Những hòn vọng phu làng biển...

Nhìn trên bản đồ, những làng biển chỉ là một chấm tròn nhỏ bé, ấy vậy mà chúng tôi đi mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn của những người phụ nữ lấy chồng nghề biển sống trong chấm tròn ấy. Họ - những người phụ nữ chịu đời đắng cay vì giông tố khơi xa vẫn sống kiên cường và kiên định một tình yêu với biển cả mênh mông. Để đời nối đời, mặc cho bất trắc có thể xẩy đến, những thiếu nữ làng chài lại nên duyên cùng những chàng trai biển cả, bỏ quên câu ca dao đắng đót: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”…

Những hòn vọng phu trên bờ cát

Làng chài Cẩm Nhượng một buổi chiều hè như bình yên hơn trong sự hiền hòa của đại dương. Trời yên, biển lặng, những con sóng như đang rì rầm kể nhau nghe chuyện từ khơi xa. Trong những lời biển cả ấy hẳn là có câu chuyện về những chàng trai xấu số bỏ mình trên biển. Vậy nên vào những buổi chiều như thế, chị Phạm Thị Lan (xóm Hoàng Độ) lại một mình ngồi trên bến vắng nhìn về mịt mùng biển thẳm nơi chồng chị đi mãi chưa về. 8 năm trước, anh Nguyễn Trọng Anh – chồng chị đã mất trong một chuyến đi biển cuối năm. Người làng đã tìm mọi cách vớt xác anh để mang về nhưng giống tố biển khơi đã giữ anh mãi mãi cùng những con sóng bạc đầu.

Sau 3 tháng 10 ngày đau đớn tìm kiếm khắp các bờ biển, cuối cùng chị Lan chấp nhận lập mộ gió thờ chồng. Cũng từ ngày ấy chị bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Do sức khỏe kém nên công việc hàng ngày của chị là giúp việc và đan lưới thuê cho những gia đình ngư dân trong xóm để nuôi 2 đứa con nhỏ. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ chị lại thấy chồng mình hiện về an ủi vợ. Nỗi nhớ thương và niềm hy vọng về một phép màu vì thế chưa bao giờ tắt lửa trong lòng người đàn bà đáng thương ấy.

Chị Phạm Thị Lan (thôn Hoàng Độ, xã Cẩm Nhượng) hàng ngày gửi nỗi lòng mình qua từng mắt lưới

Chị Phạm Thị Lan (thôn Hoàng Độ, xã Cẩm Nhượng) hàng ngày gửi nỗi lòng mình qua từng mắt lưới

Chị Nguyễn Thị Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ Cẩm Nhượng cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 800 chị có chồng làm nghề biển, mỗi mùa ra khơi là cả xã chung một nỗi phập phồng chờ đợi”. Những người đàn ông ấy hầu hết đều trở về với niềm vui cá đầy nhưng trong số đó cũng có những người xấu số và người phụ nữ của họ phải bắt đầu chấp nhận một cuộc đời buồn tẻ cơ cực.

Giống như làng chài Cẩm Nhượng, làng biển Thạch Kim cũng có hàng trăm phụ nữ có chồng làm nghề biển và thỉnh thoảng người làng lại chứng kiến cảnh những người phụ nữ chạy dọc bờ biển thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình trong mùa bão nổi. Khi linh hồn những người đàn ông ấy không còn “treo cột buồm” nữa mà tan vào muôn con sóng biển khơi thì người phụ nữ mà họ yêu thương cũng bắt đầu cuộc đời buồn bã. Khi chúng tôi tìm gặp và hỏi về hoàn cảnh gia đình thì chị Nguyễn Thị Ngọc (thôn Hoa Thành) ngay lập tức rưng rưng nước mắt. Nỗi nhớ, niềm thương, sự tủi cực như là một cảm giác thường trực trong trái tim người phụ nữ ấy để mỗi lần có người nhắc đến là nước mắt lại tuôn trào. Chồng chị - anh Trần Cao Cường (sinh năm 1966) đã mất hơn 15 năm nay khi mới cưới vợ được 3 năm, lúc ấy chị Ngọc đang mang bầu đứa con thứ 2.

“Tưởng chừng như bầu trời sụp đổ trước mắt tôi khi lần lượt những thuyền viên trên chuyến tàu đã cập bến mà chồng tôi thì nằm cuộn tròn trong manh bạt. Cơn gió độc đã cướp đi sinh mệnh anh ấy khi giấc mơ về một cuộc sống gia đình đủ đầy chưa thành. Người làng an ủi tôi may mà còn xác nhưng làm sao tôi có thể chấp nhận sự thật ấy. Đau đớn dâng đầy, nhiều lần tôi đã tìm đường đến với anh ấy nhưng rồi 2 đứa con thơ dại đã níu chân tôi” – chị Ngọc tâm sự.

Giờ thì chị Ngọc đã quen với cảnh góa bụa, hàng ngày làm lụng nuôi con. Người dân thôn Hoa Thành đã quen với hình ảnh chị Ngọc ngược xuôi, khi thì đi nướng cá thuê, khi thì đi bán rượu… gắng nuôi 2 đứa con ăn học hy vọng một cuộc đời mới mở ra cho những đứa con của chị.

Biển bình yên và dữ dội, biển cho ngư dân cơm áo nhưng cũng lắm khi trong cơn giận dữ đã cướp đi cuộc sống của bao người. Và sau mỗi trận cuồng phong, xã Thạch Kim lại có thêm những người phụ nữ góa bụa. Những cái tên được nhắc đến như chị Trần Thị Thanh (thôn Hoa Thành), Trần Thị Vinh (thôn Long Hải), Hà Thị Cúc, Trần Thị Hải (thôn Sơn Bằng)… với cảnh ngộ chung đều gợi lên thanh âm buồn từ biển cả bao la. Lạ một điều là ở các làng biển này, không một ai đi bước nữa, họ ở vậy thờ chồng (hay chờ chồng trong nỗi hy vọng mong manh) và làm lụng nuôi con cái lớn khôn. Những đứa con trai, con gái của họ lớn lên lại theo trai làng ra khơi, lại nên duyên chồng vợ với những ngư dân bám biển bám thuyền, lại ngày đêm phập phồng về những chàng trai vạm vỡ “hồn treo cột buồm”…

Và những tai ương mang tên… xuất khẩu lao động

Khi vùng biển quê nhà không còn mang lại những khoang thuyền đầy cá, những chàng trai làng biển lại ôm mộng qua biên giới đổi đời. Những tưởng, xuất khẩu lao động sẽ giúp họ thoát khỏi những cơ cực và hiểm nguy của kiêp đời ngư dân. Nhưng dường như, nghiệp biển đã là duyên từ tiền kiếp và neo mình lại giữa trùng khơi cũng là định mệnh mà họ không thể tránh được. Và rồi, tại những làng biển nghèo lại có thêm những người vợ ngày đêm hoang hoải chờ chồng, khóc chồng trong nỗi xót xa…

Công việc nướng cá thuê giúp chị Nguyễn Thị Ngọc (thôn Hoa Thành – Cẩm Xuyên) kiếm sống qua ngày và nuôi con cái ăn học

Công việc nướng cá thuê giúp chị Nguyễn Thị Ngọc (thôn Hoa Thành – Cẩm Xuyên) kiếm sống qua ngày và nuôi con cái ăn học

Đau đớn nhất có lẽ là gia đình chị Phạm Thị Hoa (thôn Đông Tây – Xã Cương Gián – Nghi Xuân) khi cả 2 chị em gái đều có chồng bị mất đi xuất khẩu lao động. Năm 1995, sau khi vay mượn đủ tiền, anh Trần Đức Biên chồng chị đã sang Hàn Quốc làm việc cho các chủ tàu cá với hy vọng đổi đời. Ai ngờ, năm 1999, tàu cá nơi anh Biên làm việc gặp nạn khi đang đánh cá trên vùng biển Argentina. Thứ mà chị Hoa nhận được chỉ là mấy tấm di ảnh lúc họ khâm liệm và hỏa táng chồng.

Chị Hoa cho biết: “Lúc ấy tôi mới 25 tuổi, trên vai còn 2 đứa con nhỏ, đành phải nuốt nước mắt vào trong đứng dậy làm lụng trả nợ và nuôi con”.

Tang chồng chưa hết, thì năm 2001, tai họa một lần nữa ập xuống gia đình chị khi em rể là Hoàng Văn Tuấn cũng bị tử nạn trong một vụ nổ bình gas trên tàu Hàn Quốc khi đang ở vùng biển Nam Phi. Chị Phạm Thị Thắm (vợ anh Tuấn) phải một mình bươn chải nuôi mẹ già và hai đứa con nhỏ dại…

Cùng cảnh ngộ ấy là chị Minh vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Thanh (thôn Đông Tây – xã Cương Gián). Chị Minh kể: “Hung tin đến với tôi trong một buổi chiều biển cả vô cùng yên bình. Theo thông báo của công ty gửi về, chồng tôi mất ngày 19-8-2005 khi đang làm việc trên tàu đánh cá ở vùng biển gần Argentina nhưng mãi đến hơn tháng sau cả nhà mới biết tin. Khi ấy tôi đang có mang đứa con đầu lòng”. Chẳng cần nói thì ai cũng hiểu nỗi đau đớn tột cùng của người phụ nữ ấy khi khoảng thời gian vợ chồng ở bên nhau chưa được bao lâu, khi đứa con sinh ra không một lần gặp mặt cha…

Mới đây nhất, người dân Hà Tĩnh lại thêm một lần xót xa khi một ngư dân ở Kỳ Xuân là anh Nguyễn Văn Hưu đã bỏ mạng trong vụ cháy tàu cá Hàn Quốc tại vùng biển Urugoay khi mới xuất khẩu lao động được 4 tháng. Lại thêm một phụ nữ sống đời góa bụa và 2 đứa trẻ chịu cảnh mất cha bởi tai ương từ biển cả.

Vĩ thanh

Biển nhân ái và bao dung nhưng lắm khi biển cũng trở thành nỗi ám ảnh của bao kiếp người sống nhờ vào biển. Nhưng như một mối nhân duyên từ tiền kiếp, bao lớp người lớn lên bên bờ biển lại gắn bó đời mình bằng nghiệp biển lênh đênh. Những đứa trẻ gái, trẻ trai lớn lên cùng biển rồi yêu thương nhau nên vợ nên chồng và cùng chọn con đường mưu sinh của bao đời cha ông truyền lại.

Dẫu có nhiều gian nan nhưng ngày nay, với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, những tàu cá nhỏ đang dần chuyển đổi thành những tàu cá lớn, thông tin liên lạc trên biển ngày càng hiện đại hơn, mọi nỗi băn khoăn đã dần được đẩy lùi. Ngư dân ven biển vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi. Và những người vợ chịu cảnh góa bụa vì biển vẫn vô cùng thành tâm trong lễ tạ ơn biển cả.

Chúng tôi hiểu rằng, dẫu những bờ cát có chất đầy bao niềm hy vọng mong manh, những người đàn bà ấy vẫn nhen nhóm trong lòng những mùa hy vọng mới từ những đứa con của họ bởi với họ biển cả muôn đời rất đỗi thiêng liêng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast