Những người “bắt mạch” sông, “chẩn bệnh” trời

“Bắt mạch” cho sông là công việc lặng thầm nhưng không thể thiếu trong mục đích “chế ngự thiên tai” của những người làm công tác dự báo thuỷ văn (DBTV). Song ít ai biết đằng sau những giọt mồ hôi “hoà cùng nước sông” của họ lại là những ẩn hoạ khôn lường và cả nỗi niềm trăn trở khi “cả gan” đương đầu với …thủy thần

“Đồng hành” cùng… nguy hiểm

Theo con đường xi măng lỗ chỗ vết thời gian dẫn lối vào sâu hút, tôi đặt chân lên Trạm Thuỷ văn (TTV) Hoà Duyệt vào một buổi chiều mưa tầm tã. Bầu trời vùng cao nhuốm một màu u ám. Theo hướng tay chỉ của người lái đò, TTV Hoà Duyệt thấp thoáng giữa đám cây cối xung quanh, nằm chênh vênh trên con sông Ngàn Sâu rộng lớn. Trái với tưởng tượng trước khi đến đây, hiện ra trước mắt tôi là ngôi nhà ba gian cũ kĩ bám đầy rêu mốc. Phòng nào cũng đóng cửa im ỉm. Mưa vẫn xối xả không ngớt khiến không gian nơi đây lại càng thêm hiu quạnh.

Trận "lũ chồng" lịch sử năm 2010 ở Hà Tĩnh gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: TL
Trận "lũ chồng" lịch sử năm 2010 ở Hà Tĩnh gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Ảnh: TL

Phải mất độ 15 phút, một nam thanh niên mới xuất hiện. Anh đón tôi với nụ cười rạng rỡ. Nói về chiếc quần còn đang ống thấp ống cao, anh cho biết vừa xuống sông đo mực nước. 1h chiều, thời gian mọi người đang say giấc nồng, anh vẫn cặm cụi làm việc. Người thanh niên tự giới thiệu tên mình là Lê Thanh Xuân. “Nhiệm vụ chủ yếu của các quan trắc viên là đo mực nước, lưu lượng, đo phù sa, nhiệt độ nước, nhiệt độ mưa, lượng mưa rồi tổng hợp lại để gửi điện báo ra đài KTTV Bắc Trung Bộ. Có 4 giờ đi “ốp” là vào các giờ 1h, 7h, 13h, 19h. Nhưng giờ “ốp” chỉ là đối với ngày thường. Mùa mưa lũ, phải đo từng giờ một. “Thật vất vả” – tôi thoáng chút ái ngại khi nghe anh Xuân nói về “việc thường ngày ở huyện” của họ.

Trách nhiệm như “đè nặng” hơn khi Hoà Duyệt là trạm đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống thuỷ văn trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu ở nước ta ngày càng rõ nét (đỉnh điểm là vào tháng 9, tháng 10 của trận lũ lịch sử 2010). TTV Hoà Duyệt như chiếc đồng hồ báo lũ. Vào mùa mưa, biên độ mưc nước luôn dao động, nước lên rồi lại xuống rất nhanh, các anh phải liên tục quan trắc. Nhịp độ công việc dày đặc đòi hỏi sự chính xác cao, bởi chỉ cần sai sót một li, là có khi phải đánh đổi hàng trăm mạng người.

Theo lời Xuân, trạm được nhận 5 biên chế nhưng hiện tại mới chỉ có 4 người. Anh hóm hỉnh giới thiệu: “ Anh Lê Hồng Công trưởng trạm là chuyên gia đi dự án, anh Nguyễn Minh Đức là trưởng thôn Liên Hoà kiêm luôn người chèo thuyền ra sông đo lưu lượng, và một chú làm hợp đồng mới vào hơn tháng nay”. Khi đã chọn thuỷ văn làm “điểm tựa”, người trong nghề đã mất đi cảm giác sợ hãi mỗi khi đối mặt với sự hung dữ của sông nước. Việc các quan trắc viên ngồi trên đò ra giữa sông đo mực nước đã thành chuyện thường. Để bảo đảm an toàn, vào mùa lũ, các anh lại “ngụp lặn” trong những chiếc áo phòng hộ, mặc cho mưa táp vào mặt đến cay mắt. Trên bức tường đã bong tróc nhiều mảng, còn lưu lại dấu vết của trận lũ lịch sử 2010 mà người ngoài mới chỉ nhìn vào thôi cũng đã thấy kinh sợ.

Cán bộ Trạm Thuỷ văn Hòa Duyệt đo mực nước trên sông Ngàn Sâu

Cán bộ Trạm Thuỷ văn Hòa Duyệt đo mực nước trên sông Ngàn Sâu

Rời TTV Hoà Duyệt, tôi chọn TTV Chu Lễ làm điểm dừng chân tiếp theo cho cuộc hành trình. Khác với Hoà Duyệt, ở đây chỉ có 2 quan trắc viên là nữ gồm chị Toàn – trưởng trạm và Huyền, quan trắc viên. Huyền đon đả dẫn tôi theo lối vào chi chít cây ăn quả nào cam, nào bưởi mà cô khoe “của hai chị em tự trồng cả đấy”. Thoáng chút trầm ngâm, cô tự giới thiệu về công việc hàng ngày của mình. Vất vả nhất vào mùa lũ, nước dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết khiến không ít lần các cô gặp nguy hiểm. Nhìn những bậc thang dốc, rêu mốc bám trơn tuột dẫn hun hút xuống lòng sông đục ngầu tôi không khỏi rùng mình kinh hãi. Chỉ cần sơ sẩy chút thôi, lòng sông có thể nuốt chửng hai người phụ nữ nhỏ bé ấy bất cứ lúc nào.

Mùa mưa, điện bị cắt khiến công việc của họ gặp gián đoạn. Khó khăn càng nhân lên khi mùa mưa lũ tới cũng là lúc công việc đòi hỏi phải có số liệu hàng giờ, thậm chí chỉ 30 phút. Trước tình cảnh tréo ngoe, để gửi số liệu cần thiết ra cho TTKTTV Bắc Trung Bộ tổng hợp, cô và chị Toàn lại tất tả đội mưa sang những nhà có máy phát điện để xin sạc điện thoại.

Nỗi lòng người “đo mưa”

“Ốc đảo trên cạn”, cụm từ chỉ mới nghe thôi đã đủ hình dung cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn. Một bữa cơm để tỏ lòng hiếu khách, điều tưởng chừng dễ nhưng lại quá khó đối với những người sống nơi này. Nếu không muốn phải đi 8km để mua thức ăn ở chợ Bộng, những quan trắc viên của TTV Hoà Duyệt phải dặn vợ ở nhà chuẩn bị, hoặc dặn những bà buôn trên chuyến tàu từ Vinh trở vào. Đối với đàn ông các anh, nấu ăn không phải là một sở trường nhưng dù có muốn, xung quanh trạm vẫn không hề xuất hiện bóng dáng của quán ăn. “Ai cũng muốn một bữa ăn đầm ấm với vợ con, nhưng vì công việc, chúng tôi vẫn thường ăn chung với… sông nước. Nhiều lúc nghe người dân nói mấy ông thuỷ văn nhà lắm cũng không biết nên vui hay nên buồn”. Trong số những quan trắc viên ở đây, anh Công, trưởng trạm ở xa nhất. Gia đình ở tận Đô Lương (Nghệ An) nên muốn đi làm, anh lại chạy xe máy trên quãng đường hơn 100km.

Lê Thanh Xuân đang kiểm tra nước từ cột đo mưa
Lê Thanh Xuân đang kiểm tra nước từ cột đo mưa

Huyền đã gắn bó với TTV Chu Lễ từ những ngày cô mới bước qua tuổi 20, cái tuổi hừng hực sức sống với những đam mê, những khát vọng. Giữa độ tuổi đẹp nhất của đời người, Huyền đã có một quyết định táo bạo khi rời chốn đô thị đầy sôi động để lên miền cao theo niềm say mê công việc. Tính đến nay, cô đã có thâm niên 8 năm “sống chung với lũ”. Thế nhưng, dù công việc có hấp dẫn thế nào, thì nỗi đau đáu được trở về sum họp với gia đình luôn là niềm khắc khoải. Chồng Huyền là bộ đội kinh tế, đóng quân trên địa bàn huyện miền núi Kì Sơn (Nghệ An). Từ chỗ chồng tới nơi cô làm việc là quãng đường hơn 400km cách trở. Vì vậy, cô đã quen dần với việc “3, 4 tháng mới được gặp chồng một lần”. Một nách 2 con nhỏ, đứa lớn mới chỉ học mẫu giáo, đứa bé mới chỉ qua ngày tròn tháng khiến công việc của Huyền trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Ngày nào cũng vậy, cô đi xe máy 15km chở con lên thị trấn đi học rồi lại vội vã trở về với guồng quay công việc. Lắm lúc con ngủ không tròn giấc bởi nhận được điện báo của TTKTTV Bắc Trung Bộ, cô lại tất tả ra sông.

Vất vả là vậy, nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Từ khi được hưởng thêm “chế độ 166”, Huyền vui mừng khi nghĩ tới đời sống của mẹ con cô đã bớt phần chật vật nhưng hy vọng đó chẳng tồn tại được lâu khi hết thời hạn 5 năm, đồng lương eo hẹp của cô lại quay về như cũ.

Trên mảnh đất miền núi còn bộn bề gian khó, vẫn có những bóng dáng lặng lẽ hy sinh. Những con người đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đã cùng hội tụ trên cùng một vùng đất. Và, tôi chỉ ước mình là một hoạ sĩ giỏi hay một nhiếp ảnh gia tài ba để lưu giữ và tái hiện chân dung cuộc sống của những người làm công tác thuỷ văn một cách chân thực nhất, bằng tất cả lòng biết ơn trân trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast