Nhịp điệu Vũng Áng

Bạn tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng vừa ở Vũng Áng về khoe với tôi chùm ảnh chụp ở khu kinh tế Vũng Áng với nét mặt hồ hởi, rắn rỏi tuy có chút phờ phạc vì anh thức mấy đêm liền trên công trường...

Đêm trên công trường Vũng Áng
Đêm trên công trường Vũng Áng

Cũng lạ, phần lớn ảnh anh chụp về ban đêm điều mà giới nhiếp ảnh rất "kị" vì sự phức tạp trong xử lí ánh sáng. Trần Hướng bảo tôi: "Ông là nhà thơ nên đến với đêm Vũng Áng mới thấy cái lung linh, kì diệu giàu chất thơ ở đó". Tôi mới chợt hiểu ra: Tốc độ làm việc ở công trường Vũng Áng đêm cũng như ngày đang vào giai đoạn cao trào, mỗi ngày qua đi là một sự đổi thay nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của mình. Tôi may mắn được vào "tổng hành dinh" của cơ quan điều hành dự án của Tập đoàn Formosa Đài Loan khi được đi với đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh.

Cách đây không lâu, tôi cùng nhạc sĩ Ngọc Thịnh đến Vũng Áng theo lời mời của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh viết bài hát cho ngành. Vũng Áng lúc đó còn ngổn ngang với mặt bằng tổng thể chia ô, chia lô cho các nhà máy vệ tinh ôm choàng lấy cảng biển nước sâu xanh thẳm. Trong văn phòng đại diện của cảng vụ tại Vũng Áng mấy thanh niên đẹp trai, vui tính ngồi trước giàn máy tính hiện đại. Tôi bất chợt nhìn thấy màu xanh nước biển hiện ra nhấp nháy cùng với tiếng khàn khàn của máy bộ đàm, nghe rõ cả tiếng hoa tiêu đang chỉ dẫn cho tàu lớn cập cảng an toàn.

Ngọc Thịnh đưa ra một nhận xét khá thú vị khi thấy con tàu lớn đang chịu sự điều khiển dẫn dắt của chiếc ca nô như chiếc xe tăng lội nước "Con Nghé đang dắt con Trâu đây !". Thì ra cái tâm thức nông nghiệp đã ngấm vào sâu thẳm tâm hồn chàng nhạc sĩ có những câu ca rất hay: "Cái Cò, cái Vạc, cái Nông - Không lỡ làm đau cây lúa". Chúng tôi gặp ở đây những ông khách người Đài Loan đầu húi cua, thâm thấp, mắt một mí nói tiếng Việt trọ trẹ bắt tay chúng tôi - những ngón tay ngắn hơi mập, đặc biệt rất mềm và ấm nóng, khuôn mặt người nào cũng phúc hậu như pho tượng Phật đầy thiện cảm và khiêm nhường.

Con đường nhựa bê tông chẻ đôi ngọn núi đưa chúng tôi đến Nhà máy nhiệt điện đang xây dựng, ống khói khổng lồ vươn lên trời. Nhạc sĩ Ngọc Thịnh gọi đó là ''cây khói". Có những "cây khói" ngoài biển trên các con tàu hàng vạn tấn lại có những "cây khói" trên đất liền bên bến cảng. "Cây khói" thả trầm tư những làn khói mơ màng, bảng lảng trong sương sớm.

Nhịp điều công trường
Nhịp điều công trường

Trong tiếng Việt cổ, "Áng" có nghĩa là bị che khuất, chưa lộ diện. Trong lần trò chuyện với nhà báo Hoàng Anh Minh - Phóng viên báo Đầu tư, anh cho biết: "Tờ báo PhUcha Tkan (Thái Lan) cho rằng Việt Nam xây dựng khu kinh tế mới ở Vũng Áng là cửa ngõ nối đến miền Trung của Lào thông qua quốc lộ 8 và quốc lộ 12, phát triển cảng nước sâu Vũng Áng trở thành điểm vận tải hàng hóa có khả năng đón các tàu từ 40 nghìn đến 50 nghìn tấn tạo ra sự cạnh tranh với cảng Klong Toey của Thái Lan - Đây sẽ là khu kinh tế số 1 xuất nhập khẩu lớn nhất Đông Nam Á". Tôi nhìn ra xa những rặng núi xa mờ vừa ảo ảnh, vừa kì bí như một vòng tay xanh ôm trọn khu kinh tế Vũng Áng vào lòng mình, vào lòng đất mẹ thân thương nơi vùng đất khô cằn sỏi đá với áp lực thiên nhiên khắc nghiệt. Vùng đất phên giậu này khi xưa là bãi đất chiến trường. Có lẽ cái tên Vũng Áng bắt nguồn từ cái làng Vạn Áng chăng?

Lại nhớ cách đây 5 năm, tôi vào xã Kỳ Thịnh để viết về "Giải phóng mặt bằng", một vấn đề gay cấn thời sự nóng hổi thu hút sự quan tâm của mọi người. Qua ngã ba rẽ xuống cảng Vũng Áng 2km là đường vào xã Kỳ Thịnh. Tôi đã nhiều lần đi qua đây, những vùng đồi trập trùng bạt ngàn sim mua và đá sỏi. Những quả sim chín mọng treo như những giọt mật mà đám trẻ con bán cho khách qua đèo Ngang. Chợt núi rồi chợt biển.

Sách "Phong thổ các huyện tỉnh Hà Tĩnh", tri huyện Kỳ Anh Lê Đức Trinh (niên hiệu Bảo Đại năm thứ 5) viết: Giới hạn huyện Kỳ Anh phía Đông đến tận biển khoảng 8km, phía Tây đến Hương Khê 36km, phía Nam đến Quảng Bình 31km, phía Bắc đến Cẩm Xuyên 22km. Dân trong hạt vốn tính thuần phát phong tục đôn hậu, chăm nghề ruộng nương, cầu an thủ cựu, không thích tranh cãi". Còn sách "An - Tĩnh cổ lục" của học giả người Pháp Le Breton - một nhà giáo nhiều năm dạy học ở trường Quốc học Vinh thì nhận xét rằng: "Xét về phương diện địa chất nguồn gốc của miền này được chứng minh bởi những đồi bị nước biển xâm thực làm mòn dần, những đồi cát có di hóa thạch và những lớp sò chôn dưới dất.

"Xứ này" trong một thời gian mấy thế kỉ là đất biên giới ngăn cách Chăm pa và An Nam nhất là vào thế kỉ thứ X và thế kỉ thứ XVII đất Kỳ Anh lại đóng vai trò nổi bật trong lịch sử nước Đại Việt". Gặp anh Trương Văn Đình - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Kỳ Thịnh, tôi hỏi:

- Trong việc giải phóng mặt bằng ở đây khó khăn nhất là gì?

- Đó là việc bốc di dời mộ là cả vấn đề tâm linh. Xã Kỳ Thịnh di dời đến 3 nghìn ngôi mộ về nghĩa trang mới cách xã 7km.

Lâu nay ta mới nghe sách báo nói về việc di dời nhà chứ ít khi nói đến bốc mộ. Thế mà Kỳ Thịnh đã giải quyết thật gọn ghẽ, ổn thỏa cả về tâm linh lẫn môi trường. Ở Kỳ Anh cho đến nay đã di dời tái định cư 4.652 hộ, cất bốc 18.813 ngôi mộ. Có nơi di dời cả một nhà thờ Thiên chúa giáo và cả huyện có 50 nhà thờ họ đền chùa miếu mạo cũng đã được dời đến chỗ mới khang trang giữ nguyên được những nét kiến trúc cũ. Tôi băn khoăn hỏi anh Đình:

- Thế tương lai xã Kỳ Thịnh khi di dân thì đi về đâu?

- Sẽ có một khu tái định cư mới - Anh Đình khẳng định - Ở vùng lối Rậm (thôn Tây Yên) diện tích 5ha đã được quy hoạch. Một mô hình làng xã nông thôn có đầy đủ điện, đường, trường, trạm.

Bây giờ trước mắt tôi là những ngôi nhà cao tầng đang xây dưng. Đó là công trình kí túc xá nhân viên với mỗi dãy có 5 tầng gồm 234 phòng 4 người. Mỗi dãy có thể ở 936 người, 8 dãy tổng cộng 7488 người ở. Bước vào phòng ở tôi ngạc nhiên khi thấy các thiết bị lắp đặt ở đây khá hiện đại và tiện dụng, có lắp máy điều hòa từ trần phả xuống mát rượi. Tôi bất ngờ khi vào thăm nhà ăn 2 tầng có thể phục vụ mỗi bữa 5 nghìn người với diện tích mặt sàn 7610 mét vuông. Ông giám đốc điều hành (người Đài Loan) còn rất trẻ cho biết: Tổng giám đốc Formosa mỗi khi sang đây cũng xuống chọn 1 suất ăn như nhân viên. Hàng dãy bàn xếp gọn ghẽ như ở khách sạn, hệ thống chiếu sáng đầy đủ và đặc biệt là dây chuyền làm bếp lắp đặt thiết bị của Đài Loan inox màu sáng choang tất cả đều tự động vận hành thông suốt. Ở đây còn xây dựng khu nhà khách 11 tầng (trong đó có 1 tầng ngầm). Từ tầng 1 đến tầng 8 là phòng đơn 1 người có tất cả là 403 phòng. Tầng 10 và tầng 11 là nơi ngắm cảnh.

Khu kinh tế Vũng Áng là khu kinh tế ven biển trọng điểm của miền Trung là cửa ngõ hướng ra biển đa ngành đa lĩnh vực. Với giao thông đường biển rất thuận lợi cho giao lưu quốc tế nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế. Cảng biển Vũng Áng là một trong ba đầu mối giao thông quốc tế của Việt Nam là cảng có điều kiện tự nhiên lý tưởng bởi địa chất không bồi lắng, ít gió, ít sóng, cự ly từ đất liền ra đến địa phận neo đậu quốc tế (đường cơ sở) bằng 0,8 hải lý tương đương 1,4km rất thuận tiện cho việc neo đậu, bốc xếp. Còn cảng nước Sơn Dương có độ sâu bình quân 25 đến 27 mét tiếp nhận tàu 40 vạn tấn. Về đường bộ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Lào ngắn nhất với chiều dài 30km. Từ đây đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là 310km (bằng 2/5 cự ly ra biển của Thái Lan).

Vươn ra biển lớn
Vươn ra biển lớn

Anh Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL cảng Vũng Áng cho tôi biết một vài công trình quan trọng đang thi công. Đó là Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1200 MW với vốn đầu tư là 1,56 tỉ USD. Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9,96 tỉ USD gồm Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và Cảng nước sâu Sơn Dương với 11 cầu cảng công suất xếp dở 30 triệu tấn/năm, 15 tổ máy phát điện công suất 1500MW.

Theo ông Tuấn thì công suất này tương đương với Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Điều làm tôi ngạc nhiên là ngoài 2023 ha diện tích đất liền của dự án còn có 1298ha diện tích mặt nước, đây là một cuộc lấn biển kì diệu. Nhớ lại năm xưa quan dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã cùng dân Kim Sơn quai đê lấn biển thì nay con cháu quê cụ cũng đã lấn biển với một công nghệ mới đó là hút cát san nền. Hàng chục km đường ống sắt lớn hút cát âm thầm, bền bỉ. Công nhân còn bắt được cá to bằng bắp chân qua ống hút nước biển - Những chú cá biển tươi rói đôi mắt mở to ngạc nhiên, giãy đành đạch thân còn lấm vị mặn mòi cát biển. Ở đây còn có những khối bê tông rỗng như tòa nhà 5 tầng được xà lan chở ra bơm cát vào và hạ thủy tạo thành con đê đồ sộ.

Đứng giữa công trường tôi ngỡ như lạc vào một khu khai thác dầu mỏ khí đốt bởi hàng trăm máy đóng cọc bằng hơi nén đang hoạt động rất ít thấy bóng người chỉ nghe tiếng đóng cọc nhịp nhàng khỏe khoắn đều đều tiếng vọng ngân xa. Anh Tuấn còn cho tôi biết một chi tiết rất thú vị: Nghề thủ công đơn giản nhất ở đây là nhặt nhạnh những phế phẩm do người dân địa phương vào làm được trả tiền ngay 200 nghìn đồng/ngày gấp mấy lần sức lao động họ bỏ ra trên đồng ruộng. Ban quản lý dự án cảng cũng ưu tiên cho thanh niên trai tráng khỏe mạnh của người dân quanh vùng vào làm bảo vệ khi chưa được học nghề với lương mỗi tháng là 5 triệu ngoài tiền ăn ở hằng ngày vì thế an ninh được kiểm tra nghiêm ngặt.

Nhưng lâu dài thì sao - Tôi hỏi. Ông Tuấn bảo: Vũng Áng là vùng có quỹ đất lớn đất nhiễm mặn sản xuất nông nghiệp năng suất thấp ít hiệu quả, phù hợp cho xây dựng phát triển công nghiệp và đô thị. Điều kiện tự nhiên của khu vực Vũng Áng tương đối thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Về lâu dài: Hà Tĩnh là địa bàn dân cư có nền giáo dục ở top đầu quốc gia, lao động dồi dào, nhân dân chịu thương chịu khó. Vì thế chúng tôi đã có định hướng đào tạo cơ bản đáp ứng nguồn lao động tại chỗ bảo đảm trình độ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Khu kinh tế Vũng Áng có một sức hút hấp dẫn. Đến nay có 210 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đi vào hoạt động trong đó có 44 dự án trong nước và 29 dự án nước ngoài tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến hết năm 2013 sẽ thu hút khoảng 20 nghìn lao động. Anh Tuấn ví ở đây giống như một "hợp chủng quốc" vì có gần 1 nghìn kỹ sư, cán bộ kĩ thuật của mấy chục nước đang làm việc và ngôn ngữ thông dụng nhất để giao tiếp là tiếng Anh.

Xe chúng tôi chạy gần 20km mới hết đường viền bao quanh khu công nghiệp. Qua các cổng gác bao giờ cũng thấy các nhân viên bảo vệ - các chàng trai Việt mặc đồng phục giơ tay chào rất tự tin, miệng nở nụ cười tươi tắn. Một hơi thở của đời sống công nghiệp tươi trẻ đã ùa vào đây. Tiếng gọi "Formosa" luôn được gọi lên trìu mến và gần gũi. Tôi lại nhớ đến loài hoa "Mimosa" ở Đà Lạt. Và ngân vọng trong tôi khúc hát "Mimosa từ đâu em đến đất này".

Vũng Áng về đêm thật kì vĩ và mơ mộng. Ngoài khơi xa những ngọn đèn câu mực như sao xa với món ẩm thực "mực nhảy" nổi tiếng ở nơi này kết chùm ngọc trai ôm lấy bến cảng. Nhịp điệu Vũng Áng được bắt đầu từ lung linh ngọn lửa hàn công nghiệp - ngọn lửa hàn màu xanh nhưng ấm áp tình người.

Hà Tĩnh ngày 2/4/2013

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast