Nhiều tỷ phú Việt không nhận thù lao

Là chủ tịch hội đồng quản trị của những tập đoàn lớn với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều tỷ phú Việt nhận thù lao 0 đồng.

Báo cáo tài chính bán niên không chỉ tiết lộ các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp mà cả thu nhập cho những người đứng đầu. Trong đó, nhiều tỷ phú Việt, những chủ tịch hội đồng quản trị của các tập đoàn lớn, đều không nhận thù lao.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên của Tập đoàn Vingroup (VIC), doanh nghiệp này đã chi hơn 24 tỷ đồng thù lao cho các thành viên lãnh đạo, gồm Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác.

Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên Hội đồng quản trị không nhận thù lao. Báo cáo cũng cho biết, tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2021. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Chủ tịch Vingroup hiện có tài sản gần 5 tỷ USD.

Nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt hơn 31.600 tỷ đồng, giảm gần nửa so với cùng kỳ chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%; y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong sáu tháng đầu năm nay của tập đoàn đạt gần 3.500 tỷ đồng.

Nhiều tỷ phú Việt không nhận thù lao

7 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes năm nay. Đồ họa: Tạ Lư

Tương tự Chủ tịch Vingroup, nhiều tỷ phú Việt khác cũng không nhận thù lao.

Báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, khoản chi các nhân sự HĐQT là hơn 17 tỷ đồng.

Các khoản chi lương và thưởng cho các lãnh đạo của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm vì thế cũng giảm mạnh, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, bằng một phần tư cùng kỳ, chủ yếu cho các thành viên ban giám đốc.

Nửa đầu năm nay là một giai đoạn khó khăn cho Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung. Quý II, Hòa Phát chỉ lãi hơn 4.000 tỷ, giảm mạnh so với mức 9.700 tỷ của cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước.

Kết quả này cũng được phản ánh qua đà giảm của giá cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, thép là một trong những nhóm bị điều chỉnh mạnh nhất. Riêng cổ phiếu HPG đã giảm gần 35%, khiến tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hiện còn 2 tỷ USD, giảm 1,2 tỷ USD so với số liệu Forbes công bố trước đó .

Một tỷ phú khác là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) cũng không nhận thù lao.

Báo cáo tài chính kiểm toán của Masan cho biết, doanh nghiệp này đã chi gần 106 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên quản lý chủ chốt trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn không nhận thù lao.

Việc không nhận thù lao với các thành viên HĐQT Masan đã diễn ra từ năm 2020 đến nay.

Tại Techcombank, báo cáo tài chính kiểm toán cho biết, nhà băng này đã chi ra hơn 210 tỷ đồng trả thù lao cho nhân sự lãnh đạo. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhận về gần 19 tỷ đồng.

Tương tự, với Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam và các thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc nhận tổng thu nhập 12,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Với Novaland, quỹ lương và các phúc lợi khác cho các thành viên lãnh đạo chủ chốt trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 10,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm trước. Ngoài ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch, Hội đồng quản trị NVL còn 5 thành viên khác.

Trên thế giới, việc các CEO, lãnh đạo các tập đoàn lớn không nhận thù lao hoặc nhận mức lương tượng trưng 1$ không phải điều lạ. Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg, CEO Tesla - Elon Musk, co-founder Google - Larry Page và Sergey Brin, hay trước đó là nhà đồng sáng lập Apple - Steve Jobs là những cái tên nổi bật góp mặt trong câu lạc bộ tỷ phú nhận lương 1 USD.

Trên thực tế, thù lao chỉ là một phần trong tổng gói thu nhập mà họ có thể sẽ nhận được. Dựa trên kết quả kinh doanh hoặc các điều khoản riêng trong hợp đồng, các CEO còn nhận thu nhập từ quyền chọn mua cổ phiếu, cổ phần thưởng hoặc các khoản thưởng liên quan đến mục tiêu về hoạt động kinh doanh. Việc nhận thù lao tượng trưng nhưng họ nhận về hàng trăm triệu USD từ các khoản thưởng cổ phần còn do chênh lệch về thuế thu nhập.

Điều này cũng tương tự với các tỷ phú Việt.

Mặc dù khoản thù lao hàng năm có thể đạt hàng tỷ đồng, phần chi trả lương và thưởng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập của họ.

Với vai trò vừa là quản lý, nhưng cũng vừa là những cổ đông lớn tại những tập đoàn này, phần cổ tức hàng năm, cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và các khoản phúc lợi khác có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, gấp nhiều lần thù lao.

Nhiều tỷ phú Việt không nhận thù lao
Theo Minh Sơn/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast