Những thầy thuốc mang tâm hồn Hải Thượng

Dẫu xa hay gần, đã tới khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), mỗi bệnh nhân đều giữ trong mình những ấn tượng đẹp về đội ngũ thầy thuốc sống hết mình vì người bệnh, về một môi trường xanh - sạch - đẹp.

Mát mắt nhìn cây xanh, nhà sạch

Vừa bước chân vào cổng, tôi đã thấy nhẹ nhõm khi trên đầu rợp bóng xanh, dưới tán cây xoè ô là hàng ghế đá nhẵn bóng. Tôi đếm không hết cây, có loài trên ba chục tuổi, cây chỉ mới lên ba, lên năm nhưng cây nào cũng mang một nét đẹp riêng. Ai cũng hiểu rằng nuôi được cây tốt trên đất cát này không dễ nhưng để tạo nên một cảnh quan đẹp càng khó hơn nhiều, nhất là đối với nghề y suốt ngày vùi đầu với công việc phục vụ bệnh nhân, thời gian nhà rỗi thực sự hiếm hoi.

Xanh - sạch - đẹp ngay từ cái nhìn đầu tiên
Xanh - sạch - đẹp ngay từ cái nhìn đầu tiên

Phải tâm huyết và dày công vun đắp cây mới không phụ công người. Thưở trước, khi Bệnh viện còn đơn sơ với những căn nhà mái ngói cấp 4, bác sĩ Ngọc - Giám đốc Bệnh viện đã có những ý tưởng độc đáo: vừa lo chăm sóc tốt cho người bệnh, vừa phải làm cảnh quan môi trường bệnh viện đẹp như công viên.

Hai mươi năm sau, Giám đốc Hà Chu Thanh - người kế nghiệp đã thực hiện được mong muốn này. Theo thường lệ, mỗi mùa xuân những người trong đơn vị tự mang cây đến trồng, dần dần thành "đội ngũ uy nghi". Tuy có năm bão mạnh quật đổ một số cây lớn nhưng bệnh viện đã kịp thời phát dọn và đưa cây mới vào thay thế. Công việc vệ sinh môi trường công sở đã trở thành ý thức hệ từ Giám đốc đến nhân viên.

Ông Tường, một cựu chiến binh mới vào viện nói: "Vô đây tôi thấy khoẻ ra chú ạ. Chưa kể chuyện thuốc thang điều trị, chỉ riêng khâu vệ sinh đã thấy sướng rồi. Thú thật, đồ tôi mặc ni sạch hơn đồ tôi ở nhà, giường chiếu thơm tho, đầy đủ chăn màn...". Câu chuyện đang xôm, bỗng thấy người đàn bà mảnh dẻ bước vào phòng đưa quần áo mới cho bệnh nhân thay. Chị là hộ lý Trần Thị Sâm, người được đồng nghiệp mến phục đức tính tận tụy "đi sớm về trưa" và không bao giờ nề hà, mặc cảm với người bệnh.

Chị Sâm tâm sự: "Vào viện, bệnh nhân thường hay buồn bã, cáu gắt, một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi và đi vệ sinh lại quên dội nước. Mình phải tăng cường kiểm tra, dặn dò và thuyết phục họ mới chịu nghe. Giữ được sạch từ phòng mổ đến phòng nghỉ bệnh nhân, chị em hộ lý vận động đôi chân rả cả đầu gối, còn tay luôn lau chùi, ngày nào cũng đổ tới hàng trăm thùng rác..".

Phục vụ người bệnh: "Ngày không giờ, tuần không thứ"

"Chắc anh còn nhớ chiếc xe định mệnh chìm trong cơn lũ ở địa phận Cầu Rong ngày 18/10/2010 chứ?. Sáng hôm ấy, sau khi nhận được nguồn tin, Giám đốc Hà Chu Thanh đã thành lập đội cứu thương lưu động đến ngay hiện trường. Khi xe vừa tới bỗng nghe tiếng cậu bé chăn vịt gọi: Có người chết đuối cháu vừa vớt lên đây các bác ơi. Ngay lập tức anh em nhảy lên thuyền và đưa nạn nhân lên. Người đàn bà này chân tay đã cứng đờ, bụng trướng lên, mắt nhắm nghiền bất động, hơi thở vẫn còn phập phồng hai cánh mũi. Tôi tiêm ngay thuốc trợ tim mạch và nhanh chóng làm động tác hô hấp ban đầu để giải phóng ngay lượng nước ứ trong người bệnh nhân, rồi nhanh chóng đưa lên xe cứu thương chở ngay nạn nhân này vào bệnh viện. Đội cứu thương lại tiếp tục đến với những nạn nhân khác.. ", bác sĩ Hà Thanh Sơn tâm sự.

"Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo"
"Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo"

Nghe xong câu chuyện của bác sĩ Sơn, người đàn bà "nhân chứng" được báo chí nhắc nhiều trong "sự kiện tang thương" ấy lại hiện rõ trong tâm trí tôi. Bà chính là Trần Thị Mừng (quê ở Đắc Nông) hôm ấy nói to giữa đám đông: "Tôi và bảy người nữa may mắn được các bác sĩ cứu ngay sau khi vớt. Nếu không vì lương tâm, đạo lý mà chỉ vì tiền thì chúng tôi làm sao sống nổi ..."

Đã từ lâu quan niệm "thương người như thể thương thân" cùng với phương châm "còn nước còn tát" buộc những người thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Nghi Xuân làm việc với nhịp điệu thời gian "ngày không giờ, tuần không thứ". Đối với các khoa cấp cứu, khoa ngoại, khoa sản, từ bác sĩ đến nhân viên y tá, hộ lýàthatj ít khi có một giấc ngủ ngon.

Tôi được các bác sĩ trong Khoa Nội đưa vào thăm một số bệnh nhân mới, đang điều trị tại. Bác sĩ Lam bảo: "Mấy người nằm đây có bà Võ Thị Đường (quê ở Xuân Hoa) là bệnh nhân nặng nhất. Lúc vào khám không ai tin có thể qua khỏi bởi bà Đường bị căn bệnh viêm phổi mãn tính nên suy hô hấp nặng. Hội chẩn xong, chúng tôi dùng phương pháp bóp bóng. Sau đó đặt nội khí quản hút đờm giải, cho thở ô xy liều cao. Giải quyết được thoát khởi cơn nguy kịch ban đầu, tiếp tục dùng thuốc trợ hô hấp giãn phế quản và thuốc trợ tim mạch. Đặt máy thở cho bệnh nhân chạy suốt bốn tiếng đồng hồ nữa bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo".

Mới một tuần lễ được tiêm và uống thuốc bệnh viện, lại được ăn cơm dịch vụ bệnh viện có khoản từ thiện dành thêm cho khẩu phần thức ăn bệnh nhân nặng hoàn cảnh nghèo nên sức khoẻ bà Đường đã phục hồi nhanh. Bà Đường bảo: "Ở nhà có ngày tôi chỉ ăn được có nửa bát vì sức khoẻ yếu lại không có tiền mua cá mua rau. Con cái thương mình thật nhưng khốn nỗi nó cũng chưa nuôi nổi nó thì mình đành cam phận thôi. Tôi lên đây ăn được mỗi bận hai bát vì cơm có thức ăn ngon. Họ bảo bà cứ yên tâm dưỡng sức, không có tiền trả bệnh viên chịu tất. Tôi nghe cảm động đến ứa nước mắt.. ".

Mạnh chuyên môn, hiện đại hoá trang thiết bị

Là một đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, nhưng đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân không bao giờ tự mãn với những thành tích đạt được. Hiện, đơn vị có 117 CB-CNV, trong đó bác sĩ 24 người (1 bác sĩ chuyên khoa II, 7 bác sĩ chuyên khoa I, 16 bác sĩ , 51 điều dưởng trung cấp). Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, bệnh viện gửi đi đào tạo 1- 2 cán bộ sau đại học và đào tạo nâng cao về chuyên môn kỹ thuật không phải để đánh bóng bằng cấp mà học để nâng cao tay nghề, phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Họ học từ lớp từ trường, học qua tài liệu được sưu tầm và học ngay bên cạnh đồng nghiệp mình.

Máy móc, công nghệ đã giúp y, bác sĩ Bệnh viên đa khoa Nghi Xuân phục vụ người bệnh tốt hơn
Máy móc, công nghệ đã giúp y, bác sĩ Bệnh viên đa khoa Nghi Xuân phục vụ người bệnh tốt hơn

Hiện tại, từ bác sĩ đến điều dưỡng viên, kỹ thuật viên đều có trình độ tin học văn phòng, sử dụng thành thạo máy vi tính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Khổ luyện mới thành tài, bác sĩ Lê Viết Hùng hiện là phẫu thuật viên chính. Hùng đã tốn khá nhiều học phí để tiếp cận được với các giáo sư, bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Việt Đức. Bây giờ mổ ruột thừa, mổ dạ dày hay mổ ghép xương, mổ lấy thai, cắt u xơ tử cung.. đôi tay bác sĩ Hùng đã thao tác rất linh hoạt.

Không chỉ có bác sĩ Hùng, bác sĩ Nguyễn Xuân Huy (Khoa Siêu âm), bác sĩ Hoàng Thị Hồng (Khoa Sản) cũng coi việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn là con đường không bao giờ "chồn chân mỏi gối". Chính vì môi trường sạch, y đức tốt và nghiệp vụ chuyên môn ngày càng vững nên Bệnh viện đa khoa Nghi Xuân là điểm thu hút bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình mỗi năm 7.018 lượt người, công suất giường bệnh đạt mỗi năm 152%.

Khi lấy được lòng tin của dân thì càng được nhân dân tôn trọng, quý mến và sự trợ giúp của Nhà nước sẽ tạo nên sức mạnh nội lực trên bước đường đi tới. Trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất được chỉnh trang không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị người bệnh còn tăng thêm niềm cảm kích cho đội ngũ thầy thuốc.

Dự án hỗ trợ từ trái phiếu Chính phủ với hàng chục tỷ đồng đã làm cho các khu nhà khám bệnh, nhà dược, nhà lây, nhà dinh dưỡng của Bệnh viện đa khoa Nghi Xuân hôm nay đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Vẻ đẹp về nhân cách, vẻ đẹp về cảnh quan càng làm cho mọi người hiểu thêm họ đang sống đẹp với người bệnh như những lời di huấn của Hải Thượng Lãn Ông mà họ đọc mỗi ngày dưới bức tượng khi bước vào cánh cổng..

Tháng 4/2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast