NHỮNG NĂM THÁNG TRƯỜNG SƠN

Hà Tĩnh Online - Khởi đầu từ Khe Giao, men theo sườn đông dãy Trà Sơn đến Thình Thình rồi bám hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp (Quảng Bình), đường chiến lược 21 đã góp phần “chia lửa” cho Quốc lộ 1A và đường 15, khơi thông mạch máu giao thông Bắc – Nam từ những năm đầu giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ngót nửa thế kỷ trở lại nơi đây, những vết tích loang lổ trên cung đường máu lửa một thời và những tên đất tên người từng sống chết với con đường này như vẫn rạng ngời trang sử.

Kỳ I: Vóc dáng một cung đường

Trong phong trào Cần vương, cụ Nguyễn Hữu Lương (quê ở xã Thạch Thượng, Thạch Hà) là tướng quân của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Trong một trận đánh, ông bị giặc Pháp bắt, giam ở một nhà lao thuộc Quảng Bình. Tướng quân cùng một số quân sĩ vượt ngục, men theo đường mòn dọc mép sông Ngàn Sâu bên sườn đông dãy Trà Sơn về quê.

Tượng đài cụ Nguyễn Hữu Lương tại ngã ba Thình Thình.

Tượng đài cụ Nguyễn Hữu Lương tại ngã ba Thình Thình.

Dọc đường đi, ông đã bị cọp vồ. Các quân sĩ đem thi hài ông về quê an táng, trên đường đi họ đã dừng chân nghỉ qua đêm tại một ngã ba nằm lọt giữa hai vách núi dựng đứng. Buổi sáng thức giấc, mọi người bàng hoàng vì chỗ đặt thi hài tướng quân giờ đây đã thành một đụn đất cao chất ngất. Các quân sĩ bụng bảo dạ rằng tướng quân đã chọn nơi đắc địa để yên nghỉ nên mọi người thắp hương lên gò đất cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát nơi đại ngàn.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cách đây vài năm, con cháu tướng quân nay thành danh tri ân tiên tổ đã nhờ các nhà ngoại cảm tìm được đúng vị trí cụ yên nghỉ, xây cất đền thờ, tượng đài, lăng mộ uy nghi, tạo nên một không gian thật lãng mạn bên khe suối giữa núi rừng.

Nếu ai đó đứng tại khu mộ tướng quân Nguyễn Hữu Lương phát ra một tiếng động nhỏ, hai bờ vách núi sẽ vọng âm trở lại thình thình bên tai. Có lẽ vì thế, những người dân địa phương mới đặt tên cho ngã ba đường mòn này là ngã ba Thình Thình, con suối chạy quanh khu mộ tướng quân là suối Thình Thình.

Con đường mòn năm xưa những nghĩa sĩ Cần vương từng vượt ngục từ Quảng Bình về Hà Tĩnh ngót một thế kỷ sau được Bộ Giao thông vận tải chọn mở đường chiến lược mang tên 21. Bắt nguồn cách ngã ba Khe Giao khoảng 1km vào đến Tân Ấp, đường 21 chạy gần như song song với đường 15 có từ thời thuộc Pháp. Giữa năm 1965, một lực lượng lớn gồm dân công hoả tuyến các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đội TNXP 53, Công ty đường 4 của Bộ Giao thông vận tải, trong đó chủ lực là thanh niên xung phong đã dồn sức mở con đường huyết mạch này.

Hơn một ngàn hai trăm chàng trai cô gái tuổi thanh xuân từ các miền quê trong tỉnh tập kết về dưới rừng cọ Thạch Đài, biên chế thành mười đại đội thuộc Đội N53-P18 toả đi trên khắp cung đường dài ngót 50 cây số. Bước chân của những người lính thanh niên xung phong Đội 53 men theo đường mòn mở đường công vụ, chỉ sau bước chân anh lính khảo sát mà thôi – bác Võ Tá Lý, hiện là Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh, nguyên đội phó Đội TNXP 53 bắt đầu dòng hồi tưởng – Bấy giờ đông Trường Sơn bắt đầu vào mùa mưa, chúng tôi hành quân bộ từ điểm tập kết, vượt qua bao suối bao khe nước cuồn cuộn chảy, lên đến Thình Thình làm lán nghỉ lại giữa núi rừng.

Xin nói thêm rằng, ngã ba Thình Thình nay thuộc xã Thạch Điền (Thạch Hà), cách Khe Giao hai chục cây số về phía Đông Nam – là nơi giao nhau của đường chiến lược 21 và đường 22. Đường 22 được mở sau khi đường 21 đã khai thông, đường khởi phát từ ngã ba Thình Thình chạy qua hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình nhằm phá thế độc tuyến cho đường số 1.

Cầu 17 trên đường 21 - một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ

Cầu 17 trên đường 21 - một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ

Trong cảnh nhạt muối đói cơm, lại thường xuyên bị sên vắt và thú dữ tấn công, những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi vừa rời ghế nhà trường đến làm bạn với núi cao rừng thẳm vẫn không hề nản chí, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho những cung đường. Mồ hôi, công sức của họ thấm đẫm từng vạt đất, ngọn cây trên những địa danh đã đi vào lịch sử, từ ngã ba Thình Thình, đến ngầm Rào Bội, Rào Mát, Lán Mây, vượt đỉnh đèo Ba, qua đèo Bảy.

Công việc chủ yếu của họ là chặt, phát cây san đất, đập đá tạo nền đường qua các suối nhỏ, cầu lớn và các ngầm sâu. Ngày qua ngày, khi những dải nắng vàng nán đậu lại trên đỉnh lèn cao thì trên những cung đường bắt đầu lanh lảnh tiếng cười đùa vui vẻ kéo dài suốt tận đêm thâu. Non nửa năm sau, nền đường công vụ được khai thông, và đến cuối tháng 6-1966, chiến dịch Bồng Sơn kết thúc thắng lợi, mặt đường cấp phối thông xe như một sợi chỉ đỏ nối liền Tân Ấp – Khe Giao.

Sau khi thông đường chạy thử, từng đoàn xe Gát 63 do Liên Xô chế tạo, xe Giải Phóng của Trung Quốc bịt kín mui rầm rầm chuyển bánh. Mỗi lần các đoàn xe đi qua, chúng tôi đứng bên đường lòng tràn ngập niềm vui – bác Lý rưng rưng khoé mắt nhớ về một thời hào hùng.

Khi quê hương Hà Tĩnh có thêm một cung đường hoà nhập vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là lúc không lực Hoa Kỳ tăng cường ném bom miền Bắc hòng cắt đứt mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong câu chuyện với tôi hôm nay, bác Lý vẫn chưa hết bùi ngùi xúc động khi nhớ về những người đồng đội của mình đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại. Ký ức buồn đầu tiên được ghi vào rạng ngày 1-7-1966.

Lúc bấy giờ đại đội 10 do đại đội phó Võ Tá Lý chỉ huy đang gấp rút hoàn thành nốt 15m đường cấp phối cuối cùng để kết thúc chiến dịch Bồng Sơn, thì máy bay Mỹ ném bom trúng giữa đội hình. Bốn người đồng đội thân yêu của bác đã trúng bom hy sinh. Lần đầu tiên tiếp xúc với cảnh tang thương, đơn vị bàng hoàng cả tuần không ăn không ngủ. Đó cũng là thử thách đầu tiên giúp họ luyện chí rèn gan, đủ sức bám trụ trên những cung đường trong những ngày cam go, ác liệt tiếp theo. Đặc biệt từ sau tết Mậu Thân 1968, hòng cứu vãn tình thế trên các chiến trường, giặc Mỹ càng điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc.

Ngã ba Thình Thình, đèo Bảy, đèo Ba, ngầm Rào Mát, Rào Bội trở thành những toạ độ lửa nhưng đêm đêm vẫn rầm rập những chuyến xe qua. Xe chạy được một thời gian thì đường sục lên thành những lớp bụi đầy dày quá gối. Mỗi lần xe qua, từng đụn bụi cuốn lên cao kéo thành vệt trắng dài trên tán cây rừng. Máy bay địch lần theo đó mà bắn phá, rải bom. Toàn đội N53 phải căng ra trên toàn tuyến đường 50 cây số vừa kịp thời san lấp hố bom, sửa ngầm, vừa phối hợp các lực lượng tạo thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ đường.

Ngày 20-3 năm ấy, không lực Hoa Kỳ ném bom toàn tuyến đường 21, chúng bắn cháy 54 xe ô tô các loại và cũng là ngày 7 chiến sĩ TNXP của đại đội 538 bị bom vùi không tìm thấy xác ngay đỉnh đèo Ba. Chưa đầy bốn năm gắn bó với cung đường này, đã có trên một trăm đồng đội thân yêu của bác Lý hoà mình vào đất đá, cỏ cây nơi đây để cho những cung đường rạng ngời trang sử.

Nửa thế kỷ đã qua, kẻ hậu sinh như tôi mới có dịp tiếp cận những địa danh trên cung đường huyền thoại. Con đường loang lỗ vết tích chiến tranh mà tôi đã gặp trong những thước phim tư liệu hôm nay có phần xuống cấp hơn, đá sỏi gập gềnh.

Vào thăm đền thờ tướng quân Cần Vương, thắp mấy nén nhang nguyện cầu cho người thiên cổ rồi lên cầu Thình Thình ngắm hồ Bộc Nguyên trong buổi chiều tà. Trên đầu những tán thông xanh ngời, trước mặt hồ nước xanh vợi, dưới chân thảm cỏ xanh êm, nỗi mệt nhọc sau một ngày vượt núi trèo non trong tôi hầu như tan biến. Nghĩ về viễn cảnh một khu du lịch lịch sử - sinh thái, lòng tôi chợt nhói lên một nỗi ước ao.

Kỳ II: Một đời duyên nợ với Trường Sơn

Hà Tĩnh Online - Đi qua cuộc chiến tranh, đồng đội người còn người mất, nhiều người hoà mình vào cây cỏ Trường Sơn, cũng có rất nhiều người thành danh trên bước đường sự nghiệp. Trong bài viết nhỏ này, tôi muốn nhắc đến một con người sau những năm tháng vô tư hiến dâng tuổi thanh xuân và một phần sức khoẻ cho những cung đường huyền thoại, lại tất tả trên đường đời với bao nỗi lo toan.

Chị có cái tên nghe thật dễ mến: chị Lế, Phạm Thị Lế. Năm 25 tuổi, sau những năm tháng tham gia hoạt động đoàn ở cơ sở, từ miền quê nghèo Kỳ Lâm (Kỳ Anh), chị Lế tình nguyện lên đường hoà vào đoàn quân ra trận trong màu áo tình nguyện tươi xanh trong đội hình Đội TNXP 53. Khi ấy chị chưa đầy một tuổi Đảng.

Cầu Thình Thình hôm nay

Cầu Thình Thình hôm nay

Thời gian thắm thoắt thoi đưa, cô gái thanh niên xung phong căng tràn sức sống năm xưa nay tóc đã pha sương, lưng đã còng, sức đã cạn. Trong căn nhà tranh xiêu vẹo nằm lọt thỏm giữa xóm núi Hải Hà, người đàn bà đã qua tuổi “cổ lai hi” tiếp tôi với thái độ e dè vốn có của một phụ nữ nông thôn. Thế nhưng khi nghe tôi nhắc đến những năm tháng ở Trường Sơn, gương mặt của chị bổng sáng rực lên, trong ánh mắt, nụ cười của người đàn bà ngồi trước mặt tôi hôm nay dường như chưa hề nhạt phai ký ức một thời đạn lửa.

Chị còn nhớ, giữa những ngày hè năm 1965, sau gần một tuần vừa đi vừa phát cây vạch lối, đại đội của chị vào đến điểm tập kết. Cung đường đơn vị chị đảm nhiệm chỉ cách Tân Ấp chưa đầy 5 cây số, là đoạn cuối của đường 21 chạy trên đất Hà Tĩnh. Tạm biệt quê hương lên đường với những ước mơ khát khao cống hiến của lứa tuổi thanh xuân phơi phới niềm tin yêu lý tưởng, chị trở thành người chị cả trong đội hình tiểu đội 1, đại đội 9, Đội TNXP 53.

Cắt lá rừng làm lán, chẻ cây rừng làm sạp để nằm, toàn tiểu đội có 15 chị em sống chung như một gia đình đông con mà người chị cả luôn mẫu mực lo cho đàn em đang tuổi ăn tuổi lớn, từ mẫu bồ kết gội đầu, chiếc cặp ba lá, mảnh vải còn lành để vá những bộ quần áo rách te tua trong những ngày đi san đường, bạt núi. Nghị lực của người sơn nữ được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh nhanh chóng giúp chị trưởng thành, chỉ hai tháng sau, chị đã là bí thư chi bộ, đại đội phó đại đội 9.

Trong kí ức của mỗi người lính từng đi qua cuộc chiến đều có những kỷ niệm chiến trường không thể nào quên. Với chị Lế và những người đồng đội của mình, những cuộc vào sinh ra tử nơi địa đầu tuyến lửa sẽ là những kỷ niệm không bao giờ nhạt phai trong kí ức.

Câu chuyện về chị Lế tôi đã được nghe nhiều đồng đội của chị kể nhưng hôm nay mới được tiếp kiến nhân vật chính. Đó là vào những ngày sau tết Mậu Thân 1968, giặc Mỹ tăng cường đánh phá trên toàn tuyến, ta phải huy động mọi lực lượng mới đáp ứng được nhiệm vụ thông đường cho những đoàn xe chi viện vào Nam. Ngày 20-3, địch ném bom bắn cháy nhiều xe của ta và làm đứt nhiều đoạn đường. Lệnh của cấp trên huy động mọi lực lượng nhanh chóng san lấp hố bom nối liền mạch máu giao thông.

Từ chập tối, đại đội của chị đã có mặt để san lấp hố bom, thông đường. Kinh nghiệm cho hay quảng thời gian từ chập tối đến nửa đêm là thời điểm an toàn nhất, nhưng do khối lượng công việc quá lớn, đến tảng sáng ngày hôm sau đường mới được thông. Khi những chuyến xe đã vào Nam an toàn, trên đường đơn vị thu quân về đến đèo Bảy thì bị máy bay Mỹ tập kích, đội hình của đại đội hầu như bị vùi trong đất đá.

Bảy người đồng đội thân yêu của chị mãi mãi nằm lại trong đất đá Trường Sơn. Chị Lế lăn từ trên đỉnh đèo cao xuống vực sâu nhưng cây cỏ Trường Sơn đã chở che cho hình hài thiếu nữ. Đồng đội được một phen hú vía và từ đó tên đèo Bảy được chuyển thành đèo chị Lế.

Đèo Bảy – đèo chị Lế cùng nhiều địa danh đã đi vào lịch sử trên cung đường này hôm nay cây rừng đã mọc kín lối đi. Con đường năm xưa các chị chăm chút như người mẹ vá áo cho con, người vợ vá áo cho chồng nay vắng bóng người qua.

Cũng như cuộc đời của chị Lế, chỉ chưa đầy bốn năm gắn bó với cung đường máu lửa, hai năm chị là chiến sĩ thi đua, bảy lần được nhận bằng khen, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, rồi chị từng được đi dự Đại hội điển hình TNXP toàn quốc lần thứ nhất nhưng cuộc đời hôm nay hỏi mấy ai biết chị.

Cuộc sống hàng ngày của cựu TNXP Phạm Thị Lế

Cuộc sống hàng ngày của cựu TNXP Phạm Thị Lế

Bốn năm có mặt nơi địa đầu tuyến lửa, hai lần chị Lế phải vào bệnh viện chữa trị vết thương và đến cuối năm 1968, vì lý do sức khoẻ chị được điều về làm quản lý bếp ăn cho Văn phòng Tỉnh uỷ. Năm 1972, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lúc này chồng đang chiến đấu ở chiến trường C nên chị đã làm đơn xin nghỉ việc.

Những kỷ vật thời chiến chị luôn cất giữ bên mình nhưng không may một lần hoả hoạn, ngọn lửa oan nghiệt đã cướp hết toàn bộ tài sản tích cóp của cả gia đình và những chứng tích chị đổi bằng xương máu ở chiến trường. Đã năm lần bảy lượt chị đi gõ cửa khắp nơi, người làm chứng thì nhiều nhưng trong các hồ sơ lưu trữ chưa tìm thấy những trang ghi thành tích của chị nên đành chịu thiệt. Chị lại trở về với núi rừng Trường Sơn, cùng chồng sớm hôm tảo tần chăm cây, cuốc rẫy, suốt cuộc đời chưa được một phút thảnh thơi. Vất vả, lo toan đời thường cộng với những vết thương ở chiến trường hành hạ làm cho chị già yếu rất nhanh.

Những ngày này cả nước ta đang hướng về kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn. Trong hàng trăm cung đường huyền thoại, nhắn ai nhớ về một cung đường chạy xuyên qua giữa đại ngàn đất mẹ, như một mạch máu hồng hoà vào nhịp đập khoẻ khoắn Trường Sơn. Và nhắn ai hãy nhớ những con người một thời vào sinh ra tử, dâng trọn tuổi thanh xuân cho những cung đường giữa những tháng ngày rực lửa Trường Sơn.

KỲ III: Làng Vòng chuyển mình

Hà Tĩnh Online - Kéo dài từ ngã ba Thình Thình đến Km23, làng Vòng (xã Thạch Điền, Thạch Hà) quanh co uốn lượn ôm lấy sườn tây đường 21. Những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, như bao làng quê Việt Nam, người dân làng Vòng đã góp sức viết nên những trang sử vàng chói lọi. Và hôm nay, sau ngót nửa thế kỷ ra sức dựng xây, nơi thâm sơn cùng cốc một thời đã bắt đầu rạng mở một hướng đi.

Chiều hè Trường Sơn, nắng vàng rực như mật ong. Gió Lào thổi suốt chiều dài buổi chiều. Tôi cùng xóm trưởng Nguyễn Văn Hường đi ngược chiều gió trên những sườn núi gập ghềnh. Ngày xưa, những đoàn xe ra trận cũng đã từng đi theo ngược chiều cơn gió ấy. Chúng tôi ghé thăm “già làng” Nguyễn Khắc Quảng. Cụ Quảng nay đã qua tuổi bát thập nhưng giọng nói, tiếng cười còn khí khái như một tù trưởng của núi rừng Trường Sơn.

Một góc làng Vòng.

Một góc làng Vòng.

Cụ kể, quê cụ ở Đức Thọ, nhưng những năm đói trước cách mạng tháng Tám, bước chân tha hương cầu thực dẫn cụ lên ở rể làng Vòng. Lúc đó, làng Vòng chỉ vỏn vẹn dăm bảy nóc nhà bám theo con đường mòn của những người thợ rừng đi săn thú. Cái tên Vòng của làng xuất phát từ ý nghĩa tượng trưng cho sự quanh co của con đường.

Ngày giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, làng Vòng đã phát triển được hơn ba chục nóc nhà, chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa giáo. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, người dân làng Vòng không kể giáo lương, đã đoàn kết một lòng, nhường nhà, nhường vườn cho các lực lượng kháng chiến.

Những ngày sau khi đường 21 thông xe, làng Vòng trở thành một trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ với những địa danh chạy dọc làng như ngã ba Thình Thình, cầu 17, đèo Ba, đèo Bảy. Không thể tính hết số lượng bom đạn Mỹ đã dội xuống nơi đây và cũng không thể đo đếm được sức lực, máu xương của người dân làng Vòng đã âm thầm đóng góp vì những cung đường.

Đi qua cuộc chiến tranh, người dân làng Vòng trở về “tiếp quản” các trận địa pháo, những hệ thống giao thông hào dày đặc chạy quanh làng, bắt tay xây dựng cuộc sống mới trên đống đổ nát của chiến tranh. Xóm trưởng Nguyễn Văn Hường còn nhớ, thế hệ anh sinh ra đúng vào những năm tháng ác liệt của cuộc chiến nhưng mãi đến khi trưởng thành vẫn là thế hệ thất học. Cả làng Vòng ngày ấy chỉ có mấy anh em nhà anh và vài ba chúng bạn dám vượt núi cao suối sâu về miền xuôi trọ học, còn lại hầu hết là mù chữ.

Người dân làng Vòng chân trần, mắt toét, sống hoàn toàn dựa vào rừng theo lối tự cung tự cấp, gần như biệt lập với miền xuôi vì tuyến đường 21 là tuyến độc đạo vào làng Vòng bị tàn phá trong chiến tranh từng ngày càng xuống cấp. Mãi đến năm 2004, làng Vòng mới có điện lưới quốc gia, vùng lam sơn chướng khí này bắt đầu được khai sáng.

Đi theo dòng sáng điện, người dân làng Vòng được tiếp cận những thông tin cần thiết về sản xuất, những cách làm hay của người dân mọi miền quê thời kinh tế thị trường. Từ nếp nghĩ đến cách làm của người dân làng Vòng bắt động chuyển hướng. Cả xóm có gần bảy chục hộ dân, chỉ có chưa đầy 12ha đất trồng lúa nhưng nay đã biết cách cải tạo ruộng đồng, liên tục đưa giống mới vào canh tác làm cho đất đai không một ngày ngơi nghỉ, nên mấy năm gần đây người dân làng Vòng đã cơ bản tự túc được vấn đề lương thực.

Với bản chất cần cù, chịu khó lại rất năng động, người dân làng Vòng đã từng bước thích ứng với kinh tế thị trường, đã biết khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của đất rừng. Theo số liệu thống kê nhanh của xóm trưởng Hường, cả làng Vòng hiện có hơn 600ha rừng trang trại. Nhà nhiều nhất có đến dăm chục héc-ta rừng, nhà ít cũng đã trồng được dăm bảy héc-ta.

Cựu TNXP Đặng Công Lĩnh (trái) bên vườn rừng của mình.

Cựu TNXP Đặng Công Lĩnh (trái) bên vườn rừng của mình.

Theo lời giới thiệu của anh Hường, chúng tôi vào thăm một trang trại nằm sát cầu 17 trên đường 21. Chủ trại là ông Đặng Công Lĩnh, quê ở xã Hoà Hải (Hương Khê), và vợ là bà Bùi Thị Nguyệt, quê ở Cẩm Tiến (Cẩm Xuyên) đều là những cựu TNXP của Đội 53 tham gia mở đường 21. Trong căn nhà nhỏ vừa được cất lên hướng ra mặt đường 21, ông Lĩnh đã kể cho tôi nghe chuyện tình, chuyện đời của hai người.

Là lớp TNXP đầu tiên đầu quân vào Đội 53, ông bà phải lòng nhau ngay từ ngày đầu san đá, phá lèn mở đường chiến lược. Ngày đó ông mới đôi mươi còn bà qua tuổi trăng tròn. Mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của hai người đến với nhau lãng mạn, ngọt ngào như thế và lớn dần lên trong mưa bom bão đạn.

Sau ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, hai người tổ chức đám cưới. Bà về quê chồng sinh sống, còn ông chuyển sang ngành giao thông tiếp tục có mặt hàn gắn vết thương cho những cung đường Trường Sơn. Như một đời duyên nợ với Trường Sơn, cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, ông Lĩnh dẫn vợ yếu con thơ từ quê vào nơi một thời ông bà gắn bó tuổi xuân để sinh cơ lập nghiệp. Ngày qua ngày, vợ chồng ông chăm chỉ cuốc rừng trồng cây nuôi đàn con khôn lớn.

Ba đứa con ông nay đã trưởng thành và cũng chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Mấy năm trước, khi xã Thạch Điền và lâm trường Thạch Hà thực hiện chủ trương giao đất rừng sản xuất cho các hộ dân làm trang trại, gia đình ông nhận 8ha đất rừng trồng mới. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đại gia đình ông đã phủ kín hết diện tích với hơn một vạn cây keo, ông chia đều thành 4 hộ giao cho các con quản lý.

Ông nhẩm tính, chỉ hai năm nữa là keo của ông cho thu hoạch, theo thời giá như hiện nay mỗi cây keo bán tại gốc xấp xỉ 30 ngàn đồng thì số tiền để dành của gia đình ông không phải nhỏ. Một đời gắn bó với Trường Sơn, người cựu TNXP này thấy ấm lòng khi cuộc sống cuối đời của mình đang hé mở một tương lai tươi sáng.

Một ngày bình yên ở làng Vòng sắp trôi qua trong cái biến động vô hồi kỳ trận của vũ trụ bao la. Tôi nhìn những vỉa đá màu váng sắt dưới chân mình, trên những địa danh huyền thoại và thầm nghĩ rằng sắt thép vũ khí, bom đạn, thuốc nổ đã bị nung chảy rồi tan hoà vào đất đá Trường Sơn, để cho màu đất đai nơi đây đỏ tươi màu máu. Mỗi rừng cây, mỗi góc núi như còn âm vang chiến tích của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, hôm nay đang từng ngày được khai phá tiềm năng để rút dần khoảng cách miền ngược - miền xuôi. Làng Vòng đang chuyển mình cùng đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast