính là điểm mới của Bảo tàng thu hút đông du khách, hài hòa giữa nét cổ xưa với cuộc sống hiện đại. Cùng vào với tôi có rất đông cháu nhỏ của một trường mầm non. Các cháu vào để được xem những bức ảnh và chơi trò chơi.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng cho biết: Bảo tàng phụ nữ trực thuộc Hội LHPN Việt Nam. Bảo tàng tọa lạc trong khuôn viên 1.500 m2, với gần 1.000 hiện vật. Nhiệm vụ của Bảo tàng là nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những di sản vật thể và phi vật thể về lịch sử, văn hóa của Hội LHPN Việt Nam. Bình quân hàng năm, Bảo tàng đón 300.000 lượt du khách đến thăm. Bảo tàng đã được tạp chí Tripadvisor (một website du lịch nổi tiếng thế giới) bình chọn là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2012.

Được biết, ngoài trưng bày các di sản phi vật thể là hình ảnh ghi lại những tiết mục dân ca các vùng miền, nghi lễ truyền thống, hàng năm, Bảo tàng còn tổ chức các cuộc biểu diễn ca trù, dân ca đồng bằng Bắc bộ, chèo… nhằm tái hiện những sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mà phụ nữ Việt Nam là những người lưu truyền.

Một ngày đặc biệt ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã để lại trong tôi những cảm giác thú vị. Chợt nghĩ đến những phụ nữ Hà Tĩnh kiên trung, bất khuất trong quá khứ và năng động, đổi mới trong hiện tại, tôi mong có ngày hình ảnh của họ được xuất hiện nhiều hơn ở bảo tàng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast