Nhận lỗi, khó thế sao?!

Nhà chị Thi có cái ao rộng dễ đến gần sào đất. Dưới ao thả cá, thả sen. Trên bờ trồng chuối và một số cây ăn quả tỏa bóng xuống mặt ao. Ngay chỗ bờ ao giáp ranh với nhà chị Lưu hàng xóm, chị Thi còn trồng mấy gốc bí, ngọn vươn mập mạp, leo lên giàn sát mép ao. Thật là một kiểu tận dụng “kinh doanh đất và ánh sáng” nhiều lãi mà không mất tiền. Đó là chưa kể đến mấy tổ ong và chuồng chim bồ câu đặt ở dưới bóng cây râm mát… Có người gọi đấy là mô hình V.A.C độc đáo, kể cũng không ngoa.

Giờ thì giàn bí lủng lẳng hàng chục quả, từng ngày lớn lên trông thấy như những chiếc chày lơ lửng trên mặt ao. Ai nhìn qua cũng sướng mắt. Có điều, làm ra chưa kịp mừng thì thỉnh thoảng mất một vài quả, rõ bực! Của không là bao nhưng như thế thì tệ quá. Chỉ có láng giềng với nhau, chứ chẳng phải ai ở đâu đến đây mà hái trộm quả bí. Nghĩ vậy, chị quyết tâm “bắt tận tay, day tận cánh” kẻ gian.

Ảnh minh họa từ Internet
Ảnh minh họa từ Internet

Múc nước rửa rau ở giếng nhưng chị Thi luôn liếc mắt về phía cuối vườn. Ở đó, anh em nhà thằng Sơn con chị Lưu vừa nô đùa đuổi nhau ở ao nhà nó rồi quay sang tắm táp, ngụp lặn bên ao nhà chị. Bị bụi dong giềng che tầm nhìn, chị đứng dậy tìm chỗ dễ quan sát. Đúng lúc chị thấy thằng Sơn vừa bơi vừa ôm một quả bí to tướng. Chị định chạy lại “bắt tận tay” thì nó thốt lên:

- Ôi! Bắt được quả bí này!…

Chị Thi vừa kịp tới nơi, mặt giận dữ:

- Bí! Bí với bầu nào mà nhà mày bắt được ở đây. Đồ ăn trộm! Hai năm rõ mười rồi nhé.

Không để Sơn kịp thanh minh, chị Thi nắm tay lôi xềnh xệch về nhà, giao cho mẹ nó:

- Chị Lưu này, chị dạy bảo cháu đi! Tắt mắt ở đây không sao, chứ đi ra thiên hạ mà giở thói trộm cắp thì người ta không để cho yên đâu!

Chị Lưu biết “con dại cái mang” nhưng vẫn dè dặt nói:

- Mong chị thông cảm, để rồi tôi sẽ hỏi và dạy cháu…

Chị Thi gay gắt :

- Còn phải hỏi gì nữa! Không lẽ tôi đặt điều cho nó? Đấy, chị xem, quả bí cuống còn tươi rói là gì!…

Quá tức giận vì đứa con hư hỏng làm lòng tự trọng của mình bị tổn thương, vả lại, xưa nay, chị Lưu có bao giờ thấy con lấy cái gì của ai nếu không được cha mẹ đồng ý đâu. Thế là thằng Sơn bị mẹ đánh cho một trận nên thân. Nó khóc lóc thổn thức, nước mắt vắn dài nhưng không van xin lấy nửa lời.

Lạ thế! Mấy hôm sau, bí của nhà chị Thi vẫn bị “mất trộm” như có kẻ tàng hình đột nhập. Bán tin bán nghi, chị quan sát tìm hiểu xem xét kỹ, đến cuối góc ao, chị thấy mấy quả bí lềnh bềnh trong đám bèo. Ngẩng lên nhìn giàn bí, thấy nhiều vết cắn nham nhở. Chị đột nhiên thốt lên: “Thì ra thủ phạm là lũ chuột!”.

Chị Thi kể chuyện này với chồng, anh Thư vội bảo :

- Vậy là tội mất không bằng tội ngờ. Oan cho thằng Sơn quá! Em phải sang xin lỗi và thông cảm với chị Lưu và cháu đi.

- Chị Thi do dự:

- Không dưng mình sang xin lỗi, có mà người ta chửi vào mặt cho. Danh dự mình còn đâu, chẳng ai dại gì!

Anh Thư vẫn ôn tồn :

- Em sợ danh dự của mình bị mất, thế thì danh dự của thằng Sơn bị xúc phạm thì ai đền cho nó? Anh nghĩ, nếu không nói điều này ra thì quan hệ hai bên sẽ rất nặng nề, lòng mình không bao giờ thanh thản được! Song, chị Thi vẫn không chịu nghe lời chồng và giữ ý kiến của mình:

- Chuyện đã qua rồi. Nào ai có khảo mà mình lại xưng, đừng nên nhắc lại nữa. Chị Lưu đâu biết những quả bí bị chuột cắn. Nếu biết, hóa ra mình là người vu khống, là gieo oan giáng họa hay sao. Thôi cứ im lặng là thượng sách!...

Thế mới biết buộc tội cho người khác để bảo vệ quyền lợi của mình thì dễ, còn nhận lỗi về mình (dù là lỗi do vô tình, không cố ý) quả khó lắm thay!?

(Quỳnh Lập - Quỳnh Lưu - Nghệ An)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast