Những tấm lòng vàng

(Baohatinh.vn) - Gần 7 năm ra đời và hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Hà Tĩnh luôn đi đầu cả nước trên mọi mặt công tác. Đối với những người làm công tác hội, kết quả thật đáng trân trọng.

Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8

Chiến tranh đã lùi xa nhưng đằng sau đó còn biết bao nỗi đau và mất mát. Đáng nói nhất là nỗi đau từ CĐDC/dioxin. Để chăm sóc, giúp đỡ và chăm lo quyền lợi cho nạn nhân, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam được thành lập và tháng 8/2006, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Tĩnh chính thức ra mắt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 huyện, thị và 244/262 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội hoạt động với trên 11.838 hội viên, trong đó 7.130 hội viên là nạn nhân và 5.525 hội viên tự nguyện. Hội đã vận động quyên góp trên 31 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà, thăm hỏi các nạn nhân, hỗ trợ phát triển kinh tế, học bổng, cấp thuốc…

Các nạn nhân CĐDC/dioxin được khám trước khi vào phòng xông hơi tẩy độc.
Các nạn nhân CĐDC/dioxin được khám trước khi vào phòng xông hơi tẩy độc.

Một trong những thành công lớn nhất mà Tỉnh hội đạt được là trong năm 2011 đã khởi công và xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân tại thị trấn Cẩm Xuyên. Trung tâm được xây dựng với tổng diện tích 2.000m2, 3 tòa nhà 2 tầng kiên cố với đầy đủ các hạng mục. Ngoài ra, trung tâm còn được hỗ trợ nhiều thiết bị khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng hiện đại, đặc biệt, xây dựng 2 phòng xông hơi - tẩy độc theo công nghệ quốc tế dựa trên phương pháp Leron Hubbard, giúp giảm độc tố trong cơ thể nạn nhân, tăng sức đề kháng... Hà Tĩnh là tỉnh thứ 3 sau Thái Bình và Đà Nẵng có phòng xông hơi - tẩy độc này.

Từ giữa năm 2012 đến cuối năm 2013, trung tâm đã mở 4 đợt nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề cho 162 nạn nhân. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng giữa tháng 4/2014, trung tâm tiếp tục mở một đợt học dài 4 tháng cho 25 học viên. Đồng thời, tổ chức đợt điều trị xông hơi - tẩy độc cho 24 nạn nhân phơi nhiễm CĐDC. Mới đây, phòng khám đa khoa tại trung tâm cũng chính thức đi vào hoạt động, góp phần thiết thực chăm sóc sức khỏe nạn nhân.

Mọi khó khăn được khắc phục dần, niềm vui nhân lên với mỗi trường hợp bị nhiễm CĐDC/dioxin khi các em được học chữ, học nghề (lớp vi tính và lớp nghề may), được sinh hoạt, vui chơi trong môi trường thân thiện, nhân ái. Nhiều em đã vượt khó vươn lên, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Điển hình là các em: Lê Mạnh Cường (SN 1989, Hương Minh, Vũ Quang), Nguyễn Duy Thanh (SN 1980, Sơn Mỹ, Hương Sơn), Nguyễn Thị Cương (SN 1995, Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên), Nguyễn Sĩ Thắng (SN 1988, Thạch Hà), Tô Thị Lê (SN 1992, Kỳ Anh). Sự tiến bộ rõ rệt của các học viên đã làm ấm lòng cán bộ, giáo viên. Một số em đã tự cắt may được quần áo, may cờ Tổ quốc nhập cho các cơ sở dịch vụ; một số khác sử dụng máy tính tương đối khá. Được quan tâm, chăm sóc tại mái nhà thứ 2 này khiến nhiều em xúc động, chỉ muốn ở lại trung tâm.

Ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch hội trăn trở: “Mỗi năm, trung tâm chỉ mở được 2-3 đợt, dài thì 4 tháng, ngắn có khi chỉ 2 tháng. Hiện tại, hội đang cố gắng để hoàn thành đợt học vào 15/8 và dù khó khăn cũng dự kiến mở thêm 1 đợt vào cuối năm”.

Mỗi ngày qua đi, nỗi lo về bữa cơm đủ đầy, thuốc thang cho nạn nhân càng dày thêm. 162 là con số quá nhỏ bé so với hàng nghìn nạn nhân nhiễm CĐCD cần được chăm sóc và nuôi dưỡng; 2 tháng hay 4 tháng cũng chỉ như “muối bỏ bể” khi hàng chục năm, cả cuộc đời họ phải gánh chịu nỗi đau. Phải chia tay trung tâm, ngôi nhà mang lại niềm vui, hạnh phúc, ánh mắt các nạn nhân đượm buồn khiến những người làm công tác quản lý ở đây thấy mình như có lỗi. Và với đặc thù của hội, của trung tâm cũng như hoàn cảnh nạn nhân thì nhu cầu về bác sĩ, y tá và giáo viên còn rất lớn.

Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Xuân Hệ tâm sự trong nỗi niềm băn khoăn, lo lắng: “Được như ngày hôm nay là nhờ công của các anh em vận động, kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Cán bộ quản lý đều là những người đã về hưu, chỉ được hưởng phụ cấp rít ỏi trích ra từ quỹ hội, kể cả các giáo viên trung tâm cũng mang tính thời vụ, hưởng theo phụ cấp. Điều khiến mọi người băn khoăn là làm sao hội được công nhận là hội đặc thù, có nguồn kinh phí từ T.Ư và UBND tỉnh để có thể duy trì hoạt động, giúp đỡ các nạn nhân”.

Trên đường về, chúng tôi luôn trăn trở về nguyện vọng của các cán bộ quản lý ở Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh và Trung tâm Nuôi dưỡng tỉnh ở Cẩm Xuyên. Những con người ấy vẫn hàng ngày thầm lặng lo lắng cho các nạn nhân, vẫn miệt mài quyên góp từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Thiết nghĩ, cả xã hội cần chung tay, góp sức trợ giúp kinh phí để việc chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân đạt hiệu quả, góp phần xoa dịu nỗi đau CĐDC/dioxin. Họ xứng đáng được nhận nhiều hơn nữa những sẻ chia từ cộng đồng, xã hội.

Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ, rải 80 triệu lít chất độc, trong đó có 61% là CĐDC chứa 366 kg dioxin xuống Việt Nam. CĐDC/dioxin ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ 2, thứ 3 trong một gia đình.

Theo thống kê của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Tĩnh, toàn tỉnh có trên 15.000 người bị phơi nhiễm, trong đó, trên 6.000 người đã được công nhận là nạn nhân CĐDC hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast