Những ngày ở LIBYA

Đa số anh em công nhân lao động xuất khẩu sang Sebha, Libya đều đến từ những vùng quê nghèo. Để có số tiền mấy chục triệu đồng đóng cho công ty môi giới, hầu như ai cũng phải vay mượn, có người mang cả sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Dù biết Sebha là nơi có thời tiết nóng nhất thế giới nhưng tất cả vẫn quyết tâm ra đi với mong ước xóa đói giảm nghèo.

Bút ký

I: Ra đi cho một ước mong

Chuyến bay nửa vòng trái đất

Hà Nội, cuối đông năm 2008. Ấy là thời điểm đặc biệt với hai mươi công nhân lao động xuất khẩu chúng tôi. Tất cả tập trung về đây để xuất phát cho hợp đồng lao động có thời hạn hai năm ở Libya. Nghe đâu, đó là một đất nước ở Bắc Phi với nguồn dầu mỏ dồi dào nhất nhì thế giới. Anh Ngọc – người bên công ty môi giới xuất khẩu lao động nói rằng: Có hàng ngàn công nhân nước ta đã và đang làm việc ở đó, nhưng họ chỉ tập trung chủ yếu ở thủ đô Tripoli và các vùng lân cận. Còn chúng tôi sẽ là những người Việt Nam đầu tiên đến Sebha – một thành phố phía Nam, cách sa mạc Sahara chừng 400km….Nghe vậy, ai ai cũng thấy nóng ran cả người vì lo lắng. “Sẽ là những ngày gian nan lắm đây!” Nhận thấy sự ái ngại trong mắt mỗi người, anh Ngọc vội vàng trấn an: “Thực tế, thời tiết ở đó cũng như ở miền Trung nước ta thôi. Không có gì ghê gớm lắm đâu!”. Nhìn gương mặt sạm nắng gió của các đồng nghiệp đi cùng, tôi tin đó không phải là trở ngại quá lớn.

Thiên nhiên Libya
Thiên nhiên Libya

Sau những bịn rịn chia tay với người thân, chúng tôi xếp hàng để vào làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Nội Bài. Anh Trần Văn Đăng kỹ sư cầu đường được phân công làm trưởng đoàn theo sát mọi người để khỏi lạc nhau, còn tôi là phiên dịch sẽ lo phần thủ tục lên máy bay. Vì chưa có đường bay trực tiếp sang Tripoli (thủ đô của Libya) nên đoàn chúng tôi sẽ phải quá cảnh qua cảng hàng không Doha (Qatar).

Khi đã yên vị trên máy bay, tôi chợt nghĩ về ước mơ của mình. Hi vọng với mức lương tương đối cao được ký trong hợp đồng sẽ giúp tôi cải thiện đời sống sau hai năm trở về. Đó cũng là niềm mong ước chung của mười chín đồng nghiệp còn lại. Tôi nhìn sang, họ đều đang tranh thủ chợp mắt cả. Có lẽ ai cũng cần giữ sức cho hơn hai mươi giờ bay nữa.

Nỗi nhớ quê hương da diết giữa đêm đông giá lạnh

Đoàn chúng tôi đặt chân đến thủ đô Tripoli vào lúc nửa đêm. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Anh Đăng trưởng đoàn gọi tên từng người điểm danh xem có ai bị thất lạc không, rồi nhớn nhác tìm người đón theo như lịch trình. Hơn ba mươi phút trôi qua trong lo lắng, cuối cùng một chàng thanh niên da màu dong dỏng cao xuất hiện. Anh xưng là Khalid Mohamed người của công ty cử đến đón chúng tôi về….

Tiếp tục hành trình gần 1000 km bằng đường bộ với vận tốc xe có lúc lên đến gần 200km/h. Ai cũng choáng váng, say sẩm mặt mày vì ở Việt Nam chưa bao giờ đi với tốc độ chóng mặt như vậy. Loang loáng qua ô cửa kính, tôi thấy xung quanh chỉ toàn sa mạc với những đụn cát lớn nhỏ nhấp nhô trải dài ngút ngát đến vô tận. Thi thoảng gặp những đoạn đường đang xây dựng dở dang làm xe nhảy dựng lên. Theo Khalid: Ở đây có đến gần 90% diện tích là sa mạc, dân cư rất thưa thớt, trung bình khoảng 1 người/km2. Họ chủ yếu sống tập trung ở phía bắc bên bờ biển Địa Trung Hải, thủ đô Tripoli và các vùng phụ cận. Vì thế, có lúc xe chúng tôi đi cả hơn 100km mới gặp mấy ngôi nhà lác đác ven đường và vài người dân bản địa. Tuy vậy, nhờ có nguồn dầu mỏ dồi dào bậc nhất thế giới nên chính sách an sinh xã hội ở đây rất tốt: Mỗi người dân được cấp 2,5 Đina (khoảng 40.000 VND) cho một ngày. Y tế, giáo dục miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra, chính phủ còn hỗ trợ chỗ ở cho những người dân không có nhà….

Mải mê trò chuyện, tôi không để ý xe đã đến cổng công ty tự lúc nào. Ra đón chúng tôi có một nhóm công nhân với nhiều quốc tịch khác nhau: Thái Lan, Banglades, Ấn Độ, Mauritanie, Sudan, Tchad….Thì ra, có rất nhiều công nhân đến từ khắp nơi trên thế giới đã gắn bó lâu năm ở đây. Họ sẽ là những đồng nghiệp của chúng tôi trong hai năm tới. “Welcome to Sebha!” (chào mừng đến Sebha). Đó là câu cửa miệng của tất cả mọi người.

Chúng tôi có buổi làm việc đầu tiên vào sáng ngày hôm sau. Đơn vị chủ quản là một công ty xây dựng cầu đường của người Hi Lạp. Họ đến đây theo sự kêu gọi đầu tư của chính phủ Libya. Ông Christos – giám đốc điều hành đích thân gặp gỡ từng người và phân nhóm lao động theo đúng như ngành nghề đã đăng ký. Cuối cùng ông nhấn mạnh rằng: “Mỗi công nhân sẽ có ba tháng thử thách tay nghề rồi mới được xem xét cho hợp đồng hai năm”. Chúng tôi đến công trường làm việc trong tiết trời lạnh giá, nắng yếu ớt, nhiệt độ khoảng dưới 10 độ C. Gió rít liên hồi trên những sa mạc cát trống huơ trống hoác. Ai cũng run lên cầm cập, nhưng vẫn cố gắng tỏ ra linh động và thể hiện hết khả năng của mình.

Bữa cơm tối, hai mươi anh em quây quần ở căn tin. Thức ăn do Sompon – một đầu bếp người Thái Lan nấu với rất nhiều ớt, cay đến xé lưỡi, toát mồ hôi hột. Chúng tôi lặng lẽ ăn cho qua bữa, phần vì nhớ những bữa cơm ấm áp bên gia đình mà không cầm lòng nổi, phần vì lo lắng cho việc thích nghi với môi trường làm việc mới. Đặc biệt là các anh em trong tổ lái xe, lái máy. Có người chỉ được đào tạo sơ xài về tay nghề ở công ty môi giới nên sang đây chạm vào máy móc cứ rối lên như gà mắc tóc. Điều lo ngại nhất là ba tháng thử việc sẽ trôi qua rất nhanh….

Công nhân tại công trường Sebha
Công nhân tại công trường Sebha

Mất ngủ. Có lẽ đó làm cảm giác khó khăn nhất mà chúng tôi phải trải qua trong những đêm mùa đông dài đằng đẵng ở đây. Có hôm gần hai giờ sáng, trong cái lạnh tái tê, nhiệt độ xuống đến 0 độ C mà tôi thấy phòng các anh em trong đoàn vẫn đồng loạt sáng đèn. Hỏi ra mới biết: Do nhớ nhà, nhớ quê hương không ngủ được nên mọi người tụ tập lại để chuyện trò cho nguôi ngoai. Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là hình ảnh anh Bình – thợ hàn, đêm nào anh cũng lấy tấm hình con trai ra khoe, rồi nhìn trân trân vào đó đến vài tiếng đồng hồ. Một hôm, trên đường đi làm anh vô tình đánh rơi mất tấm hình. Thế là suốt mấy tháng sau, lúc nào anh cũng ngơ ngẩn như người mất hồn.

II: Vất vả mưu sinh giữa lòng sa mạc nóng bỏng

Dưới cái nóng gay gắt của mùa hè, lúc đỉnh điểm lên đến 57 độ C, chúng tôi vẫn phải làm việc không ngừng nghỉ. Có những mất mát đau lòng đã bất ngờ xảy đến trong các trận bão cát kinh hoàng giữa lòng sa mạc.

Cái tết buồn nơi đất khách quê người

Chúng tôi bắt đầu làm việc được gần hai tháng thì đến Tết âm lịch ở Việt Nam. Dù cách xa quê hương đến gần nửa vòng trái đất nhưng ai ai cũng rất háo hức đón tết. Vì mới chân ướt chân ráo sang nên chúng tôi chẳng kịp tổ chức tiệc tùng gì. Tất cả anh em chỉ đưa ra nguyện vọng được nghỉ một ngày để có thời gian gọi điện về thăm hỏi gia đình ở quê nhà. Tôi đem nguyện vọng ấy trình bày với ban giám đốc. Ông Christos (giám đốc điều hành) nói rằng: “Vì các cậu ở xa nên có nghỉ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Thế nên các cậu cứ đi làm đi, tôi sẽ có chế độ thưởng thêm cho mỗi người”. Nhưng chúng tôi nhất quyết phải xin nghỉ bằng được. Vì cả năm mới có một ngày. Đó là ngày thiêng liêng và nhiều ý nghĩa nhất trong năm. Dù ở xa nhưng chỉ cần tấm lòng hướng về quê hương, nguồn cội là đủ. Dẫu có được thưởng bao nhiêu tiền cũng không thể đánh đổi được.

Chúng tôi đón giao thừa lúc 7 giờ tối (vì múi giờ ở Việt Nam sớm hơn bên này 5 tiếng). Xong, tất cả tập trung ở căn tin ngồi quây quần đón tết với ít bánh mỳ và nước ngọt mà không có chút rượu nào (vì rượu là đồ quốc cấm ở đây). Đêm ấy, mắt người nào người nấy đều đỏ hoe vì thương nhớ vợ con, gia đình và người thân.

Thoắt cái, ba tháng thử việc đã trôi qua. Tôi còn nhớ như in buổi sát hạch cuối cùng. Mọi người xôn xao cả lên khi thấy tôi từ văn phòng giám đốc bước ra. Nhìn vẻ mặt rười rượi buồn của tôi, ai cũng biết là có điều chẳng lành. Tôi run run đọc bản quyết định cho thôi việc và gửi trả về nước của ban giám đốc. Tất cả lặng đi…. Vậy là từ nay, thợ lái máy san Lê Đức Xuân và thủ kho Trần Văn Đông sẽ không còn đồng hành cùng chúng tôi nữa. Nhìn đôi mắt rưng rưng của anh Đông, tôi không thể cầm lòng nổi. Tôi biết vợ con anh đã phải đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để có đủ mấy chục triệu cho anh sang đây. Biết bao kỳ vọng, biết bao chờ trông…Vậy mà nay tay trắng trở về thì lấy gì để trả nợ?. Trong cái lạnh thấu xương của buổi sáng tinh mơ nơi sa mạc, chúng tôi tiễn hai đồng nghiệp về mà lòng dâng lên một nỗi buồn khó tả.

Những tai nạn bất ngờ trong bão cát dưới cái nóng 57 độ C

Tháng sáu. Thời tiết Sebha chuyển sang mùa hè. Mặt trời mọc từ 4h30 sáng và lặn vào 20h30 chiều. Ngày dài, đêm ngắn. Đó là lẽ thường tình, nhưng đáng bận tâm hơn cả là cái nóng hầm hập lúc giữa trưa. Ấy mới là nỗi khiếp đảm của chúng tôi. Nắng chang chang đổ lửa xuống mặt đất, lớp cát trên bề mặt sa mạc nóng như được rang trên chảo lửa. Nhìn xa, có thể thấy từng làn hơi nóng nghi ngút bốc lên. Không khí loãng ra tới mức nghẹt thở. Dù qua một lớp giày bảo hộ mà tôi vẫn còn cảm thấy cái nóng hầm hập ở dưới chân mình. Không ai dám thử đi chân đất trên mặt đường vào thời điểm đó vì sợ bỏng. Có lúc tôi và Costas (một đồng nghiệp người Hi Lạp) đo thấy nhiệt độ bên ngoài lên đến 57 độ C. Những anh em phải làm việc ngoài trời đều ngụy trang kín mít từ đầu đến chân, chỉ để hở mỗi đôi mắt. Vậy mà, ngày nào cũng có vài người bị say nắng ngất xỉu giữa công trường phải đưa gấp về trại nghỉ dưỡng.

Còn một nỗi sợ hãi nữa mà không một ai sống ở sa mạc không biết đến. Đó là bão cát. Chúng tôi đã trải qua ít nhất hai mùa bão cát trong suốt thời gian sống và làm việc ở đây. Có cơn bão cát kéo dài dai dẳng suốt mấy ngày trời. Những cơn bão này thường không đáng sợ lắm, vì nó đến có sự báo trước và thường là những cơn bão nhẹ. Đáng sợ nhất là những cơn bão mạnh bất ngờ ập đến. Cơn bão ấy thường xuất hiện vào buổi chiều, khi có những cơn gió ùa tới tạo thành lốc xoáy cuốn theo cát bụi và đồ đạc bay mù trời. Từng đợt, từng đợt như vậy kéo dài khoảng chừng hai đến ba tiếng đồng hồ. Thật là tai họa cho ai đó vô tình bị cuốn vào tâm bão thì không có lối nào thoát ra được. Thậm chí những chiếc xe hơi đang chạy trên đường gặp phải cũng bị cuốn lảo đảo, mất lái gây tai nạn hoặc lật xe. Có những mất mát thương tâm đã xảy ra trong các trận bão đó: Số là hôm ấy, đội công nhân rải nhựa đang làm việc trên đoạn đường nằm giữa sa mạc mênh mông thì một cơn lốc xoáy dữ dội ập đến. Mọi người vội vàng chạy vào xe trú ẩn. Ngoại trừ hai công nhân người Tchad nhảy xuống hố cát đang đào dở ven đường để trú. Sau cơn bão, tất cả bàng hoàng phát hiện ra cả hai đã bị ngạt thở trong đống cát vùi.… Cùng là thân phận của kẻ đi làm thuê nơi đất khách quê người như họ nên cứ mỗi lần nhắc đến câu chuyện đó, chúng tôi lại thấy rùng mình ớn lạnh. Dẫu vậy, không ai dám kể những chuyện đáng sợ ấy cho người nhà ở quê hương nghe. Vì ai cũng nghĩ: Mình ở đây vất vả, khổ cực đành cam chịu, chứ không nỡ để người thân ở xa phải lo lắng.

III. Buồn vui ngày trở về

Kết thúc hai năm hợp đồng, chúng tôi vỡ òa trong buổi tiệc chia tay để trở về nước. Đa số các anh em đều hoàn thành mục tiêu của mình. Nhưng vẫn có những người đành phải ngậm ngùi ở lại để bắt đầu từ con số không.

Cuộc đình công không hẹn trước

Đầu năm 2010, tình hình khủng hoảng kinh tế ở Hi Lạp trở nên trầm trọng hơn. Công ty mẹ ở bên ấy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình công ty chúng tôi bên này. Đầu tiên là rải rác những nhóm công nhân các nước Sudan, Mauritanie, Nigeria… xếp hàng trước văn phòng giám đốc hỏi về tiền lương ba tháng chưa được trả. Tiếp đó, toàn bộ hàng trăm công nhân Thái Lan, Ấn Độ, Banglades… cùng nói rằng suốt bốn tháng nay gia đình họ cũng không nhận được lương qua tài khoản như thường lệ. Tình hình của những công nhân Việt Nam cũng tương tự. Dù bảng lương vẫn được dán trên căn tin đều đặn hai tháng một lần, nhưng gia đình báo sang vẫn chưa nhận được tiền. Tất cả dấy lên một làn sóng nghi ngờ: “Phải chăng công ty đang đi đến hồi phá sản? Và sẽ không có đủ tiền lương để trả cho công nhân?”. Giám đốc điều hành Christos đã có buổi nói chuyện với đại diện của công nhân các nước. Ông đảm bảo: Mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát và sẽ không có chuyện công ty bị phá sản. Nguyên nhân là do sự trì trệ của hệ thống ngân hàng nên lương bị chậm trễ. Ông cam kết rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết trong vòng hai tuần tới. Mọi người trở về với công việc và hi vọng sau mười lăm ngày mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy.

Rồi hai tuần cũng trôi qua, nhưng lương vẫn chưa thấy đâu. Lòng chúng tôi như lửa đốt. Tất cả bắt đầu cảm thấy chán nản và mất niềm tin. Đích thân tổng giám đốc Sakis mang cả biên lai nhận tiền của ngân hàng đến giải thích với mọi người, nhưng có vẻ không ai còn muốn tin nữa…

Tác giả (bìa phải) và một công nhân XKLĐ tại Libya
Tác giả (bìa phải) và một công nhân XKLĐ tại Libya

Ngày hôm sau, toàn bộ công nhân Việt Nam đồng loạt nghỉ việc không lí do. Các đồng nghiệp người Thái Lan, Sudan, Ấn độ…thấy vậy cũng nghỉ theo. Chỉ lác đác vài công nhân các nước khác đi làm nhưng đành phải về vì thiếu nhiều bộ phận quan trọng, hệ thống hoạt động gần như tê liệt. Vấn đề đã căng thẳng đến mức đỉnh điểm không thể không giải quyết. Ban giám đốc buộc phải xuống nước năn nỉ công nhân hãy cho họ thêm thời gian ngắn nữa. Nhưng tất cả đều cương quyết rằng: Chỉ khi nào tiền lương được trả sòng phẳng thì họ mới bắt đầu đi làm lại. Dù có nghỉ không lương cả tháng trời họ cũng cam lòng….

Cuối cùng, chuyện đình công được giải quyết ổn thỏa khi công ty ứng trước được tiền dự án và trả đầy đủ cho tất cả công nhân.

Giấc mơ gần như trọn vẹn

Sau cuộc đình công ấy, chúng tôi có lịch đón một đợt công nhân mới từ Việt Nam sang. Vậy là thấm thoắt cũng đã gần hai năm trôi qua. Hợp đồng của mười tám người chúng tôi cũng sắp kết thúc. Công ty cần bổ sung thêm nguồn nhân lực bởi đoàn chúng tôi có rất ít người gia hạn hợp đồng. Buổi đón tiếp các đồng nghiệp mới diễn ra vô cùng vui vẻ. Ai ai cũng ríu ran hỏi về tình hình đất nước trong hai năm xa cách. Các anh em người Nghệ Tĩnh gặp đồng hương, tay bắt mặt mừng. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng địa phương khiến tôi chẳng hiểu gì cả….

Mấy tháng sau. Buổi tiệc chia tay về nước của mười tám người chúng tôi cũng đến. Qua hai năm nhìn lại, có biết bao điều muốn chia sẻ với nhau. Ai cũng nghẹn ngào sung sướng vì sắp được trở về quê hương xứ sở sau quãng thời gian dài xa cách. Tuy vậy, vẫn có đôi người buồn bã, chán nản và không muốn về. Đó là trường hợp của Lân – một lao động phổ thông đến từ Hà Nội. Lân kéo tôi ra một góc tâm sự rằng: Sau hai năm, mọi vốn liếng anh gửi về cho gia đình đều bị người cha ham mê cờ bạc, rượu chè của anh nướng hết vào các sòng đen đỏ. Mẹ anh vừa gọi điện sang than khóc rằng: Giờ trong nhà anh không còn chút tài sản nào đáng giá nữa. Đến ngay cái nhà từ đường mà gia đình anh đang ở cũng bị cha anh đem đi cầm cố mất. Lân gục vào vai tôi khóc nấc lên như một đứa trẻ – những giọt nước mắt đàn ông nghẹn ngào rơi, nghe sao mà đắng đót! Hay trường hợp của anh Lương – người Nghệ An, anh nhất quyết gia hạn hợp đồng và ở lại luôn mà không cần về phép. Bởi một nỗi éo le: Sau hai năm cực khổ tích góp từng đồng gửi về cho gia đình. Nhưng vợ anh vì ham chút tiền lời nên đã đem hết cho người ta vay để rồi vỡ nợ mất trắng. Giờ anh có về cũng chỉ buồn thêm. Thôi thì gắng ở lại làm việc cho nguôi ngoai đi vậy….

Một ngày cuối đông. Trong chiều hoàng hôn đỏ rực, đoàn chúng tôi lại bắt đầu hành trình hai mươi ba giờ bay để trở về quê hương xứ sở với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Tạm biệt Libya. Tạm biệt Sebha. Tạm biệt những sa mạc cát trắng phau, những mùa hè nóng ran và những mùa đông buốt giá. Bữa cơm đoàn viên với người thân sau hai năm thương nhớ chỉ còn cách chúng tôi chừng hai chặng bay nữa./..

(Gửi riêng cho Hà Tĩnh Online)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast