Nỗi đau từ sự bất cẩn...

(Baohatinh.vn) - Những vụ chết đuối thương tâm của các em nhỏ trong thời gian 2 tháng hè vừa qua để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. Điều đáng nói là con số trẻ chết đuối ngày càng tăng. Và chỉ khi đã xảy ra hậu quả đáng tiếc, nhiều bậc làm cha, làm mẹ mới đau đớn thốt lên 2 từ “giá như...”.

Những cái chết thương tâm

Tai nạn đuối nước ở trẻ em - chuyện diễn ra nhiều vào dịp hè đã được báo chí nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu năm nay nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Chỉ tính riêng trong tháng 7 đã liên tiếp xảy ra 5 vụ tai nạn đuối nước khiến hơn 10 trẻ tử vong. Theo thống kê sơ bộ từ Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã có gần 30 trẻ em tử vong do đuối nước.

Nỗi đau từ sự bất cẩn... ảnh 1

Vợ chồng anh Đặng Văn Sửu - Trần Thị Huê (thôn 2, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn) khóc ngất bên linh cữu 3 đứa con bị chết đuối

Để xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm đối với trẻ em hầu hết là do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn. Bố mẹ đi vắng, 3 chị em Trần Thị Thu Hoài (8 tuổi), Đặng Trần Tuấn Anh (5 tuổi) và Đặng Thị Thùy Giang (3 tuổi) ở xã Sơn Long (Hương Sơn) rủ nhau ra khúc sông trước nhà tắm rồi bị chết đuối. Trước đó, hai em Nguyễn Văn Hoàng (9 tuổi) trú tại xã Cẩm Hòa và Trần Hữu Quân (13 tuổi) trú tại xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) rủ nhau đi tắm tại khu vực bãi biển thôn Mỹ Hòa (Cẩm Hòa) và bị tử vong do đuối nước.

Mới đây, ngày 23/7, tại hồ nước trong khuôn viên chùa Phong Phạn (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh ở TP Vinh (Nghệ An) tử vong. Điều đáng nói hơn là 3 nạn nhân này cùng tham gia trại hè Phật giáo được tổ chức ở chùa, khi trại hè bế mạc vẫn còn 11 học sinh lưu lại chùa chơi và xảy ra tai nạn đau lòng trên.

Dù đó là tai nạn nhưng một thực tế không thể phủ nhận là cái chết của các em phần lớn là do sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh. Có thể nói, chính sự chủ quan, sơ suất của người lớn trong lúc trông trẻ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đi câu mực, dẫn theo con trai 5 tuổi và để xảy ra tai nạn khiến cả cha và con đều tử vong; đi chăn bò, 1 học sinh lớp 5 ở Đức Thọ tử vong do đuối nước; đi bắt hàu, 4 nữ sinh ở Kỳ Anh không may trượt chân xuống sông dẫn đến tử vong… Những con số thống kê đã phần nào nói lên thực trạng đáng báo động về những tai họa đang đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của trẻ em. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ trong dịp hè vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra các khu vực đồng, sông, suối vui chơi, phụ giúp gia đình chăn trâu bò, mò cua, bắt ốc nên càng dễ xảy ra tai nạn.

Để trẻ tự cứu mình

Trẻ em đuối nước đã trở thành mối nguy hiểm cho an ninh xã hội và hậu quả không thể khắc phục. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo từ phía chính quyền, ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông, thế nhưng, đuối nước như những cái bẫy vô hình, biến hóa khôn lường, đe dọa sự an nguy của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ đuối nước là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị những kiến thức, nhận thức về an toàn trên mặt nước. Tiếp đến là do nhận thức chung về vấn đề này còn hạn chế, nhiều bậc cha mẹ chưa để ý tới những nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí, thờ ơ với những hiểm họa xung quanh con trẻ.

Dạy bơi là hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội và xử lý các tình huống tai nạn dưới nước. (Trong ảnh: Lớp dạy bơi cho trẻ em ở xã Cẩm Trung - Cẩm Xuyên).
Dạy bơi là hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội và xử lý các tình huống tai nạn dưới nước. (Trong ảnh: Lớp dạy bơi cho trẻ em ở xã Cẩm Trung - Cẩm Xuyên).

Một trong những giải pháp hiệu quả để phòng tránh trẻ đuối nước là dạy cho trẻ biết bơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, các hồ bơi chủ yếu tập trung ở các vùng đô thị, hiếm có ở vùng nông thôn, trong khi tai nạn đuối nước lại chủ yếu xảy ra ở nông thôn. Các lớp dạy bơi chỉ mới dạy kỹ năng bơi lội chứ chưa dạy trẻ cách xử lý khi có tai nạn xảy ra. Bên cạnh trang bị kỹ năng bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, các cấp, ngành cần quan tâm xây dựng sân chơi cho trẻ, nhất là các hoạt động vui chơi trong dịp hè. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống đuối nước cho trẻ. Một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả cần được khai thác tối đa, đó là hệ thống loa phát thanh tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Để những người làm cha, làm mẹ thực sự thấy được hiểm họa luôn “rình rập” con trẻ, từ đó có biện pháp phòng tránh kịp thời.

“Hà bá” rình rập khắp nơi và tai họa có thể đến với bất cứ ai, bởi vậy, hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần dành thời gian nhiều hơn cho con em; đừng lơ là, bất cẩn trong bảo vệ, giám sát và chăm sóc trẻ để khỏi ân hận khi xảy ra sự việc đau lòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast