Nhớ nhà báo Hữu Thọ

“Những ngày chưa xa” là vài tuần trước, nhà báo lão thành Hữu Thọ vẫn tỉ mỉ thẩm định những bài viết trên Chuyên san Hồ Sơ Sự Kiện (thuộc Tạp Chí Cộng Sản). “Những ngày chưa xa” là những ngày ông trực Biên tập và đăng bài viết đầu tiên của tuyến bài Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh).

“Những ngày chưa xa” ấy nay đã xa khi nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trợ lý Tổng Bí thư, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, nhà báo Hữu Thọ đẫ qua đời vào hôm qua (13/8), hưởng thọ 83 tuổi.

“Người làm báo luôn phải thương tên mình”

Nhà báo Nguyễn Tri Thức (Trưởng ban Hồ Sơ Sự Kiện - Tạp chí Cộng Sản) chia sẻ: Mấy tuần trước nhà báo Hữu Thọ vẫn thẩm định chuyên san Hồ sơ Sự kiện. Ông thẩm định với tâm thế rất rộng lượng song ý tứ ông đều đòi hỏi phải luôn chặt chẽ.

Những vấn đề ông thấy chưa đạt ông đều gọi điện cho tôi trao đổi, thống nhất chứ không vội can thiệp ngay vào văn bản. Câu nói tôi nhớ nhất khi nghĩ về ông: “Tạo dựng được thương hiệu rất khó, nay có rồi, cháu nên tiếp tục xây dựng”.

Nhớ nhà báo Hữu Thọ ảnh 1

Nhà báo Hữu Thọ trong một lần trao đổi với báo chí khi đã nghỉ hưu

Nhà báo Nhị Lê, Phó TBT Tạp chí Cộng Sản cho biết: “Một trong những bài học nghề nghiệp lớn nhất nhà báo Hữu Thọ dạy tôi trong suốt mấy chục năm làm việc cùng cụ là lời cụ dặn về lòng tự trọng nghề nghiệp. Cụ luôn quan niệm: người làm báo luôn phải biết thương tên mình.

Ngoài trí tuệ, tinh thần xả thân thì người cầm bút luôn phải nghĩ về độc giả, về lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc. Có như vậy, độc giả mới thương cái tên người cầm bút. Và đó cũng là cách người cầm bút thương cái tên bản thân mình”.

Trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, nhà báo Hữu Thọ cũng nhắc lại về việc làm sao để độc giả “thương cái tên của mình”. Theo nhà báo Hữu Thọ, điều quan trọng nhất đối với một nhà báo là phải tin điều mình cho là đúng, bền bỉ chứng minh để thuyết phục mọi người qua các bài viết. Và đặc biệt, người làm báo phải dám hành động trong những khoảnh khắc quyết định.

Và khoảnh khắc góp phần thay đổi không khí báo chí nước nhà mà nhà báo Hữu Thọ có mặt chính là tối ngày 24/5/1987. “Đó là phiên tôi trực Ban biên tập. Đồng chí thường trực cơ quan đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi, đi ô-tô Lada màu sữa. Phong thư của Văn phòng Trung ương Đảng có thư và một bài báo viết tay. Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ “gửi một bài báo, nếu Ban biên tập thấy được thì đăng”.

Và chuyên mục Những việc cần làm ngay trên báo Nhân dân ra đời, góp phần cổ vũ phong trào Đổi mới thời kỳ đó.

Một người thầy của báo chí Việt Nam

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, TBT báo Đại Biểu Nhân dân, nguyên trưởng khoa Quan hệ Công chúng (Học viện Báo chí Tuyên truyền) chia sẻ: Vai trò của nhà báo Hữu Thọ với nền báo chí Cách mạng Việt Nam qua các bài viết cũng như thẩm định bài viết là rất rõ nét. Song, ông còn góp công thúc đẩy báo chí nước nhà với tư cách một nhà sư phạm báo chí.

Theo PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, ngoài trực tiếp giảng dạy, những buổi nói chuyện hàng năm của nhà báo Hữu Thọ với Học viện Báo chí Tuyên truyền khơi gợi ngọn lửa nghề và hướng đi đúng đắn cho các sinh viên trường báo.

Nhà báo Hữu Thọ luôn luôn nhắc các sinh viên 3 điều kiện lớn nhất của đời người cầm bút là: có một người bạn đời thông cảm với công việc đi sớm về muộn; có một công việc với các bài tử tế và sống - viết có lý tưởng.

Bên cạnh đó, những cuốn sách, những bài viết của nhà báo Hữu Thọ luôn được coi là chuẩn mực với sinh viên trường báo. PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa nhận định: “Trong các tác phẩm của mình, nhà báo Hữu Thọ luôn đặt độc giả ở thế ngang bằng để cùng giải bày, tranh luận và cũng ngẫm nghĩ tiếp về các vấn đề ông đặt ra. Những chia sẻ này khơi gợi sự sáng tạo và khát khao làm nghề một cách tử tế với những nhà báo trẻ”.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast