“Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa”!

(Baohatinh.vn) - Bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng đầy day dứt, trắc ẩn mà Chánh án TAND thành phố Hà Tĩnh đưa cho 2 vợ chồng trong cuộc hòa giải khiến anh H., chị D. rơi nước mắt...

Nghĩ về 2 đứa con thơ, về cảnh “Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve/ Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp”, những hằn học, xét nét nhau trong mỗi người tan biến. Dẫu còn ngượng ngập, ánh mắt họ âu yếm nhìn nhau và thầm hứa “không để các con buồn”. Đó là số ít trong những lần hòa giải thành của TAND thành phố trước các cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ; các vụ việc ly hôn ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Năm 2014, TAND thành phố đã thụ lý hơn 126 vụ ly hôn, trong đó, hòa giải thành chưa đến 30 vụ.

Theo thống kê của TAND thành phố, số cặp vợ chồng mới kết hôn chưa được 5 năm ly hôn chiếm tỷ lệ khá cao. Nguyên do là khi yêu chưa tìm hiểu cặn kẽ, chưa có đủ thời gian để hiểu nhau, sau khi cưới, cả hai bên đều “vỡ mộng”. Cùng với đó là kinh tế chưa ổn định, gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc con cái nên rơi vào “khủng hoảng”. Chỉ cần vợ hoặc chồng có điều gì không vừa ý là...“ly hôn”. Trong khi đó, nhiều trường hợp hai bên nội ngoại thờ ơ, bỏ mặc kiểu “lớn rồi, tự lo”. Hoặc luôn bênh vực con mình, thay vì đứng ra làm trung gian hòa giải thì họ lại “đổ thêm dầu vào lửa”. Vậy là mâu thuẫn ngày càng gay gắt, rồi dẫn nhau ra tòa. Và lúc này, các thẩm phán lại vừa đóng vai trò người bố, người mẹ, vừa là bạn bè, anh em để động viên, hòa giải.

Gặp gỡ, tiếp xúc, phân tích thiệt hơn, mong hàn gắn tình cảm cho họ. Bằng kinh nghiệm sống, kiến thức pháp lý, chuyên môn, mỗi thẩm phán trở thành một người thương thuyết cần mẫn nhất. “Có nhiều cuộc ly hôn giữa những cặp vợ chồng là “ông này, bà nọ” hay những người “con đàn, cháu đống”, tuổi “thất thập cổ lai hy”. Với các trường hợp này, 2 vợ chồng thường âm thầm, lặng lẽ, tự mình giải quyết. Nhiều khi chúng tôi phải vận dụng các mối quan hệ bạn bè, tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc để mong hàn gắn quan hệ vợ chồng, tất cả vì sự ổn định xã hội, nhất là tránh thiệt thòi cho những đứa trẻ. Tuy nhiên, có khi nỗ lực bất thành, nhiều trường hợp cả 2 đều nhất quyết đoạn tình, không muốn hòa giải, chỉ yêu cầu… ly hôn càng nhanh càng tốt. Buồn và trăn trở lắm anh ạ” - Chánh án TAND thành phố Phan Thị Nguyệt Thu chia sẻ.

Để góp phần hàn gắn hạnh phúc gia đình, thì cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cơ sở cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Khi hôn nhân “có vấn đề”, các cặp vợ chồng rất cần sự quan tâm tìm hiểu, hóa giải kịp thời. Tuy nhiên, nhiều lúc, nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể còn né tránh, ngại va chạm, ngại bị “vạ lây”. Thậm chí, nhiều gia đình, vợ chồng đánh chửi nhau hàng năm trời nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý thỏa đáng.

Theo Chánh án Phan Thị Nguyệt Thu, điều day dứt nhất là các cặp vợ chồng ly hôn hết tình và không còn nghĩa. Họ đổ lỗi cho nhau, chì chiết, ganh tị, tranh giành và buồn nhất là dùng chính đứa con để hành hạ nhau. Dù khi giải quyết, tòa án thường tránh cho các đứa trẻ tiếp xúc nhưng đã có trường hợp, bố mẹ đưa con đến các buổi hòa giải chỉ để gây áp lực cho nhau. Có vụ việc, khi xử ly hôn thì cả vợ và chồng đều giành quyền nuôi con chỉ vì muốn người khác cảm thấy bất an, nhưng sau đó, chỉ vì chênh lệch 300.000 đồng tiền cấp dưỡng lại đưa nhau ra một phiên tòa khác. Và trong 12 vụ ly hôn tòa xét xử thời gian qua, chủ yếu liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và chia tài sản.

Hôn nhân tan vỡ, thiệt thòi nhất là những đứa con. Rồi đây, chúng sẽ lớn lên, chống chọi với sóng gió cuộc đời như thế nào khi thiếu bờ vai vững chắc của bố, vòng tay ấm áp của mẹ. Xin mượn câu thơ của nhà thơ Vương Trọng gửi đến các cặp vợ chồng đã và đang đứng bên bờ chia ly: “Nín đi em! Em khản giọng khóc gào/ Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt/ Những bố mẹ bên bờ chia cắt/ Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast