Nhọc nhằn những gánh hàng rong

(Baohatinh.vn) - Sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến cuộc sống trở nên ồn ào, tấp nập hơn, thế nhưng, đâu đó trên đường phố, công việc của những người bán hàng rong vẫn lặng lẽ trôi qua từng ngày.

nhoc nhan nhung ganh hang rong

Đã từ lâu, hình ảnh những người phụ nữ cùng gánh hàng rong trở nên quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ. Những tiếng rao mang đậm chất vùng miền dường như đã thể hiện hương vị, đặc sản của địa phương đó. Phần lớn trong số đó là những người phụ nữ ngoại tỉnh như Huế, Quảng Bình, Quy Nhơn… đến đây để tìm kế mưu sinh. Đồ nghề đơn sơ như chính con người họ với đôi quang gánh, hai thúng đựng hàng, dăm ba cái bát, cốc… Thứ hàng họ bán cũng chỉ là những nồi chè, đậu hũ hay đồ khô, hoa quả. Và đằng sau những gánh hàng rong đó là những số phận khác nhau khiến họ phải chấp nhận xa quê để mưu sinh xứ người.

Theo chân chị Hồ Thị Bé (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) - người phụ nữ có vóc dáng gầy gò, gương mặt đen sạm cùng những nếp nhăn của tuổi tác, bên gánh chè của chị, tôi được nghe kể về gia đình cùng những nỗi trăn trở kiếm kế sinh nhai. Chồng chị không may bị thương tật trong một vụ tai nạn và không còn sức lao động, hai con đang tuổi đến trường.

nhoc nhan nhung ganh hang rong

Hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ nữ đành chấp nhận xa gia đình, quê hương để mưu sinh.

Để kiếm tiền chạy chữa thuốc men cho chồng cũng như lo toan cuộc sống cho cả gia đình, chị Bé đã quyết tâm rời quê đến đây lập nghiệp. Khi được hỏi về thu nhập hằng ngày, chị Bé lau vội những giọt mồ hôi trên trán, vừa nói: “Bán chè thì tùy thời tiết từng ngày em ạ. Khi trời nắng to thì mỗi ngày kiếm được 100.000 - 150.000 đồng mà phải đi nhiều. Còn ngày mưa thì ế lắm, được năm đến bảy chục là may rồi”. Chị cũng kể về những buổi trưa ăn vội nắm cơm mang đi, tựa gốc cây hay nép dưới mái hiên nào đó nghỉ ngơi. Trong lời kể của chị, tôi nghe tiếng thở dài nhọc nhằn.

Đến thăm nhà trọ của chị Bé, tôi gặp nhiều phụ nữ khác cũng từ Huế ra Hà Tĩnh kiếm sống. Phòng trọ cấp 4 lợp phi-brô xi măng rộng khoảng 20 m2 với 5 người ở; chi phí khoảng 500.000 đồng tiền sinh hoạt mỗi tháng/người. Khi tôi đến, chị Đặng Quế (thành phố Huế) đang cặm cụi chuẩn bị nồi bánh bèo để kịp chuyến hàng buổi chiều. Theo lời chị Quế thì mảnh đất này đã gắn bó với chị gần 10 năm nay. Gần như mọi ngóc ngách đường phố nào, chị cũng đã từng rảo qua. Người phụ nữ nhỏ bé, khuôn mặt hốc hác, mái tóc cháy nắng chia sẻ: Sáng nào chị cũng dậy từ 3-4h để vắt bột làm bánh.

nhoc nhan nhung ganh hang rong

Mưu sinh bằng gánh đậu hũ

Dù nắng hay mưa, chị cũng lóc cóc quảy gánh rong ruổi trên khắp các hang cùng ngõ hẻm. Mỗi ngày, trừ chi phí cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng. Ngoài ra, khi hết hàng, chị còn tranh thủ đi nhặt ve chai, vỏ nhựa để kiếm thêm. Với số tiền ít ỏi đó, những người phụ nữ này phải tiết kiệm tới mức tối đa. Vài tháng, các chị lại thay phiên nhau tranh thủ về quê đưa tiền cho con cái học hành, vun vén nhà cửa. Chia sẻ về những khó khăn hằng ngày, các chị không giấu nổi lo âu: Nào là giá cả leo thang khiến mọi thứ đắt đỏ, nào là thành phố thắt chặt việc quản lý người bán hàng rong, nào là người dân không còn ăn đồ vỉa hè nhiều nữa…

Những gánh hàng rong vẫn ngày ngày lặn lội mưu sinh giữa cuộc đời. Không ít đứa bé được nuôi lớn trưởng thành từ những gánh hàng kĩu kịt ấy, bởi vậy, mỗi ngày, niềm hy vọng vẫn được nhen nhóm trên những đôi vai sần kiên nhẫn quẩy gánh khắp phố phường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast