Nơi chở che những phận trẻ bất hạnh...

(Baohatinh.vn) - Trên đỉnh núi Thiên Cầm (thuộc thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), chùa Cầm Sơn đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 20 trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Hàng ngày, nơi đây luôn rộn ràng tiếng phật tử đọc kinh và trẻ nhỏ i tờ tập đọc...

Nơi chở che những phận trẻ bất hạnh... ảnh 1

Đại đức Thích Hạnh Nhẫn luôn chăm sóc những đứa trẻ trong chùa từ tác phong sinh hoạt...

Men theo từng bậc bê tông uốn lượn bên những rặng trúc, chúng tôi lên chùa Cầm Sơn vào một ngày đông hửng nắng. Đúng vào giờ cơm trưa nên trong sân chùa, hàng chục đứa trẻ từ 6-17 tuổi đang quây quần quanh 2 dãy bàn ăn. Cạnh đó, một vị sư trạc tuổi trung niên đang dỗ dành những trẻ biếng ăn. Ông là Đại đức Thích Hạnh Nhẫn - Trụ trì chùa Cầm Sơn. Vốn là người ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), năm 2006, tốt nghiệp Học viện Phật giáo Hà Nội, nhà sư Thích Hạnh Nhẫn đã về làm trụ trì chùa Cầm Sơn.

Sau khi về chùa, trong những lần đi hoằng pháp, thầy Thích Hạnh Nhẫn gặp rất nhiều đứa trẻ sống lang thang, lay lắt, nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày. Với phật tâm của người tu hành, thầy Thích Hạnh Nhẫn đã chủ động gặp những đứa trẻ, hỏi rõ nguồn gốc gia đình, rồi đưa về nhà. Sau đó, thầy xin gia đình đưa các cháu lên chùa Cầm Sơn để chăm sóc, dạy dỗ.

Sư thầy chậm rãi kể: Vào một buổi chiều đông giá rét cuối năm 2013, trong lúc vừa đi hoằng pháp về qua bãi biển Thiên Cầm, sư thầy gặp một cụ già gầy yếu, dắt một đứa trẻ đi nhặt ve chai. Nhìn đứa trẻ chừng 5-6 tuổi, mặt tái nhợt, chân tay co rúm, run lẩy bẩy, sư thầy chạnh lòng. Hỏi thăm gia cảnh, được biết, cháu bé là Nguyễn Văn Hoàng (SN 2008, trú xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh). Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, bố mẹ phải vào Nam làm thuê, đành phải gửi Hoàng cho bà ngoại khi chưa tròn tuổi. Để có miếng ăn, 2 bà cháu hàng ngày dắt nhau đi nhặt ve chai, bán kiếm tiền. Thấy hoàn cảnh éo le, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn dẫn 2 bà cháu về chùa, đốt lửa sưởi ấm, lấy cơm cho ăn và ngỏ ý muốn giữ đứa trẻ lại chùa. Bà cụ xúc động, nghẹn ngào chẳng nói nên lời...

Nơi chở che những phận trẻ bất hạnh... ảnh 2

... đến từng bữa ăn giấc ngủ

Đại đức Thích Hạnh Nhẫn coi những đứa trẻ đang nương tựa cửa chùa như con. Thầy lần lượt chăm sóc cho các cháu từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. “Đối với tôi, được chăm sóc, giúp đỡ các cháu cũng là tự giúp mình. Khi những đứa trẻ được ăn uống đầy đủ, học hành đến nơi, đến chốn là tôi thấy tâm mình thanh thản” - đại đức Thích Hạnh Nhẫn bộc bạch.

Được biết, đến nay, đã có 25 đứa trẻ được nuôi dưỡng tại chùa, 5 cháu tốt nghiệp lớp 12 và có nguyện vọng đi tu nên được nhà chùa gửi đến các trường trung cấp Phật giáo ở Huế, Nam Định học tiếp. Những em còn lại đều ngoan ngoãn và học giỏi.

“Mỗi đứa trẻ là một cái duyên khi vào chùa Cầm Sơn nương tựa. Tôi cùng các phật tử trong chùa nuôi các cháu ăn học đến nơi, đến chốn. Sau này, học trường gì, thi vào ngành nào là tùy theo nguyện vọng của các cháu” - Đại đức Thích Hạnh Nhẫn chia sẻ.

Khi nói về những đứa trẻ, gương mặt sư thầy ánh lên niềm hạnh phúc, bởi các em đã vượt qua những mặc cảm về thân phận, hoàn cảnh gia đình bằng kết quả học tập tốt. Tiêu biểu như em Nguyễn Trọng Thương - học sinh lớp 12C Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Dương, Cẩm Xuyên), hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm nhưng 2 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý; em Nguyễn Quốc Việt - học sinh lớp 12C ở Thạch Điền (Thạch Hà) luôn là học sinh xuất sắc của trường. Em Việt còn thường xuyên theo thầy đi làm phúc, cầu siêu cho mọi người...

Em Lê Thị Trầm là học sinh chăm ngoan, học giỏi của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, nhưng do mắc bệnh hiểm nghèo nên đã chuyển về Trường THPT Cẩm Bình để có điều kiện chữa trị.

Nhiều năm qua, các trường và nhà chùa luôn có sự gắn bó mật thiết nên nhiều em ở chùa đã vào Trường THPT Nguyễn Đình Liễn rèn luyện, học tập. Thầy Nguyễn Nam Thắng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các cháu chăm ngoan, học giỏi trước hết là nhờ công lao nuôi dưỡng, dạy dỗ từ nhỏ của Đại đức Thích Hạnh Nhẫn và các phật tử ở chùa Cầm Sơn”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast