Những kết cục đau lòng từ chuyện "ma thuốc độc" ở Kỳ Anh

Không hiểu thuật ngữ "ma thuốc độc" có từ bao giờ và không ai biết nó như thế nào, nhưng chuyện vô cớ bắt vạ "ma thuốc độc" tại nhiều địa phương ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là chuyện có thật. Những câu chuyện mang màu sắc huyền bí được người dân địa phương thêu dệt để "gán'' cho người này, gia đình nọ nhằm chia rẽ tình đoàn kết, gây mất ANTT cơ sở. Nhiều gia đình bị suy sụp cả về tinh thần lẫn vật chất bởi các tin đồn tai hại này.

Làm phúc … xúc phải tội

Xóm Minh Châu, xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh) là vùng miền núi nghèo khó, từ bao đời nay người dân lam lũ một nắng hai sương, cuộc sống tuy đạm bạc, nghèo túng nhưng tình làng nghĩa xóm luôn khăng khít bên nhau. Thế nhưng, vào ngày 26/7 vừa rồi, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1979), con dâu bà Nguyễn Thị Hương ở đầu xóm bị lên cơn sốt cao, co giật toàn thân. Thay vì việc lo thuốc thang, đưa chị Hằng đi khám bệnh ở Trung tâm y tế, anh Phạm Hồng Lam (chồng chị Hằng) lại dùng roi dâu quất tới tấp vào vợ rồi vu cho chị Trần Thị Diệu (SN 1963) là hàng xóm đã đưa "ma thuốc độc" để "thuốc" vợ anh làm chị Hằng ngã bệnh.

Lý do những người trong gia đình chị Hằng khẳng định chị Diệu là thủ phạm của "ma thuốc độc" là vì trước đó vài tháng, khi đi làm đồng về muộn, trong nhà không có thức ăn nên chị Hằng chạy sang nhà chị Diệu xin được một đĩa thịt lợn về ăn. Sẵn có mấy tấm cu đơ, chị Diệu cũng chia cho chị Hằng mang về. Đây chính là cái cớ để những kẻ đa nghi, mù quáng tìm cách đổ vấy cho người vô tội.

Anh Lam (chồng chị Hằng) đuổi chồng chị Diệu ra khỏi nhà khi đến thăm
Anh Lam (chồng chị Hằng) đuổi chồng chị Diệu ra khỏi nhà khi đến thăm

Kể từ ngày đó, tiếng xấu lan nhanh, cả làng, cả xã đều xa lánh và nhìn gia đình chị Diệu bằng con mắt khác. Chị Trần Thị Diệu bức xúc: "Không chỉ người trong xóm mà có lần tôi đi chợ ở xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn cũng bị mọi người xa lánh, mua gì người ta cũng không bán, cứ sợ tôi bỏ "ma thuốc độc" vào hàng hóa". Chưa hết, ngày nào đi học về con gái chị Diệu (học lớp 8) cũng khóc ấm ức vì bị bạn bè xa lánh, miệt thị.

Đến nay, khi chúng tôi lại nhà, vợ chồng chị Hằng đang chuẩn bị ra đồng làm cỏ cho lúa vụ đông xuân trong khi gia đình chị Diệu vẫn đang thui thủi một mình, sản xuất gặp khó vì không mượn được người giúp, thậm chí muốn tham gia các hoạt động xã hội cũng bị từ chối. Danh dự bị chà đạp, tinh thần suy sụp nên chị Diệu đã viết đơn kiến nghị chính quyền địa phương và Công an huyện giải quyết.

Ông Lê Văn Vượng - Phó Công an xã Kỳ Hợp cho biết: Mặc dù gia đình chị Hằng đã nhận lỗi và chấp nhận các hình thức xử lý của chính quyền địa phương nhưng dư âm về "ma thuốc độc" cứ dai dẳng bám theo gia đình chị Diệu. Nhiều lần họp dân, chúng tôi cũng đã giải thích, vận động nhân dân sống đoàn kết, hòa thuận và công khai các mức phạt hành chính trong sự việc này để nhân dân biết như: Gia đình chị Hằng bị phạt 1,5 triệu đồng vì "vu khống" người khác, bà Nguyễn Thị Hương (mẹ chồng chị Hằng) bị phạt 500.000đ vì có lời nói và hành động không hay với chị Diệu, chị Diệu bị phạt 200.000 đồng vì tát vào mặt chị Hằng…

Lực lượng công an giải thích cho gia đình chị Hằng trước tin đồn về "ma thuốc độc"
Lực lượng công an giải thích cho gia đình chị Hằng trước tin đồn về "ma thuốc độc"

Do quá buồn chán cảnh sống cô lập, chồng và 2 người con trai nhà chị Diệu đã bỏ làng đi làm ăn ở miền Nam, còn lại hai người phụ nữ sống hiu hắt, tẻ nhạt, dằn vặt đau khổ. Chị Diệu phẫn uất nói: "Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ biết làm ruộng, cày sâu cuốc bẫm, kiếm gạo nuôi con ăn học, có đi khỏi làng ngày nào đâu mà bảo nuôi "ma thuốc độc". Oan này thật hơn cả oan Thị Kính! Nhờ Công an giúp đỡ trừng trị những kẻ gieo tai họa xuống cho gia đình tôi, trả lại danh dự cho gia đình tôi".

Theo ông Tô Hữu Đằng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp thì những câu chuyện về "ma thuốc độc" ở địa phương này không phải là hiếm. Ngoài câu chuyện của bà Diệu và chị Hằng ra, mới đây ở xã này cũng xảy ra chuyện có người bị ốm đau lâu dài, gia đình người bị ốm cho rằng do hàng xóm có "con ma thuốc độc" để làm hại thế là họ hàng chú bác, anh em người ốm chẳng những không lo chạy chữa bệnh lại còn cho người ốm lên cáng, khênh sang nhà nghi bỏ ma để ăn vạ. Chính quyền địa phương phải tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến vận động, giải thích mãi, họ mới chấp nhận mang người về nhưng từ đó hai gia đình ngày đêm căng thẳng với nhau.

Làm cho khốc hại vì … "ma thuốc độc"

Ông Phạm Hồng Thuận ở xóm Đồng Hạ, xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) mới 57 tuổi nhưng thân hình gầy còm, yếu ớt bởi gần một năm nay luôn đau khổ vì bị hàng xóm vu tội nuôi "ma thuốc độc" để làm hại người khác. Quá oan ức, ông Thuận viết đơn kêu cứu khắp nơi nhưng cho đến nay vụ việc đang chìm trong im lặng. Ôm một chồng đơn kêu cứu, ông kể cho chúng tôi nghe qua hai hàng nước mắt: Vào cuối tháng 7/2009, chị Trần Thị T.(SN 1985) ở cùng thôn bị bệnh lao phổi nặng, chuyển sang ung thư giai đoạn cuối. Gia đình đã đưa chị T. đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh tình ngày một nặng thêm. Bệnh viện trả về nhà trong tình trạng hôn mê phải thở bằng ô xy, có bác sỹ đi kèm về nhà, điều này cả xóm đều biết hết.

Cán bộ Công an huyện Kỳ Anh động viên ông Thuận khi bị hàng xóm nghi oan dùng "ma thuốc độc" để gây hại cho người khác
Cán bộ Công an huyện Kỳ Anh động viên ông Thuận khi bị hàng xóm nghi oan dùng "ma thuốc độc" để gây hại cho người khác

Vừa là hàng xóm với nhau, lại là cán bộ an ninh xóm, vợ chồng ông Thuận thường xuyên sang động viên thăm hỏi chị T. Nào ngờ vào khoảng 12 giờ ngày 2/9, bố chồng và chồng chị T. chạy sang nhà cho rằng: Gia đình ông Thuận bỏ "ma thuốc độc" gây ra bệnh ung thư cho chị T(!?). Khi gia đình ông Thuận đang ăn cơm thì người nhà gia đình chị T. chạy sang bảo ông Thuận là "chị T. muốn được uống nước chè xanh nhà ông Thuận trước lúc chết, rồi chìa ra một tờ giấy có nét chữ nguệch ngoạc, đứt gãy "cho uống nước chè ông Thuận" phía dưới có nét chữ ký của chị T.

Tất nhiên là ông Thuận không thể nghe theo sự sắp đặt vô lý này. Thế rồi hàng chục người nhà gia đình chị T. kéo đến nhà ông Thuận đánh ông bất tỉnh rồi đập phá đồ đạc, chửi bới, lăng mạ. Bị dồn vào thế bí, bà Lý (vợ ông Thuận) đành phải nấu nước chè xanh theo yêu cầu. Khi nước đã nấu chín, nhóm người này bắt ông Thuận sang nhà lấy thìa bón nước chè cho chị T. uống. Chưa dừng lại ở đó, gia đình này còn ép ông Thuận phải đấm bóp khắp người chị T. Người chồng còn đe dọa: "Nếu vợ tôi chết, sẽ cho thuốc nổ vào nhà và giết con của ông Thuận để đền mạng".

Chiều cùng ngày, sức khỏe chị T. yếu dần, người nhà chị T. đã đưa chị đến đặt giữa nhà ông Thuận, tiếp tục gây sức ép, phá nhà cửa. Đêm hôm đó, chị T. chết tại nhà ông Thuận. Sau gần 2 giờ đồng hồ động viên thuyết phục, họ mới chịu đưa xác chị T. về mai táng.

Khiếp sợ nỗi ám ảnh về cái chết của người hàng xóm trong căn nhà của mình, gia đình ông Thuận phải sống nhờ nhà anh em họ hàng gần nửa năm trời mới dám trở về. Ông Thuận cho biết: Nhiều vật dụng của gia đình hầu hết bị họ đập phá hư hỏng nhưng điều ông mất mát nhiều nhất là uy tín, danh dự và sự hành hung tàn nhẫn của người nhà gia đình chị T. đối với ông nhưng vẫn chưa bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thay lời kết

Hệ lụy từ "ma thuốc độc" gieo rắc cho các làng quê ở Kỳ Anh là khá nghiêm trọng. Con ma đáng sợ nhất ở đây chính là nhưng tin đồn nhảm nhí và thất thiệt. Nó như liều thuốc độc phá hoại tình làng nghĩa xóm vốn rất thiêng liêng ở các làng quê. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Anh cần có những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ ngông cuồng, tự cho mình quyền phán xét bừa bãi những người vô tội nhằm sớm trả lại sự bình yên ở các miền quê,trên địa bàn.

Mang những câu chuyện buồn nói trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Anh, cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, phòng Y tế huyện đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về khảo sát, đánh giá mức độ và tình hình người dân ở các xã vùng núi cao bị các chứng bệnh nan y có biểu hiện lâm sàng giống với các quan niệm của người dân về những đặc điểm của người bị "ma thuốc độc". Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện một phụ nữ tên là Thiệp ở xã Kỳ Tân bị chứng chóng mặt khó thở sau khi sinh nở do bị hở van tim hai lá (hay còn gọi là chứng thấp tim) gây nên chứ không phải bị "ma thuốc độc" làm hại như người nhà chị ấy thường nghĩ.

Còn trường hợp chị Hằng ở xã Kỳ Hợp mà chúng tôi đề cập phía trên bài viết, ông Nguyễn Văn Luân khẳng định: "Hằng có những biểu hiện của chứng tâm thần phân liệt. Chị gái của Hằng cũng mắc chứng tâm thần hoang tưởng. Tôi đã khuyên gia đình nên đưa Hằng lên bệnh viện huyện để khám và chữa trị vì càng để lâu thì bệnh sẽ càng nặng hơn và dễ biến chứng khó lường".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast