“Nín thở”… qua sông!

(Baohatinh.vn) - Những tưởng níu dây vượt sông là câu chuyện của ngày xa xưa, thế nhưng, tình trạng này vẫn ngày ngày diễn ra với hàng trăm người dân thôn Trung Lưu và Phố Tây (xã Sơn Tây, Hương Sơn - Hà Tĩnh). Với họ, muốn ra khỏi thôn để làm bất cứ một việc gì, đều phải neo mình trên con đò nhỏ để người lái đò kéo dây đưa qua sông.

“Nín thở”… qua sông! ảnh 1

Để sang sông, người dân 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây phải qua đò với "cáp treo" tự chế.

“Cáp treo” vượt sông!

Xã Sơn Tây có 14 thôn, Trung Lưu và Phố Tây nằm ở rìa phía Nam của xã, chia tách với 12 thôn còn lại bởi con sông Ngàn Phố. Để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người dân 2 thôn này chỉ có con đường duy nhất là đi đò qua sông. Và cứ mỗi lần di chuyển trên dòng nước xiết, chủ đò phải dùng 2 tay níu chặt vào một sợi dây “cáp treo” tự chế. Cáp treo vượt sông được người dân thiết kế khá đơn giản, chỉ một sợi dây thừng và một số cọc đóng cố định hai bên bờ. Vào mùa nước lớn, ngoài níu vào “cáp treo”, chủ đò còn huy động thêm người nhà ra chèo chống để đưa bà con qua sông.

Bà Lê Thị Nữ (thôn Trung Lưu) cho biết: “Hằng năm, mỗi lao động trong thôn nộp 30 kg thóc để trả tiền công cho người lái đò. Ngoài ra, người dân còn đóng tiền để tu sửa đò. Qua sông với đò và một sợi dây ai cũng biết hết sức nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác”.

Người dân thôn Trung Lưu vẫn thường nhắc câu chuyện của cậu bé tên Suối. Suối được sinh ra ngay bên bờ sông bởi mẹ cậu không kịp qua đò sang bên kia bờ để đến trạm y tế. Suối đã lớn lên khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế, người dân Trung Lưu cũng từng nuốt nước mắt chứng kiến không ít trường hợp thương tâm phải xuống “làm bạn với hà bá”.

Trạm Y tế xã Sơn Tây ở bên kia bờ, hơn 800 con người của 2 thôn khi ốm đau bệnh tật đều trông cậy vào y tá thôn. Nhưng với các trường hợp bệnh nặng hay sinh con… y tá thôn không thể xoay xở nổi, chuyển lên Trạm Y tế hay tuyến trên thì phải qua đò, rất vất vả và nguy hiểm. Không chỉ thế, hơn 150 học sinh các cấp học của 2 thôn đều phải qua sông đến lớp. Dù bận công việc đến đâu nhưng cứ đều đặn mỗi sáng, các bậc phụ huynh ở Trung Lưu và Phố Tây lại đưa con ra bến đò, nhìn con qua hẳn bờ bên kia mới yên tâm đi làm; đến giờ tan lớp lại ra đứng đợi con.

Giao thông không thuận lợi, cuộc sống của người dân vất vả đủ bề, nông sản nếu không phải bán với giá rẻ thì cũng bị tư thương ép giá ít nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Phố Tây) thở dài: “Làm ra được hạt lúa, củ khoai đã cực, đem đi bán lại càng cực hơn, chờ thương lái đến mua thì giá quá rẻ vì họ trừ thêm tiền vận chuyển”.

“Nín thở”… qua sông! ảnh 2

Để đi từ bến đò lên con đường chính của thôn người dân cũng phải "bì bõm" vượt qua bãi cát mênh mông

Mong mỏi một cây cầu

Một con đò nhỏ, một sợi dây kéo mong manh, không phao cứu sinh, không có phương án bảo hộ, người dân thôn Trung Lưu và Phố Tây phải tập “sống chung với lũ” ngày qua ngày và nín thở mỗi khi qua sông.

Ông Phạm Thanh Tuấn - Trưởng thôn Phố Tây chia sẻ: Nằm phía trong thôn Trung Lưu, để sang trung tâm xã, người dân Phố Tây cũng phải qua đò. Có một con đường bộ khác để đi nhưng rất xa và phải đi vòng qua xã Sơn Kim 2. Thương nhất là các cháu nhỏ, ngày ngày vẫn phải qua sông đi học.

“Nghề này vất vả thì rõ rồi, từ 4h sáng đã dậy đưa đò đến 8h, 9h tối, thậm chí, giữa đêm, khách có việc cần qua sông, mình vẫn phải làm. Áp lực lại vô cùng lớn, lên đò, khách lo một thì tôi lo mười, chỉ khi qua sông an toàn, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm. Chẳng biết đến bao giờ mới hết cảnh này?!” - lái đò Trần Văn Bình trăn trở.

Ông Phan Tiến Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây chia sẻ: Một cây cầu bắc qua sông Ngàn Phố để rút ngắn khoảng cách giữa 2 thôn Trung Lưu, Phố Tây với các thôn khác của xã là niềm mong mỏi của chính quyền địa phương và nhân dân bao lâu nay. Rất mong các cơ quan, đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện để bà con có con đường đi lại đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Xây dựng cầu còn góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Ông Trần Quốc Pháp - Trưởng BQL Các dự án và đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn cho biết: “Hiện nay, ban đã lập xong dự án, đang trình Sở Giao thông vận tải thẩm định, sau đó, trình UBND tỉnh phê duyệt. Chúng tôi vẫn luôn bám sát kế hoạch, quy trình, nỗ lực để sớm xây dựng công trình phục vụ người dân”.

Đây là một tín hiệu vui đối với bà con thôn Trung Lưu, Phố Tây nói riêng và người dân xã Tây Sơn nói chung. Mong rằng, dự án sớm được triển khai để bà con có thể yên tâm sản xuất, trẻ em có niềm vui trọn vẹn khi tới trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast